Vì sao Trung Quốc từ bỏ chính sách một con?

30/10/2015 07:23 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trung Quốc đã quyết định từ bỏ chính sách một con vẫn áp dụng lâu nay. Thay vào đó là chính sách hai con trên mỗi cặp vợ chồng, nhằm giải quyết nhiều vấn đề trong xã hội nước này.

Hôm 29/10, Tân Hoa Xã cho biết từ nay, mỗi cặp vợ chồng ở Trung Quốc sẽ được sinh tới hai con.

Chính sách gây tranh cãi

"Để thúc đẩy sự tăng trưởng dân số cân bằng, Trung Quốc sẽ cần giữ vững chính sách kiểm soát dân số cơ bản và cải thiện chiến lược phát triển dân số" - Tân Hoa Xã đưa tin - "Trung Quốc sẽ triển khai toàn diện chính sách "mỗi gia đình có hai con", nhằm chủ động đối phó với vấn đề già hóa dân số."

Trung Quốc, hiện có hơn 1,3 tỷ dân, đã triển khai chính sách mỗi gia đình chỉ có một con từ những năm 1980, nhằm kiểm soát dân số.


Các chuyên gia nói rằng sẽ không nhiều gia đình Trung Quốc, đặc biệt là những gia đình ở đô thị, vội vã sinh thêm con sau khi chính sách một con bị xóa bỏ

Chính quyền Bắc Kinh nói rằng chính sách đã giúp giảm bớt 400 triệu ca sinh nở. Tuy nhiên nó cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực, bao gồm nạn phá bỏ các thai nhi là con gái để sinh con trai. Sự mất cân bằng giới hình thành từ việc này có nghĩa hàng triệu nam giới Trung Quốc sẽ không thể có vợ.

Ngoài ra, khi hoạt động tuyên truyền chính sách một con không có hiệu quả, giới chức địa phương thường áp dụng các biện pháp mạnh tay như cưỡng ép triệt sản, phá thai và phạt nặng.

Năm 2012, dư luận đã bị sốc trước việc một cô gái 23 tuổi ở tỉnh Thiểm Tây bị các quan chức kế hoạch hóa gia đình bắt cóc và ép phá thai, dù đã mang bầu được 7 tháng.

Không mặn mà với việc sinh thêm con

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc hiện chỉ là 1,4 con trên mỗi người phụ nữ. Tỷ lệ này còn dưới cả Mỹ và nhiều quốc gia khác trong thế giới các nước phát triển.

Hậu quả từ tỷ lệ sinh thấp là quy mô dân số sẽ bị già hóa nhanh, trong khi lực lượng lao động trẻ mỗi lúc một teo tóp. Chính quyền Trung Quốc nói rằng đất nước này sẽ trở thành nơi có đông người già nhất thế giới trong vòng 15 năm tới đây, với hơn 400 triệu người trên 60 tuổi.

Sự già hóa dân số sẽ làm tăng gánh nặng lên hoạt động chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội. Điều này sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp thêm nhiều khó khăn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng.

Nhận thức được nguy cơ, mấy năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng dần chính sách một con. Cụ thể, vào tháng 1/2014, Trung Quốc đã cho phép các cặp vợ chồng sinh thêm đứa con thứ hai, nếu ông bố hoặc bà mẹ là con một.

Khi ấy, động thái của chính quyền được ca ngợi là sự thay đổi cực kỳ lớn trong chính sách dân số Trung Quốc, có thể kích thích hoạt động sinh đẻ.

Trên toàn Trung Quốc, gần 11 triệu cặp vợ chồng được hưởng lợi từ quy định mới ban hành tháng 1/2014. Tuy nhiên chỉ khoảng 1 triệu cặp lập tức đăng ký sinh thêm con. Giới chức y tế Trung Quốc cũng ước tính rằng các cặp vợ chồng nước này đã sinh thêm 2 triệu đứa trẻ.

Sẽ phải chịu hậu quả trong nhiều thập kỷ

Phản ứng tương tự cũng có thể diễn ra khi Trung Quốc từ bỏ chính sách một con. Các chuyên gia cảnh báo sẽ không sớm có sự thay đổi liên quan tới tỷ lệ sinh.

Ba thập kỷ sống dưới chính sách một con đã khiến người Trung Quốc quen với tiêu chuẩn này. Ngoài ra, áp lực từ công việc, cuộc sống cũng khiến người ta không muốn sinh nhiều con.

Kết quả một số cuộc thăm dò dư luận tiến hành trong tháng 1/2015 cho thấy không nhiều người Trung Quốc muốn sinh thêm con, kể cả khi chính quyền đã nới lỏng hạn chế.

Với những người như Wang Feng, một viên giáo sư tại Đại học Fudan và là chuyên gia dân số hàng đầu ở Trung Quốc, chính sách một con không hiệu quả và không cần thiết ngay từ đầu, bởi tốc độ tăng dân số của Trung Quốc đã giảm dần từ những năm 1980.

"Trung Quốc đã bắt đầu cảm thấy một cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên khía cạnh thay đổi dân số. Nhưng Trung Quốc vẫn sẽ phải sống với hậu quả của chính sách một con trong nhiều thập kỷ nữa" - ông Wang nói - "Lịch sử sẽ nhìn lại và thấy rằng chính sách một con là một trong những sai lầm lớn nhất mà Trung Quốc từng phạm phải".

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link