22/09/2015 05:49 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Dù đã được đưa về trị thương tại một điểm chăm sóc trẻ em ở phía Đông Ấn Độ, Ganita Munda, 17 tuổi, chưa hết kinh sợ và vẫn bị ám ảnh bởi tiếng la hét đau đớn của thân nhân trong gia đình. Tất cả họ đều đã bị giết chết khi những kẻ săn lùng phù thủy xông vào nhà cậu bé.
Munda nhớ rằng cậu đã vùng dậy và chạy thoát khỏi những kẻ tấn công, rời khỏi ngôi làng của gia đình nằm ở bang Orissa, tới một cánh rừng gần đó.
Những vụ giết người rùng rợn
Cậu đã lẩn trốn tại khu rừng, trong bóng tối, suốt 4 tiếng đồng hồ. "Tôi lẽ ra đã không ở đây. Tôi vẫn không biết mình cố gắng sống sót như thế nào" - Ganita nói với hãng tin AFP về vụ tấn công diễn ra trong tháng 7 vừa qua, đã làm cha mẹ cùng 4 anh chị em thiệt mạng, gồm một đứa em mới được 3 tuổi.
Những kẻ thủ ác chính là người dân sống cùng làng với gia đình. Họ cầm dao kéo tới giết cả nhà Ganita, chỉ bởi mẹ của cậu bị coi là một phù thủy. Người dân đổ lỗi cho bà đã gây ra dịch bệnh, khiến nhiều đứa trẻ trong làng bị ốm.
Tuy nhiên vụ tấn công nhằm vào nhà Ganita không phải là cá biệt. Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ được ghi nhận mỗi năm tại vùng nông thôn vẫn còn mê tín của Ấn Độ và nhà chức trách thì bị chỉ trích, do không thể ngăn chặn vấn nạn.
Thống kê chính thức cho thấy khoảng 160 vụ giết người có liên quan tới phù thủy đã được ghi nhận trong năm 2014, trên 13 bang của Ấn Độ. 32 vụ trong đó nằm ở Orissa. Các con số thống kê đã duy trì đều đặn trong mấy năm gần đây, dẫn tới việc kể từ năm 2000 đã có tới 2.300 người bị giết do cáo buộc phù thủy, với đa số nạn nhân là phụ nữ.
Vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế vào tháng 8 vừa qua, khi 8 người phụ nữ bị lôi khỏi nhà và đánh tới chết tại bang Jharkhand. Đã có 27 người bị bắt trong các vụ sát hại đó, xảy ra sau khi một thầy lang ở địa phương bị coi là phù thủy. Dân làng cáo buộc vị phù thủy này đã phù phép, làm vài người trong làng thiệt mạng.
"Các vụ sát hại vẫn tăng lên do người dân tại những khu vực hẻo lánh có niềm tin mạnh mẽ rằng bất kỳ bệnh tật, vụ mùa thất bát hay việc gia súc bị chết đều có liên quan tới phù thủy hay kalajaadu (ma thuật hắc ám) " - Bijay Kumar Sharma, một trong các quan chức cảnh sát cao cấp nhất Orissa, cho AFP biết.
Chỉ thay đổi luật pháp vẫn chưa đủ
Sharma phụ trách việc thực thi một đạo luật được triển khai ở Orissa vào năm ngoái, được thiết kế để chống và làm giảm số vụ phạm tội bằng cách dùng cáo buộc phù thủy chống lại người khác. Các bang của Ấn Độ cũng thông qua những đạo luật tương tự, gồm tại bang Assam hẻo lánh.
Luật mới cho phép kết án, phạt tù những kẻ gọi người khác là phù thủy hoặc tham gia vào vụ tấn công nạn nhân.
Nhưng các chuyên gia nói rằng chỉ dùng luật là chưa đủ. Họ yêu cầu phải tăng cường giáo dục xóa bỏ mê tín dị đoan để chống lại bạo lực. "Sự thiếu hiểu biết về các vấn đề liên quan tới sức khỏe, pháp luật, nông nghiệp... là gốc rễ của mọi chuyện" - nhà hoạt động Sashiprava Bindhani nói với hãng tin AFP từ thủ phủ Bhubaneshwar của Orissa.
Làn sóng hiện đại hóa nhanh ở Ấn Độ cũng đã lướt qua nhiều khu vực nghèo đói, là nơi sinh sống của nhiều bộ tộc, cũng là các điểm thường xảy ra những vụ giết chóc liên quan tới phù thủy.
Tại những nơi này, tình trạng thiếu thuốc men khiến nhiều người vẫn tìm tới các ông lang vườn. Đôi khi gặp phải tai họa, họ lại đổ lỗi cho những thế lực siêu nhiên hoặc ma thuật hắc ám.
Ngoài ra, cáo buộc phù thủy còn được dùng để xử lý các vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong gia đình, với nạn nhân phần lớn là phụ nữ.
Một khi bị khép vào tội hành nghề phù thủy, phụ nữ sẽ bị các hội đồng làng kết án. Hình phạt có thể là bị hiếp dâm, bị đánh trước sự chứng kiến của dân làng, bị buộc phải ăn phân... Người phụ nữ không có quyền kháng án.
"Nhiều người đã trở thành nạn nhân và đối mặt với hình phạt sau khi bị buộc tội là phù thủy. Với họ, việc này chẳng khác nào lãnh án tử hình" - Shashank Shekhar Sinha, một nhà vận động đang viết sách về vấn nạn, cho biết.
Với Ganita, 4 giờ lang thang trong rừng, tai không ngừng nghe thấy tiếng gào thét kêu cứu của người thân trong gia đình, là "nỗi sợ hãi lớn nhất, dài nhất" trong đời cậu. Hiện đã có 10 người bị bắt giữ do liên quan tới vụ tấn công.
Nhưng Ganita chẳng quan tâm mấy tới hoạt động điều tra của cảnh sát. Do không được học hành và cũng chẳng còn người thân nào, tương lai của cậu đang rất ảm đạm. "Giờ cậu bé đó không bao giờ có thể trở lại ngôi làng hoặc cuộc sống trước đây" - Biplab Mishra, một quan chức của tổ chức từ thiện Prakalpa đang chăm sóc Ganita, cho biết.
Tuy nhiên một khi bước sang tuổi 18, Ganita sẽ biết mình cần phải làm gì. "Tôi sẽ bắt đầu đi làm và đưa đứa em trai còn sống sót của mình tới một nơi rất xa" - cậu chia sẻ.
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất