Muộn nhất 4h sáng mai bão Haiyan trùm lên Hà Nội

10/11/2013 17:10 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông báo từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 17 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão Haiyan cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa – Quảng Ninh khoảng 270 - 330km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Dự báo bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30km. Đến 04 giờ ngày 11/11, trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.


Tại cuộc họp báo về cơn bão số 14 do Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia tổ chức vào chiều 10/11, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, sớm nhất là khoảng 22 giờ đêm nay và muộn là khoảng 3 - 4 giờ rạng sáng 11/11 bão Haiyan sẽ đi vào bờ. Khi vào đến bờ, vùng gần tâm bão sẽ ở cấp 10, đầu cấp 11, giật cấp 12 - 13. Các tỉnh Hải Phòng - Thái Bình - Quảng Ninh sẽ là những địa phương chịu ảnh hưởng của bão mạnh nhất.

Dự báo, thủ đô Hà Nội cũng sẽ chịu tác động trực tiếp của vùng hoạt động mạnh nhất của bão với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Thủ đô Hà Nội có khả năng mưa vào khoảng 100mm, cần đề phòng ngập úng cục bộ.

Theo nhận định của Ban Chỉ huy PCLB thành phố Hà Nội, bão Haiyan kèm theo mưa lớn có thể xảy ra hiện đổ cây xanh, cột điện bị, úng ngập nhiều tuyến đường và ách tắc giao thông trong nội thành; khu vực ngoại thành, có thể xảy ra ngập úng trên diện rộng ảnh hưởng đến hàng nghìn ha cây trồng vụ đồng, cây ăn quả, diện tích nuôi trồng thủy sản; các huyện vùng núi của thành phố có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất; vùng trũng, thấp nhiều khả năng bị chia cắt; các công trình xây dựng dở dang, nhà cửa xây dựng từ lâu, xuống cấp, nhà cấp bốn có thể bị tốc mái…

Đáng ngại nhất là các tuyến đê trên địa bàn bàn thành phố có 4 trọng điểm xung yếu như: Xuân Canh, Long Tửu (tả Đuống), Thanh Am, Tình Quang (hữu Đuống), Liên Mạc (hữu Hồng), Yên Sở (hữu Hồng). Bên cạnh đó, các sự cố chưa được xử lý sau bão số 5 và 6 vừa qua như sự cố đê tả Đuống, xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm hoặc các điểm xung yếu Cống trạm bơm Đan Hoài, Cụm công trình đầu mối Lương Phú phải thường trực theo dõi chặt chẽ mọi sự cố có thể ập đến.

UBND TP Hà Nội đã có các công điện các cấp, các ngành quyết liệt chỉ đạo ứng phó với bão. Các doanh nghiệp thủy lợi đã cho mở các cống để tiêu kiệt nước đệm trên hệ thống, đồng thời sẵn sàng vận hành 1.695 máy bơm tiêu úng phục vụ sản xuất. Với các hồ chứa đã hạ mực nước xuống dưới mức thiết kế đề phòng mưa lớn; các công trình, dự án ảnh hưởng đến tiêu thoát nước trên hệ thống đã được thanh thải.

Chiều ngày 10/11/2013, Sở GD& ĐT Hà Nội cũng đã có thông báo khẩn, gửi lãnh đạo các Phòng GD& ĐT quận, huyện, thị xã; thủ trưởng các đơn vị trường học trực thuộc trên địa bàn Hà Nội.

Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tổ chức triển khai cho 100% các đầu mối các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh; 29 Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã; các Công ty, nhà trường thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 14.

Theo đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão để chỉ đạo, ứng phó kịp thời, chính xác; rà soát kiểm tra ngay các biện pháp bảo vệ đê điều, đập thủy lợi; phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, thiết bị tại chỗ, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

M. Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link