Những sai lầm 'chết người' khi tranh luận trực tiếp của ứng viên tổng thống Mỹ

30/09/2016 08:18 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuộc tranh luận đầu tiên với ứng cử viên tổng thống Dân chủ Hillary Clinton, ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump đã mắc một sai lầm chỉ sau hai phút bắt đầu, đó là cho rằng hãng ô tô Ford đang thuê công nhân Mexico và làm công nhân Mỹ mất việc.

Trong thực tế, Ford đã thỏa thuận với Liên đoàn Công nhân ô tô Mỹ và đảm bảo giữ việc làm cho công nhân Mỹ. Sai sót của ông Trump dù không lớn nhưng cũng thể hiện một điều là ông không đủ kinh nghiệm đối phó với một “lão làng” tranh luận như bà Clinton. Trước đây, nhiều ứng cử viên tổng thống Mỹ từng mắc những sai lầm nghiêm trọng hơn ông Trump nhiều.

Lỗi không trang điểm của Nixon

Năm 1960, cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên trong lịch sử tranh cử tổng thống Mỹ diễn ra giữa Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon và thượng nghị sĩ bang Massachusetts John F. Kennedy.

Hơn 77 triệu người đã theo dõi màn “khẩu chiến” của hai ứng cử viên. Điều đáng nói là Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã nhập cuộc trong tình trạng không thể tồi tệ hơn. Ông vừa phẫu thuật đầu gối, và xuất hiện với hình ảnh tiều tụy vì sút cân.

Và có lẽ, sai lầm “định mệnh” của Nixon là từ chối trang điểm trước khi tham gia tranh luận với ông Kennedy. Ông Nixon chỉ bôi một ít bột Lazy Shave để che giấu quầng thâm.


Cuộc tranh luận trên truyền hình giữa Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thượng nghị sĩ bang Massachusetts John F.Kennedy ở New York năm 1960.

Ông đã xuất hiện trên truyền hình với bộ dạng ốm yếu và lép vế so với đối thủ trông rám nắng, khỏe mạnh và đầy tự tin. Những hình ảnh không thể xóa nhòa khiến nhiều cử tri xem truyền hình lựa chọn ông Kennedy, trong khi những người nghe đài phát thanh lại chọn ông Nixon. Kết quả, ông Kennedy trở thành tổng thống.

Gerald Ford lúng túng khi nói về Chiến tranh Lạnh

Thất bại của ông Nixon đã khiến các ứng cử viên tránh các cuộc tranh luận trên truyền hình cho đến năm 1976, khi Tổng thống Gerald Ford chấp nhận đối mặt với cựu Thống đốc bang Georgia Jimmy Carter.

Trước khi bước vào cuộc tranh luận ngày 6/10/1976 tổ chức tại San Francisco, California, nhiều người cho rằng kinh nghiệm của Tổng thống Gerald Ford sẽ giúp ông chiến thắng. Tuy nhiên, đương kim Tổng thống Gerald Ford đã phạm sai lầm lớn. Khi được hỏi về ảnh hưởng của Liên Xô với các nước Đông Âu, Tổng thống Ford đã bị chế nhạo vì thiếu hiểu biết khi trả lời rằng: “Không có chuyện Liên Xô kiểm soát Đông Âu và điều này sẽ không bao giờ xảy ra dưới chính quyền Ford”.

Ông còn nói những nước như Ba Lan là những nước độc lập, và “chính phủ Mỹ không cho đó là những nước bị Liên Xô kiểm soát”. Ứng cử viên Jimmy Carter phản pháo lại: “Tôi muốn thấy ông Ford thuyết phục những người Mỹ gốc Ba Lan, người Mỹ gốc Séc, người Mỹ gốc Hungary rằng những quốc gia này không sống dưới sự kiểm soát của Liên Xô”.

Dù đã tuyên bố nhầm lẫn, ông Gerald Ford đã thất bại cay đắng trước ông Jimmy Carter. Trong khi đó, ông Carter nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri với lập luận “nước Mỹ và thế giới cần một nhà lãnh đạo hiểu rõ tình hình thế giới hơn”.

