* May cho anh là phim cuối năm mới chiếu nhé! Chứ nếu phát lúc này, e là chẳng hợp, cho một bộ phim chỉ toàn người tốt…- Cuộc sống bao giờ chẳng vậy: người tốt xen lẫn kẻ xấu. Chỉ là con mắt chúng ta hướng về đâu. Người tốt, người làm việc đâu có thiếu, chẳng qua là báo chí chỉ thích đưa tin về người xấu, người rỗi việc đó thôi. Cứ xem cuộc họp báo ra mắt album của Lam Trường thì biết. Cả một sản phẩm âm nhạc làm kỳ cạch bao lâu bỗng chốc lu mờ trước sự xuất hiện của “Bà Tưng”. Một bộ phim mới ra mắt muốn gây chú ý phải có dăm ba chân dài đứng trước poster tạo dáng và nếu vừa đi… sửa mũi về nữa thì càng tốt. “Lộ hàng” thì lại càng được việc! Vụ bác sĩ vứt xác bệnh nhân ngày ngày giờ giờ tràn ngập khắp các trang báo mạng… Cái tốt chưa bao giờ được cập nhật đến thế. Quá nhiều cái xấu lấn át và che lấp cái tốt trên mặt báo, thậm chí, còn nằm chình ình trên đấy, nhiều ngày, nhiều giờ, chỉ cốt để bán báo. Người ta để mất quá nhiều thời gian cho quá nhiều thứ nhảm nhí, hỏi sao không dần đánh mất niềm tin. Để đám đông đánh mất niềm tin, tôi nghĩ, lỗi trước hết và phần nhiều là ở báo chí.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng (giữa) cùng hai nhân vật “người tốt, việc tốt” trong Vừa đi vừa khóc
* Vậy chứ không phải là lỗi của showbiz các anh sao, như chính anh vừa nhắc đến? Nếu các cô ấy không sửa mũi, không lộ hàng, thì dễ chừng, báo chí “sáng tác” ra được chắc?- Vấn đề là có cầu thì có cung thôi. Hơn ai hết, những kẻ bất tài luôn biết rõ báo chí đang cần gì và “cái tài” duy nhất họ có là đáp ứng điều đó. Chẳng phải con đường ngắn nhất để bước vào showbiz là mặc áo hở ngực, đi xe mượn và đeo lên người cả đống nữ trang không rõ thật giả… sao? Người ta cảm thấy xấu hổ vì chưa kiếm được túi xách hàng hiệu để đeo hơn là không có được giọng hát tốt. Người ta coi việc không mua được nhà, được xe là thất bại lớn trong đời. Đời sống vật chất đã làm rất nhiều người trong chúng ta trở nên dao động và đánh mất sự tự tin lúc nào không biết, rồi từ đó, càng trở nên nghi ngờ, đố kỵ lẫn nhau… Đó, “công lớn” của báo chí là ở đó!
* Và vì vậy, những bộ phim của anh trước nay hầu hết đều kể chuyện “cổ tích”, với chủ yếu là người tốt? Đời đâu phải thế?- Nhưng đời cũng đâu xấu thế! Đằng nào cũng chỉ phản ánh được một phần đời sống, vậy sao không lựa cái phần sáng hơn? Chẳng có lý gì để chúng ta được quyền làm người xem mất lòng tin vào cuộc sống cả, khi người tốt thực sự vẫn còn đó và còn rất nhiều là khác. Chỉ là báo chí đã cố tình bỏ qua họ mà thôi.
* “Sâu” bò lổm ngổm như thế, không mất lòng tin mới lạ!- Chuyện gì ra chuyện đó đi, người nào tự chịu trách nhiệm về người đấy, đừng vì con sâu mà bỏ rầu nồi canh! Đừng vì một cô lộ ngực mà nghĩ cả showbiz Việt bất tài. Đừng vì một đạo diễn hay bầu sô nào đó gạ tình mà vội chùn bước trước showbiz. Ngay cả vụ bác sĩ vứt xác nạn nhân, tôi cũng nghĩ không nên qua một, hay một vài người mà vội vàng quy chụp y đức của cả một ngành! Chúng ta đều lớn cả rồi, tốt nhất là mỗi người nên tự chịu trách nhiệm về chính hành động của mình. Đừng quên, người tốt vẫn còn ở quanh ta, chỉ là ta không cố công tìm kiếm họ mà thôi. Hãy để họ được là chính họ, đừng để văn hóa nghi ngờ phủ lấp mọi thứ dễ dàng đến thế!
