(TT&VH) - Ngày 17/9, Giao lộ định mệnh (ĐD: Victor Vũ) ra rạp trên toàn quốc. Khả năng, phim này sẽ đoạt doanh thu trên 15 tỷ đồng. Kinh dị, hồi hộp, ly kỳ và vụ án là các yếu tố mà nhiều ý kiến cho rằng nó đã làm nên sự hấp dẫn của phim này, nhưng thực sự, Giao lộ định mệnh thuộc thể loại phim gì?
Phim ly kỳ chứ không phải kinh dị
Nên xác định Giao lộ định mệnh thuộc thể loại phim ly kỳ (thriller films), chứ không nên gọi là phim kinh dị (horror films), vì yếu tố ly kỳ, hồi hộp giữ vai trò chủ đạo, trong khi chất kinh dị thì không đáng kể.
Đặc trưng của loại phim ly kỳ là tính linh hoạt, gay cấn của cốt truyện, nhằm dẫn dắt người xem vào những tình huống bất ngờ, đầy biến cố để tạo sự căng thẳng nơi người xem. Trong khi phim kinh dị thường được làm với nỗ lực tạo ra những cảm xúc sợ hãi, ghê tởm. Nó có thể là những cơn ác mộng, nỗi sợ tiềm tàng, bệnh tật kì dị, kẻ giết người hàng loạt, hoàn cảnh sống kì khôi, rùng rợn.
Cảnh trong Giao lộ định mệnh. Ảnh: Psycho Lĩnh
Mạnh trong Giao lộ định mệnh (do Trần Bảo Sơn thủ vai) bị tai nạn xe rồi bỏng nặng, biến đổi toàn bộ khuôn mặt, nên phải giải phẫu để tìm lại nhân dạng. Chi tiết này cũng có chút rùng rợn, nhưng đạo diễn không lấy đó làm tiêu điểm gây cảm giác, mà là một cái cớ chính để câu chuyện diễn ra.
Victor Vũ nói mình chịu ảnh hưởng từ bậc thầy phim ly kỳ, rùng rợn là Alfred Hitchcock (1899–1980), trong khoảng 60 phim của ông này từ thời còn phim câm (1922), chắc Giao lộ định mệnh lấy cảm hứng từ phim Psycho (1960), kịch bản Joseph Stefano, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Robert Bloch. Bộ phim kể về cuộc gặp gỡ giữa cô kế toán Marion Crane (do Janet Leigh thủ vai) - người vừa biển thủ tiền của ông chủ, đang lẩn trốn - và ông chủ nhà trọ là Norman Bates (Anthony Perkins). Kết cục ly kỳ từ sự gặp mặt đầy biến cố này đã làm cho câu chuyện phim rất hồi hộp.
Quy luật “Cái chết bất ngờ”
Phim Giao lộ định mệnh có một câu chuyện ngoạn mục, nhưng thật khó để kể - vì kể là hết phim. Đây có lẽ là điểm khác biệt dễ nhận thấy về mặt kịch bản, nếu so với mấy chục phim truyện ra rạp, kể từ lúc Gái nhảy (2003) của Lê Hoàng làm hồi sinh nền điện ảnh thị trường. Quy luật “cái chết bất ngờ” đã là một thủ pháp kinh điển của sân khấu và điện ảnh, không còn xa lạ với thế giới, thậm chí Việt Nam, nhưng vì khoảng 10 năm nay phim ở Việt Nam không ai áp dụng, nên khán giả bất ngờ là điều dễ hiểu.
Chính Victor Vũ đã từng trả lời trên TT&VH: “Tôi không thể chắc chắn khán giả sẽ thích hay không, nhưng điều quan trọng là tôi đã đưa ra được một kiểu làm phim theo thể loại mới lạ có sự tìm tòi (với Việt Nam), cho khán giả cơ hội cảm nhận một cách kể chuyện không lạ với phim thế giới nhưng lạ với phim Việt”.
Cái chết bất ngờ xây dựng câu chuyện cho một khoảnh khắc làm khán giả “bật ngửa”, nên càng giữ bí mật lâu càng tốt. Giao lộ định mệnh (93 phút) với những ai không quen xem thể loại phim này có thể vẫn mù mờ bí mật đến phút 90; riêng những khán giả “giỏi đoán”, thì phải đến gần phút 70 mới dần hình dung ra kết cuộc.
“Việt hóa” nhiều hơn
Ðầu năm 2011, Giao lộ định mệnh sẽ phát hành tại khu vực Bắc Mỹ. |
So với mấy phim trước về đề tài người Việt và cả phim đầu tiên làm tại Việt Nam là Chuyện tình xa xứ, tác phẩm này đã đưa Victor Vũ lên một nấc thang mới.
Sinh 1975 tại Nam California, 17 tuổi Victor Vũ mới học tiếng Việt - nên trước đó Việt Nam với anh chỉ là những câu chuyện do người lớn kể lại. Xét về việc nhận diện chính mình, kể từ năm 2001 khi làm phim First Morning (Nguyên đán), Victor Vũ đã “Việt hóa” mình nhiều hơn.
Còn nhớ khi Chuyện tình xa xứ ra rạp, sau đó nhận được giải Phim được khán giả bình chọn (giải Cánh diều) nhưng dư luận thì khen chê nhiều chiều, đa phần chê câu chuyện chưa Việt Nam lắm, còn nhiều gượng ép hoặc lý tưởng hóa. Đến nay, thì bản thân Victor Vũ cũng đã hiểu Việt Nam nhiều hơn, nên sau phim này, anh sẽ làm một phim “nặng đô” hơn nữa, thiên về hành động. Ước muốn của đạo diễn này trong những năm tới, nếu có đầu tư, mỗi năm anh sẽ làm hai phim.
Văn Bảy