Victor Tardieu - 'Mở đường' cho nền mỹ thuật 'triệu đô' của Việt Nam

24/06/2022 11:30 GMT+7 | Văn hoá

Trong những năm gần đây, tranh Việt Nam bắt đầu cán mốc triệu đô và có mặt ngày càng nhiều tại các phiên đấu giá quốc tế.

Tranh Việt Nam lần đầu đến London

Tranh Việt Nam lần đầu đến London

Trong khuôn khổ chương trình “Những ngày Việt Nam tại Vương quốc Anh năm 2022”, triển lãm cá nhân “Thế giới rộng lớn trong mắt trẻ thơ” của họa sĩ Xèo Chu được tổ chức tại Phòng tranh D Contemporary, London, từ ngày 29/3 đến ngày 10/4.

Đa phần những tác phẩm đắt giá này đều thuộc về các họa sĩ của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Phan Chánh, v.v… Và người có công đầu cho sự ra đời của ngôi trường danh tiếng này chính là họa sĩ Victor Tardieu - người đồng sáng lập và là vị hiệu trưởng đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương.

Mới đây, nhân kỷ niệm 85 ngày mất của họa sĩ Victor Tardieu (30/4/1870 - 12/6/1937), ĐHQGHN tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Victor Tardieu - Tầm nhìn và thế hệ tinh hoa mới ở Việt Nam”. Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu đều khẳng định công lao to lớn của Victor Tardieu đối với sự ra đời nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Từ chuyến đi định mệnh…

TS Phạm Long - nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật cho biết, sau khi học xong trường Mỹ thuật Lyon và trường Mỹ thuật Paris, Victor Tardieu đạt nhiều giải thưởng về mỹ thuật tại Pháp như giải Đồng - Đấu xảo Hoàn vũ 1900, giải thưởng Quốc gia 1902. Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến giải thưởng Đông Dương về hội họa, ông được nhận vào năm 1920. Giải thưởng này quy định các nghệ sĩ sẽ được 1 năm sang Đông Dương để tham quan và vẽ. Từ giải thưởng này, năm 1921, Victor Tardieu sang Đông Dương.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Victor Tardieu (1870 - 1937). Ảnh: TL

Thời điểm ở Đông Dương, Victor Tardieu được Toàn quyền Đông Dương Maurice Long mời vẽ hợp đồng trang trí cho tòa Đại học Đông Dương đang được xây mới và hoàn thiện. Chính hợp đồng này đã “níu chân” Tardieu ở lại Đông Dương trong một thời gian dài, thay vì 1 năm như giải thưởng quy định.

Tại Đông Dương, Victor Tardieu có dịp gặp gỡ Nam Sơn (Nguyễn Vạn Thọ, 1890-1973) - một người họa sĩ địa phương có tiếng ở Đông Dương. Họa sĩ Nam Sơn khi ấy là người đã giúp Tardieu rất nhiều trong việc tìm hiểu những phong tục tập quán bản địa, hay đi vẽ phong cảnh để lấy tư liệu cho bức tranh trang trí ở tòa Đại học Đông Dương.

Ông Long cho biết thêm, “cũng trong thời gian này, giữa Victor Tardieu và Nam Sơn đã có những trao đổi nảy sinh ý tưởng thành lập một trường mỹ thuật cấp đại học (thời đó gọi là cao đẳng) ở Đông Dương. Đây có thể nói là ý tưởng tạo ra sự thay đổi cho nền mỹ thuật của Việt Nam cũng như thẩm mỹ của người Việt”. Được sự chấp thuận của chính quyền, trường Mỹ thuật Đông Dương chính thức thành lập tại Hà Nội theo Nghị định ngày 27 tháng 10 năm 1924 của Toàn quyền Martial Merlin.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật độc lập Phạm Long (đứng) tại tòa đàm. Ảnh: BTC

Xây dựng chương trình giáo dục nghệ thuật tiến bộ

Sau khi thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương, Victor Tardieu có nhiều hoạt động chuyên môn nổi bật như: phụ trách mỹ thuật khu Đông Dương tại Đấu xảo Paris 1931; phát triển nghệ thuật sơn dầu, sơn mài và lụa tại trường Mỹ thuật Đông Dương; tổ chức các triển lãm của trường mỹ thuật tại Đấu xảo Paris và Pháp từ 1931 – 1932; mở xưởng “sơn ta” năm 1934; lập Hội Chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ Annam năm 1935; tổ chức phòng triển lãm (salon) đầu tiên của Đông Dương năm 1936; v.v…

Đáng nói, trong khoảng thời gian xây dựng trường Mỹ thuật Đông Dương, Victor Tardieu đã lập “Chương trình giảng dạy tổng quát” vào năm 1924. Nhà nghiên cứu Phạm Long đánh giá, “đây là một chương trình giảng dạy tổng quát không chỉ về mỹ thuật mà còn tích hợp đa ngành, liên văn hóa. Một chương trình tiến bộ, vượt qua tất cả những yếu tố kỹ thuật, khuôn khổ của một trường mỹ thuật thông thường, được xây dựng phù hợp với tình hình Đông Dương thời bấy giờ”.

Chú thích ảnh
Triển lãm tại trường Mỹ thuật Đông Dương chuẩn bị tham dự Đấu xảo Thuộc địa, Paris, 1931. Ảnh: TL

Chương trình giảng dạy tổng quát được Victor Tardieu đề ra với một loạt các môn học có sự xen kẽ giữa những môn căn bản về hội họa như vẽ trang trí, vẽ trên vải, đồ ren, đồ thêu, v.v… với những môn liên quan trực tiếp đến thủ công mỹ nghệ như đồ chạm, đồ nữ trang, đồ kim hoàn, v.v… Ở đây, có thể thấy Tardieu với tầm nhìn xây dựng trường Mỹ thuật Đông Dương không chỉ hoạt động theo hướng đào tạo mỹ thuật đơn thuần, mà còn đào tạo cả về thủ công mỹ nghệ.

TS Phạm Long cho biết: “Trong chương trình tổng quát, Victor Tardieu cũng đề ra những mục đích, tiêu chí rất cụ thể. Trước hết, dạy sinh viên thành người sáng tạo, sáng tác theo xu hướng hiện thực. Mọi sinh viên học vẽ và điêu khắc bắt buộc phải tham gia các khóa học kiến trúc. Thậm chí, sinh viên kiến trúc đề xuất đồ án, phần trang trí điêu khắc và tranh vẽ phải giao cho sinh viên hội họa và điêu khắc phối hợp thực hiện. Điều này thể hiện mong muốn không có sự phân biệt giữa các ngành học của Victor Tardieu”.

Ngoài ra, chương trình tổng quát của Victor Tardieu còn được xây dựng với nhiều tiêu chí tiến bộ khác như đáp ứng nhu cầu hiện đại với thị hiếu tốt và biện pháp cẩn trọng, bắt mạch truyền thống, bảo tồn căn tính; đào tạo sinh viên thành người thực hành xuất sắc, có học thức, tâm hồn, ý tưởng tốt, hiểu được sứ mệnh cao cả của nghệ sĩ trong xã hội; song hành nghiên cứu lịch sử nghệ thuật phương Tây, nhất là nghệ thuật Pháp với nghệ thuật Viễn Đông; v.v…

Cũng trong chương trình tổng quát của Victor Tardie, cần nhấn mạnh đến hoạt động dạy thẩm mỹ học về lịch sử nghệ thuật cho cả công chúng. Tiêu chí tiến bộ này đã góp phần giúp thẩm mỹ và kiến thức về lịch sử mỹ thuật ở tầm cao có thể truyền tải được cho công chúng. Đa dạng đối tượng như giới yêu nghệ thuật, thợ thủ công mỹ nghệ, thợ cảng, nghệ nhân, v.v… đều có thể đến trường Mỹ thuật Đông Dương học qua các lớp dự thính, lớp dạy buổi tối để có thể tiếp cận những kiến thức về mỹ thuật.

Chú thích ảnh
Tranh tường giảng đường Đại học Đông Dương của Victor Tardieu. Ảnh: TL

Định vị nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Ngay từ năm 1931 tại Đấu xảo Thuộc địa Paris, trường Mỹ thuật Đông Dương đã gây được tiếng vang lớn ở nước Pháp. Năm đó, nhiều tác phẩm của sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm với một số lượng lớn tranh sơn mài, tác phẩm trang trí sơn mài đến những tác phẩm về lụa. Rất nhiều nhà phê bình Pháp thời điểm đó đánh giá sự kiện này gần như là một định vị mới của nền nghệ thuật ở Đông Dương.

Tại Đấu xảo Thuộc địa Paris 1931, một số tác phẩm nổi bật của sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương có thể kể đến trong Gian sơn mài là 3 tấm chính do các sinh viên Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Thang Trần Phềnh sáng tác và thực hiện, cũng như các tấm sơn mài và trang trí nội thất cửa ra vào của Đỗ Đức Thuận. Nguyễn Phan Chánh, với tư cách là giảng viên thỉnh giảng của trường có 6 bức tranh lụa: Người rửa bát, Bữa cơm, Người hát rong, Cô thợ khâu, Gánh hàng cơm, Người bán ốc, được giới phê bình đánh giá rất đẹp.

Chú thích ảnh
Thầy giáo và sinh viên trường MTĐD, thập niên 30, thế kỷ 20. Ảnh: TL

Hay trang trí gian trưng bày của trường Mỹ thuật Đông Dương tại Đấu xảo năm đó có bức phù điêu lớn được thực hiện hoàn toàn tại Hà Nội bao gồm 4 tấm: Sĩ phu, quan lại của Vũ Cao Đàm; Phố xá, buôn bán của Lê Tiến Phúc; Nông nghiệp và Ngư nghiệp của Georges Khánh. 4 bức phù điêu này đã gây ấn tượng với giới mỹ thuật Pháp cũng như quan chức ở Paris thời bấy giờ. Họ thấy được kết quả của sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương hầu hết mới chỉ mở khóa đầu đã có trình độ chuyên môn cao và hứa hẹn nhiều thành tựu trong tương lai.

Đặc biệt ảnh hưởng của trường Mỹ thuật Đông Dương với tư tưởng, triết lý sáng tạo mang tính khai phóng của Victor Tardieu còn được cụ thể hóa trong đời sống bằng các phong trào xã hội thiết thực. Tiêu biểu phải kể đến, phong trào Ánh sáng bắt đầu từ năm 1936, có sự tham gia của các họa sĩ, kiến trúc sư của trường Mỹ thuật Đông Dương, khởi xướng và đứng đầu là Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Phong trào này đã thổi một luồng gió mới vào đời sống của xứ Đông Dương thời bấy giờ. Họ mượn việc bài trừ kiểu sống ở nhà tranh vách đất, nhà ổ chuột, nhà mất vệ sinh để xây dựng những kiến trúc mới. Thông qua đó đưa nếp sống mới, tư tưởng hiện đại vào cuộc sống của người dân.

Mặt khác, bằng việc xây dựng được một chương trình giáo dịch nghệ thuật tiến bộ, trường Mỹ thuật Đông Dương đã tạo dựng những lớp người tinh hoa mới có nhiều đóng góp và ảnh hưởng trong sự phát triển của đất nước trong gần 1 thế kỷ qua. Trong 21 năm tồn tại từ 1924 - 1945, trường Mỹ thuật Đông Dương đã đào tạo được khoảng 150 họa sĩ chính khóa, khoảng 50 kiến trúc sư, hàng trăm học viên dự bị, bàng thính, hàng trăm học viên các lớp nghệ nhân thủ công mỹ nghệ.

Các cựu sinh viên lỗi lạc (chính khóa, dự bị, bàng thính) như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Tường Tam, Vũ Cao Đàm, Georges Khánh, Lê Văn Đệ, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Cát Tường, Trịnh Hữu Ngọc, Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Đỗ Cung, Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Thế Lữ, Phạm Duy… đại diện cho những thế hệ tinh hoa mới của Việt Nam trong thế kỷ 20. Họ có nhiều ảnh hưởng không chỉ ở lĩnh vực hội họa, đồ họa, điêu khắc, kiến trúc, thiết kế mà còn cả âm nhạc, văn chương, kịch nghệ, điện ảnh…

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link