Jimmy Carter ngây thơ... hỏi con gái

Vào ngày 28/10/1980, mùa bầu cử Mỹ thứ ba tổ chức tranh luận, màn đối đầu giữa hai ứng cử viên Jimmy Carter và Ronald Reagan đã thu hút lượng người xem kỷ lục.

Khi thảo luận về vũ khí hạt nhân, đương kim Tổng thống Jimmy Carter đã tự làm hỏng cơ hội thắng cử của mình khi kể lại chuyện ông đã nói với cô con gái Amy 13 tuổi về vấn đề vũ khí hạt nhân. Ông nói: “Tôi đã thảo luận với con gái tôi Amy một ngày nọ trước khi tôi tới đây, để hỏi cô bé vấn đề quan trọng nhất là gì. Cô bé nói đó là vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí hạt nhân”.


Hai ứng cử viên Jimmy Carter và Ronald Reagan (phải) trong cuộc tranh luận ngày 28/10/1980

Những gì ông Carter kể diễn ra khi chỉ còn một tuần nữa là tới cuộc bầu cử. Từ lúc đó, những người bảo thủ đã cáo buộc ông Carter nhờ con gái 13 tuổi tư vấn về chính sách ngoại giao. Một tuần sau, ông thua trong bầu cử tổng thống Mỹ.

Trong khi đó, Thống đốc California Reagan đã dùng một câu hỏi để lôi kéo số lượng kỷ lục 80,6 triệu khán giả đang xem truyền hình: “Cuộc sống của bạn có tốt đẹp hơn so với 4 năm trước đây?”. Câu hỏi đơn giản đó chắc hẳn đã thuyết phục được những cử tri “chán ngấy” chính phủ của Tổng thống Jimmy Carter, giúp ông Reagan chiến thắng và trở thành tổng thống thứ 40 của nước Mỹ.

Thua vì phản đối án tử hình

8 năm sau, vào ngày 13/10/1988, tại Los Angeles diễn ra cuộc tranh luận thứ hai giữa Phó Tổng thống Mỹ George H.W. Bush và Thống đốc bang Massachusetts Michael Dukakis.

Khi được hỏi ông có muốn tuyên án tử hình kẻ cưỡng hiếp và giết hại vợ mình hay không, ứng cử viên Dân chủ Dukakis đã phản ứng không cảm xúc, đặt câu hỏi về giá trị răn đe của hình phạt tử hình: “Không, tôi sẽ không yêu cầu án tử hình và tôi nghĩ các bạn biết rõ tôi luôn phản đối án tử hình”. Ông Bush đã được lợi từ câu hỏi của nhà báo Bernard Shaw của CNN bởi câu trả lời của ông Dukakis thể hiện ông không có tình cảm và không hiểu biết về chính sách đối nội.

George H.W. Bush xem đồng hồ

Ông Bush đánh bại ông Dukakis vào tháng 11/1988, nhưng lại thất bại trong cuộc tranh luận trực tiếp với Bill Clinton và Ross Perot năm 1992.

Khi được một khán giả nữ hỏi về tác động của nợ công và suy thoái kinh tế lên “cuộc sống cá nhân” của các ứng cử viên, ông Bush đã bị bắt gặp xem đồng hồ, sờ vạt áo và không trả lời trúng câu hỏi. Những hành động tuy nhỏ của ông Bush thể hiện sự chán chường trước một câu hỏi mà bất cứ người dân Mỹ nào cũng quan tâm.

Vị tổng thống thứ 41 của nước Mỹ đã “tự chôn vùi” mình với câu nói: “Tôi không hiểu câu hỏi... tôi sẽ cố gắng trả lời nó”. Trong khi đó, ứng viên Dân chủ Bill Clinton nói ông “thấu hiểu nỗi khổ của người dân”. Kết quả là ông Clinton được ủng hộ vì biết chia sẻ với người dân.

Theo Trần Minh - Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link