Không "cướp ấn" thì "cướp lộc"

07/02/2012 10:14 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Với mong muốn được hưởng may mắn vào đúng giờ “thiêng” người ta sẵn sàng chen lấn, xô đẩy giẫm đạp lên nhau để giành giật “lộc thánh”. Vì thế lễ khai ấn Đền Trần vẫn không tránh được những cảnh “chướng tai gai mắt” ngay trong ngày đầu khai ấn.

Với quan niệm “phải vào giờ Tý ngày 15 tháng Giêng mới linh thiêng” nên hàng nghìn người vẫn bất chấp mưa rét đổ bộ vào khu vực khai ấn. Ngay sau khi các vị bô lão dòng tộc họ Trần phường Lộc Vượng kết thúc màn tế lễ, biển người ồ ạt “tấn công” vào khu vực Đền Thiên Trường.

Cướp sạch các đồ lễ

Hàng ngàn người dân, khách hành hương đã đổ xô, giẫm đạp, tranh giành lộc đức Thánh Trần. Tất cả những đồ lễ được coi là có lộc của đức Thánh như hoa quả, đèn hương… trong ít phút đã bị lấy sạch.

Một số người chậm chân không cướp được lộc thì đua nhau ném tiền lên kiệu rước ấn, bàn thờ thậm chí là qua các khe cửa vào đền để thể hiện “lòng thành”. Các thanh chắn bị xô đổ rạp, xiêu vẹo. Lực lượng an ninh không ngừng tuýt còi, kêu gọi người dân xếp hàng trật tự nhưng vẫn không thể đấu lại với biển người đông nghịt. Với tốc độ vơ vét của khách thập phương, chỉ trong ít phút Đền Thiên Trường nhanh chóng trở nên tan hoang, xơ xác.

Sau lễ khai ấn, hàng nghìn người chen nhau vào Đền Thiên Trường cướp lộc.
Một người ra về với bó hoa sen thờ trên tay

Anh Phùng Quang (Nam Trực, Nam Định) vừa cầm trên tay “chiến lợi phẩm” sau một hồi vật lộn vừa hỉ hả: “Có tranh cướp thì mới thể hiện được lòng thành xin lộc. Nếu ai cũng có thì lộc lại không quý và không thiêng!”.

Còn bác Bùi Minh Đức (57 tuổi, Hạ Hòa, Phú Thọ) thì xuýt xoa tiếc nuối: “Tôi đã chen được vào khu làm lễ thế mà mọi người kéo, đẩy ghê quá lại bị xô ra. Năm nay không lấy được lộc coi như đen đủi cả năm”.

Mãi đến hơn 2h sáng một số người mới bắt đầu lục tục kéo nhau ra về. Tuy nhiên do 7h sáng ngày 6/2, BTC mới tiến hành việc phát ấn nên hàng đoàn khách ở xa vẫn kiên trì “đội mưa” bám trụ. Điều đáng nói là mặc dù thay đổi thời gian phát ấn được chỉ đạo từ khá sớm nhưng BTC lại không hề có phương án dự phòng. Thiếu nơi nghỉ chân khiến cho hàng trăm du khách phải vạ vật ngay tại gốc cây, ghế đá hay ngay trước khu vực làm lễ... tạo nên những cảnh tượng hết sức phản cảm, nhếch nhác. Việc thông báo và chỉ dẫn các địa điểm phát ấn cũng chưa được làm tốt. Cụ thể, trong khi khu vực Đền Thiên Trường thì phải chen lấn, giành giật mới có được ấn thì các địa điểm khác lại thưa thớt và khá vắng vẻ.

Thay đổi trên lá ấn

Năm nay BTC không thực hiện phát ấn ngay trong đêm khai hội mà phải đến 7h sáng ngày 6/2/2012 công việc này mới được tiến hành. Đa số người dân tỏ ra hồ hởi và vui mừng vì dễ dàng có được ấn “vua ban”.

Bác Nguyễn Hải Quang (ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) chia sẻ: “Năm ngoái để lấy được ấn tôi bị xé rách áo, giẫm trái tay thậm chí nhiều người còn phải dỡ ngói mới lấy được ấn thì năm nay thoải mái và trật tự hơn nhiều”.

Trao đổi với chúng tôi, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Việc điều chỉnh của Bộ VH,TT&DL đối với lễ hội Đền Trần năm này là tín hiệu đáng mừng. Đây không phải là làm mất thiêng mà là đưa lễ hội, lá ấn trở lại giá trị đích thực như nó vốn có. Người dân cũng không nên nghĩ rằng chỉ cần cầm được lá ấn đó thì sẽ được các cụ phù hộ, ban phúc, thăng quan tiến chức. Không học hành, làm việc mà vẫn được làm quan là điều không thể có. Hoàn toàn có thể coi lá ấn này như vật lưu niệm, kỷ niệm của chuyến du Xuân như những vật lưu niệm khác”.

Trước thông tin cho rằng việc thay đổi chất liệu in từ lụa sang chất liệu giấy làm mất tính văn hóa vốn có của lễ hội, ông Dương Trung Quốc khẳng định: “Ngày xưa lá ấn được làm bằng giấy chứ không phải bằng lụa. Hơn nữa, nếu con người thật sự tin vào những giá trị phi vật thể của nó thì điều này không quan trọng. Không nên áp đặt những suy nghĩ chủ quan theo nghĩa tiêu cực như vậy”.

Hà Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link