Nhà thơ Vi Thùy Linh: Tôi muốn "bất thường" và hướng tới sự phi thường

09/01/2011 13:44 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nhà thơ Vi Thùy Linh sẽ trình diễn thơ và cùng các nghệ sĩ nổi tiếng cống hiến những bất ngờ tại buổi ra mắt Phim đôi - Tình tự chậm, mở màn 17h30 chiều mai 10/1 tại Không gian Sáng tạo Trung Nguyên (36 Điện Biên Phủ - Hà Nội). Mỗi bài thơ là một cảnh phim, trong đó đêm nghệ thuật là cao trào.

Đến đây, khán giả sẽ được gặp nhiều nghệ sĩ các lĩnh vực. Chương trình chuẩn bị công phu, do họa sĩ Lê Thiết Cương tổng đạo diễn. Chỉ riêng tối 10/1, Phim đôi - Tình tự chậm phát hành ấn phẩm đặc biệt có chữ ký tác giả và ê - kíp sáng tạo.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Vi Thùy Linh trước giờ “bùng nổ”:

Đọc, chứ đừng “nghe” thơ tôi bằng các trích dẫn

Vi Thùy Linh với tập thơ mới và khuôn kẽm dát vàng tranh Thành Chương. Ảnh: Huy Thông

* Chị sẽ “bùng nổ” thật ư?

- Thật chứ, bằng sự dữ dội dịu dàng. Phim đôi - Tình tự chậm là lời tỏ tình trọng đại nhất với thi ca. Đây là cuốn thứ 5 và lần đầu tiên, tôi tổ chức họp báo, trình diễn. Trong đời người, những điều trọng đại chỉ đến một lần. Quả thật, cuộc tình này tốn kém quá. Nó ngốn nhiều sinh lực, tâm não.

Phim đôi - Tình tự chậm gồm 2 phần: Khát (10 bài thơ cũ, để Hồi tưởng) và Link (gồm 29 bài viết năm 2010). Các minh họa được 8 họa sĩ vẽ riêng cho thơ ViLi. Họa sĩ Lê Thiết Cương rất tâm đắc hình ảnh con chim sẻ trên mái nhà ngói vỡ trong Tự cảm, anh minh họa và tôi chọn bức ấy in thiệp mời.

* Vì sao lại là “Tình tự chậm”?

- Cuộc sống quá vội vã, khiến người ta tha hóa chính mình. Hãy chậm lại, để sống hết từng phút giây. Tôi tình tự với từng con chữ chậm, kỹ càng. Đời sống và nghệ thuật của tôi không diễn hay có khái niệm xã giao. Lý do duy nhất khiến tôi còn kiên cường với thi ca bởi si tình, kẻ si tình quá đỗi trong tính cách cực đoan. Tôi đúng là một người quá đà, lại không muốn điều chỉnh mình. Trong đời sống, khao khát bình yên bao nhiêu thì trong nghệ thuật tôi muốn “bất thường” và hướng tới sự phi thường bấy nhiêu.

Khi sáng tạo lẫn lúc yêu, tôi chỉ biết hiến dâng. Tôi không tiếc gì cho tình yêu. Đáp lại, chỉ cần được hiểu đúng và trân trọng. Điều mong mỏi nhất là độc giả hãy đọc, chứ đừng “nghe” thơ tôi bằng các trích dẫn lai cảo qua tai...

* Chị khát khao được hiểu đúng, phải chăng đã nhiều lần bị hiểu lầm?

- Nghệ sĩ thực thụ, ai chẳng nhạy cảm và đa tình, tôi không ngoại lệ. Nghệ thuật có thể thử nghiệm, khám phá, với tình bạn, tình yêu, tôi rất kỹ và trách nhiệm trong tình cảm. Mặc dù chiều theo xúc cảm, song lý tính khi quyết định.

Tôi tốt quá và sẽ còn như thế. Mang uy tín, năng lực nhiệt tình giúp đỡ không ít người, rồi bị người ta phản bội. Tôi quá cả tin mà không đòi hỏi người ta phải làm gì lại. Nhà sử học Dương Trung Quốc bảo ông ấy tốt với cả người không tốt với mình. Không đủ sức lực và sự hào phóng như thế, tôi dại dột hơn ông ấy vì thường tốt vô tư trước. Bị tổn thương, lần sau lại tốt với người khác. Tôi nghĩ đời có nhân quả, nghệ sĩ trước hết phải là người trung thực, nhân hậu và lãng mạn.

Đồn thổi về đời tư, nghệ thuật không làm tôi hoang mang. Tôi tự tin về thực lực, nhân cách trong sáng và ngay thẳng. Làm nghệ thuật, sợ nhất sự nhạt nhòa không ai để ý. Tôi là một trong số ít nhà thơ bán được sách và có fan “xịn”. Vấn đề ai nói gì không quan trọng bằng người nói là ai. Lần này, trong phần Hồi tưởng, tôi in lại bài Chân dung (năm 2000) để những ai bấy lâu thích tung tin đồn thổi có dịp đọc, vì tôi biết chắc họ không hề có sách của tôi và tìm đọc chân thành để hiểu ý tác giả chỉ muốn bình yên: “Khỏa thân trong chăn/ Thèm chồng/ Thèm có chồng ở bên/ Chỉ cần anh gối lên đùi/ Mình ôm lấy anh ôm mình/ Biết sự bình yên của mặt đất/ Trong chăn/ Những câu nói mê tỏa hơi nước/ Đầu rỗng/ Tôi tập chết/ Để - biết - mình - đang - sống”.

“Test” về sức hút của Vi Thùy Linh

Tập thơ thứ 5 Phim đôi - Tình tự chậm của Vi Thùy Linh

* Vì sao chị mời các họa sĩ, nghệ sĩ tiếng tăm dự đêm ra mắt tập thơ, chẳng lẽ cái tên Vi Thùy Linh chưa đủ để thu hút?

- Tôi không chơi trội, không cần mượn danh bất kỳ ai để đánh bóng tên tuổi của mình khi Phim đôi - Tình tự chậm mời 8 họa sĩ tên tuổi minh họa, dịch giả và nhà thiết kế hàng đầu. Đó là liên tài với tinh thần duy mỹ để đưa đến công chúng một giai phẩm.

Bây giờ, từ “nổi tiếng” bị dùng lệch lạc, lạm phát, tôi vẫn có niềm tin: ViLi thi ca độc bản. Vi Thùy Linh không bao giờ làm hàng dởm, hàng “đạo”, mà chỉ từ hàng thật đến hàng hiệu trở lên (cười). Số khách, khán giả có mặt tại đêm diễn sẽ cho kết quả chính xác cho cuộc “test” về sức hút của thơ Linh.

* Chị sẽ xuất hiện thế nào trong sự kiện nghệ thuật mà chị cho là “trọng đại”?

- Kịch bản mở với những bất ngờ. Suốt mùa Hè, NSƯT Quyền Văn Minh viết bản nhạc Trái tim và Nhà thơ. Ông cho biết, nốt nhạc cuối cùng của bản hòa tấu hai chủ đề sẽ xong vào 10/1. Lần đầu tiên tôi sẽ nghe Trái tim và Nhà thơ cùng khán giả. Quyền Văn Minh nói, ông thấy nơi tôi những đối lập, nhanh - chậm, sự mãnh liệt và đằm thắm, gợi ý ông nảy ý tưởng viết cho saxophone...

Tôi hy vọng sự kiện này sẽ là “đại yến” của thị giác, ánh sáng và thi ca. Về thị giác, lần đầu tiên ở VN có buổi ra mắt sách triển lãm những bức minh họa gốc được lồng khung và trưng bày sắp đặt 16 bản khắc kẽm minh họa dát vàng, với số vàng gần 2 cây. Ý tưởng của nhà thiết kế Ngô Nhật Hoàng (Giám đốc sản xuất) là sẽ bán ngay những bản khắc kẽm nếu có khách định giá đúng. Còn Vi Thùy Linh lần đầu trình diễn với Đào Anh Khánh trong vai hai người yêu nhau.

* Tôi đã nghe nhiều người trong giới kháo rằng, sắp tới chị còn chuẩn bị mang thơ... xuất ngoại?

- Tôi viết tiếng Việt nên luôn quý giá công chúng trên đất nước mình. Và tôi cũng rất chú trọng chuyển ngữ để lao động sáng tạo của tôi đến được với nhiều độc giả các nước. Tương lai, Phim đôi - Tình tự chậm sẽ được giới thiệu tại Pháp.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Tình yêu Hà Nội bẩm sinh

“Tôi đi nhiều nơi, đều mang cảm xúc nơi khác về viết tại Hà Nội, là nơi tôi sinh ra, và gắn bó suốt đời. Tôi chào đời ở Hộ sinh A, 36 phố Ngô Quyền. Bài Về nơi tôi sinh ra về nhà hộ sinh này được giải “Chuyến đi đáng nhớ”, cuộc thi Một chuyến đi của báo TT&VH tháng 3/2009.

Không thể nói về sự nhiều hay ít của tình yêu này, một tình yêu bẩm sinh. Tôi tin Hà Nội có linh hồn. Nó không phụ ai yêu nó, kể cả tha hương, khi trở về cũng đều nhìn thấy cái gì đó của mình, gắn bó như máu thịt. Tôi nhớ Hà Nội ngay cả khi tôi đang trong lòng Hà Nội” (Vi Thùy Linh).

Hà Chi (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link