* Nói vậy, hẳn anh có một sự đồng cảm nhất định với phát ngôn gây sốc mới đây của MC hải ngoại Kỳ Duyên (thực ra là của MC Nguyễn Ngọc Ngạn mà cô lấy làm tâm đắc): “Văn hóa Tây thiên về khuyến khích, còn văn hóa Việt thiên về chỉ trích”?- Kỳ Duyên nói đúng đấy chứ! Sự nghi ngờ quả thật đã len vào ngay cả những nơi đáng ra là chỗ của niềm tin và sự kết nối…
* Vậy, theo anh, cách nào để đánh thức niềm tin? Bao giờ chúng ta mới có thể có lại một anh hùng như tướng Giáp? - Chúng ta đã xếp từng hàng dài để được viếng tướng Giáp. Nhưng chúng ta cũng từng chen chân để được nhìn thấy Nick Vujicic - người anh hùng của đời thường, để từ đó nhớ ra rằng xung quanh chúng ta cũng có không ít Nick Việt. Niềm tin ở đó chứ đâu! Miễn sao chúng ra có được một nhân vật mới đủ sức truyền cảm hứng - điều mà tôi cho là thiếu nhất lúc này. Để ít nhất, khi ra nước ngoài, chúng ta không thể nói mãi câu: Chúng tôi có Bác Hồ, chúng tôi có tướng Giáp… Để làm được điều đó, mỗi cá nhân đôi khi không đủ, một bài báo đôi khi không đủ, mà cần có cả một chiến lược truyền thông ở quy mô lớn, để những gương người tốt việc tốt trở thành điển hình, đủ sức tạo nên những động lực sống, như Nick. Và quan trọng là không bị chìm lấp dưới lớp lớp những chuyện người xấu, việc xấu vốn luôn được báo chí ưu tiên vị trí “mặt tiền” lẫn “khung giờ vàng”…
* Thực ra cũng có những người chịu đọc những bài “người tốt việc tốt” đấy anh! Có điều, không biết tại sao, những bài báo về “người tốt việc tốt” ở ta thường viết… dở tệ, thế mới chán! Hay sở trường của nhà báo VN là viết về… cái xấu?- Vì viết về cái xấu là dễ nhất mà. Viết về cái lố càng dễ hơn nữa, chỉ cần lên Facebook nghiêng ngó một lúc là lập tức biến được của người thành của mình! Trong khi, để viết về cái tốt, nhất là những cái tốt lẩn quất trong đời sống, lại đòi hỏi bao công sức chắt lọc, kiếm tìm, mà chưa chắc đã dễ được đăng. Hoặc bài đăng lên không mấy ai đọc. Cái này, một phần nguyên nhân, quả thật, cũng đúng như bạn nói. Có những bộ phim tài liệu về người tốt việc tốt được chiếu trên truyền hình, nói thật, xem xong tôi chỉ muốn đập bể ti-vi vì tức quá. Tức cái cách họ “sến hóa” nhân vật, bằng những lời lẽ lâm ly thê thiết, đến chính người xem cũng đâm nghi ngờ cái tốt. Trong khi, những con người bình dị ấy, thực ra, họ nói và nghĩ giản dị hơn nhiều. Làm sao hy vọng có được bài báo hay, đủ sức lay động người đọc khi phần lớn là được viết theo phong trào, hơn là xuất phát từ trái tim chứa đựng tâm huyết và trải nghiệm của người làm báo…
* Làng báo VN thực ra không thiếu những nhà báo có tâm, như anh nói, người tốt vẫn lẩn quất đâu đó. Nhưng không ít người trong số họ đôi lúc không đủ tự tin để nhận diện cái tốt, sau quá nhiều “cú hớ truyền thông”. Người mới lên chương trình “Người đương thời” hôm nay, hôm sau đã thấy bị bắt vì tội lừa đảo. Vị bác sĩ vừa ném xác bệnh nhân xuống sông chẳng phải cũng từng được đánh giá có nhân thân tốt và là một đứa con có hiếu đấy thôi.- Những cú hớ nói trên, tôi cho là do người thực hiện đã không đổ sức tìm hiểu kỹ. Dường như chúng ta đang thiếu bình tĩnh và quá vội vàng trong mọi thứ. Ngay bản thân tôi lúc này đọc một cuốn sách cũng chỉ mong sao nó chóng hết (để còn đọc cuốn khác). Một quyết định lớn đôi khi chỉ trong tích tắc. Cái xấu, tôi nghĩ khó mà tự dưng xuất hiện nếu như trước đó không từng manh nha đâu đó. Lấy ví dụ vị bác sĩ kia, đành rằng khoảnh khắc anh ta phạm tội có thể là do không đủ bình tĩnh, nhưng trước đó, hành vi hành nghề không phép thì sao, kiếm tiền bằng mọi giá, thì sao? Một người như thế không thể là người tốt! Một chữ hiếu chứ ngàn chữ hiếu cũng không thể biện minh cho hành động đó!
* Hãy nói cho tôi biết, việc tốt gần nhất anh vừa làm là gì?- Là mua ủng hộ cặp nghệ sĩ múa tài năng Ngọc Anh - Tạ Thùy Chi hai cặp vé xem live show của họ và loan báo cho mọi người cùng tham gia ủng hộ. Không phải là sự “ban phát”, mà vì họ xứng đáng!
* Anh đúng rồi đó! Vì tôi cũng đã… chứng kiến Thành Lộc làm điều đó!Thư Quỳnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần