Lần đầu 'giáp mặt' Godot

11/10/2014 08:41 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dù chưa thể sáng đèn tại một sân khấu kịch chuyên nghiệp và không phải do các nghệ sĩ Việt trình diễn, nhưng có thể nói suất diễn lúc 19h ngày 9/10 tại Cargo Bar (7 Nguyễn Tất Thành, TP.HCM) của Nhà hát Dragonfly đã mở ra một cột mốc về kịch phi lý ở Việt Nam. Bởi khi nói đến kịch phi lý mà chưa diễn Trong khi chờ Godot (En attendant Godot/ Waiting For Godot) Samuel Beckett (1906-1989, Nobel văn học năm 1969) thì xem như thiếu sót lớn.

Với những câu hỏi mang tính hiện sinh như: Ta là ai? Tại sao ta đến đây? Ta đang chờ điều gì? Rồi ta sẽ đi đâu?... Trong khi chờ Godot được xem là một trong vài vở kịch phi lý xuất sắc nhất của nhân loại. Mới đây sân khấu Broadway danh giá tại New York đã tái dựng kiệt tác này để tưởng nhớ tài tử Robin Williams, người đã rất thành công với vở kịch này tại Broadway vào năm 1988.

Những khán giả TP.HCM yêu mến vở kịch này sẽ còn được xem các suất kế tiếp vào lúc 15h30 ngày 11/10 và 19h ngày 12/10 tại Cargo Bar. Hai vai chủ đạo Vladimir và Estragon do Aaron Toronto (đồng sáng lập Nhà hát Dragonfly) và Gene Pierce thủ vai.

Nhiều người có ước muốn

Từ trước khi dàn dựng vở kịch chuyển thể từ kiệt tác Hoàng tử bé của Saint Exupery (1900 - 1944), Aaron Toronto và Nhà hát Dragonfly của mình đã có ước mơ dựng kịch Trong khi chờ Godot.

Năm 1988, lấy cảm hứng từ vở này, đạo diễn Huỳnh Phúc Điền (1970 - 2009) đã viết kịch bản Cõi tình để “nguôi ngoai” cảm hứng phi lý. Anh luôn ôm ấp sẽ có ngày dựng Trong khi chờ Godot, ngay cả khi phải bỏ tiền ra làm để diễn cho giới sinh viên và làm nghề cùng chia sẻ, nhưng rất tiếc anh đã mất quá sớm.


Aaron Toronto là người giữ công đầu trong việc đưa Trong khi chờ Godot lên sân khấu tại Việt Nam

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng cho biết mình sẵn sàng dàn dựng vở này nếu có lời đề nghị từ một sân khấu hay không gian nào đó, miễn nơi đó có khán giả người Việt. Chị tin vở này sẽ giúp thay đổi tâm thế và tư duy kịch nghệ của người xem.

Tại buổi giao lưu có tên Kịch phi lý có thật là phi lý? do Hội đồng Anh tổ chức tối 16/12/2007 tại Hà Nội, NSƯT Anh Tú (Nhà hát Tuổi trẻ) từng nhận định: “Để đi sâu hơn vào đời sống tinh thần của khán giả Việt Nam, kịch phi lý cần phải được dàn dựng trên sân khấu, chứ không chỉ đọc bằng văn bản”. Anh cũng ước mơ và hy vọng khán giả Việt sớm được xem những vở như Trong khi chờ Godot.

TS - nhà kinh tế Alan Phan thì nhận định: “Có lẽ rất nhiều người Việt đang mòn mỏi đợi chờ Godot? Trong cái hy vọng pha chút tuyệt vọng đó, bao nhiêu người đã tự hủy hoại bằng những cơn say xỉn mỗi đêm và những việc làm vô cảm mỗi ngày? Thế nhưng nhìn ở một góc cạnh khác, cái “hiện sinh” đau đớn trong môi trường sống này có thể tạo cho chúng ta những phản ứng, dù khác nhau nhưng luôn là một tấm gương soi lại bản ngã của chính mình”.


Sau 50 năm, khán giả Việt đã lần đầu “giáp mặt” Godot tại TP.HCM

Quá nhiều thách thức

Nhiều nhận định đưa ra cho thấy cái khó nhất của kịch phi lý là bản thân nó “phi kịch”, không những “phản kịch” truyền thống, mà còn mỉa mai chính hiện trạng tồn tại của tính kịch. Cho nên, khi tiếp cận với các kịch bản phi lý (thậm chí có những vở không có chữ, không có lời, không có nhân vật…), người dàn dựng gần như bị phủ nhận ngay từ đầu, rất dễ thiếu động lực để “phiêu”.

Từ nhân vật, lời thoại, tình huống đến cao trào… đều phi kịch, nên rất dễ làm người xem thấy buồn nản. Hơn nữa, nếu diễn không đạt, vở rất dễ trở nên nhảm nhí, vô nghĩa. Cảm giác phi lý và cảm nhận vô nghĩa là khác nhau, nhưng với những ê-kíp “đọc không thủng” kịch bản, phi lý thì lại giống nhau, nhảm nhí là tất yếu.

Cũng xin nhắc lại, tính đến nay đã có gần 10 kịch bản của Samuel Beckett được dịch sang tiếng Việt, nhưng dựng nguyên vở thì mới có Chơi (ngày 16/9/2009 tại Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM) và Trong khi chờ Godot, nhưng rất tiếc, cả hai đều không do nghệ sĩ Việt Nam dàn dựng, biểu diễn.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link