13/01/2019 17:45 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ VHTTDL tại buổi họp báo thường kỳ Quý IV năm 2018 của Bộ VHTTDL, diễn ra vào chiều 9.1. Đây cũng là một trong những nội dung được báo giới quan tâm trong thời gian qua.
Nhiều vấn đề “nóng” khác liên quan đến các hoạt động của ngành cũng đã được Bộ giải đáp tại cuộc họp.
Hoàn tất việc chuyển giao Hãng phim trước Tết Nguyên đán?
Liên quan đến tiến độ sáp nhập Hãng Phim truyện Việt Nam vào Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng như quy trình thoái vốn của nhà đầu tư chiến lược cũ là Tổng Công ty Vận tải thuỷ (Vivaso), người phát ngôn của Bộ VHTTDL cho hay, Bộ đã có công văn gửi nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, BGĐ Hãng Phim truyện Việt Nam qua các thời kỳ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam về việc triển khai kết luận thanh tra quá trình cổ phần hoá Hãng Phim truyện.
Ngày 16.11.2018, Ban đổi mới Hãng Phim truyện Việt Nam của Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) và Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam về phương án rút của nhà đầu tư chiến lược tại Hãng Phim truyện Việt Nam.
Ông Nguyễn Thái Bình cho biết: “Hiện nay Bộ đã nhận được công văn của VOV về việc đề xuất Hãng Phim truyện Việt Nam là thành viên của cơ quan này. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL và VOV cũng đã tổ chức cuộc họp về đề xuất Hãng Phim truyện Việt Nam là thành viên của VOV”.
Tại thông báo kết luận thanh tra công tác cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VHTTDL làm việc với nhà đầu tư mới, đáp ứng đầy đủ các quy định và các điều kiện liên quan để tiến tới hoàn thiện thủ tục chuyển giao Hãng Phim truyện Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo người phát ngôn của Bộ, sau cuộc họp ngày 3.12.2018 giữa Bộ VHTTDL và VOV về đề xuất Hãng Phim truyện Việt Nam (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam) trở thành thành viên của Đài, hai bên đã cùng thống nhất một số nội dung liên quan đến việc chuyển giao và tiếp nhận. Bộ cũng đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo.
Trả lời câu hỏi về tiến độ sáp nhập liệu có hoàn thành trước Tết Nguyên đán, theo ông Nguyễn Thái Bình: “Về ý chí và mong muốn, Bộ VHTTDL và VOV rất hy vọng sẽ sớm hoàn thành nhiệm vụ này. Tuy nhiên, quy trình chuyển giao cần phải được thực hiện theo đúng pháp luật. Bộ VHTTDL đang rất quyết liệt và tích cực để hoàn thiện các thủ tục chuyển giao...”.
Cũng tại họp báo, trả lời báo chí về động thái của Bộ trước sự việc liên quan đến thông tin Hoa hậu Đại dương 2017 Lê Âu Ngân Anh kiện Cục NTBD vì không cấp phép cho cô tham dự cuộc thi Miss Intercontinental 2018, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, ngày 9.1, Cục NTBD đã mời đơn vị xin phép cử Ngân Anh tham dự cuộc thi Miss Intercontinental (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoa hậu Thế giới) đến làm việc để làm rõ những vấn đề liên quan.
Trước buổi làm việc này, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoa hậu Thế giới đã nhiều lần đề nghị Cục NTBD lùi thời gian buổi gặp để nói rõ các lý do vì sao Ngân Anh bị từ chối cấp phép. Thông tin cụ thể, Bộ VHTTDL sẽ sớm thông tin chính thức đến các cơ quan báo chí...
Công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội 2019 cũng là một nội dung được quan tâm. Trả lời câu hỏi, Bộ VHTTDL đã có những giải pháp nào nhằm hạn chế hiện tượng bạo lực, phản cảm trong lễ hội, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Thái Bình cho biết, ngày 17.1 tới Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tổ chức buổi thông tin chuyên đề về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Trước đó một ngày (16.1), Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Hội nghị với sự tham gia của các đơn vị, địa phương có lễ hội quy mô lớn, có yếu tố nhạy cảm nhằm triển khai giải pháp chấn chỉnh những tồn tại trong mùa lễ hội 2018, đồng thời ngăn chặn phát sinh những mặt trái, đặc biệt là các yếu tố bạo lực, phản cảm trong mùa lễ hội 2019.
“Về đích” với nhiều dấu ấn
Chánh Văn phòng Bộ cho biết, trong Quý IV/2018, ngành VHTTDL đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao và “về đích” với nhiều kết quả ấn tượng. Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhà nước được chú trọng; chủ động triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và những vấn đề bất cập.
Một trong những dấu ấn là công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 11 di tích quốc gia đặc biệt (đợt 9) và công nhận 22 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (đợt 7).
Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định xếp hạng 14 di tích quốc gia; đưa 43 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tổ chức tốt công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hoàn thiện hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”; xây dựng hồ sơ “Xòe Thái” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” trình UNESCO...
Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng, triển lãm, thông tin cổ động... được tổ chức. Nhiều địa phương đã triển khai các đề án về bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn như: Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An, Tuyên Quang, Điện Biên... Tổ chức thành công các chương trình nghệ thuật, các đợt chiếu phim, phục vụ nhiệm vụ chính trị. Công tác gia đình được triển khai đồng bộ, đảm bảo chất lượng và yêu cầu đề ra.
Trong lĩnh vực TDTT, hoạt động TDTT quần chúng tiếp tục đẩy mạnh. Công tác tổ chức Đại hội TDTT các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 được triển khai tích cực và tổ chức thành công ở các cấp, thu hút hàng triệu người tham gia. Tham gia tranh tài có hơn 11.700 vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài; trong đó có hơn 7.000 vận động viên, 2.500 huấn luyện viên, 2.200 trọng tài; lập 199 kỷ lục, trong đó có 151 kỷ lục đại hội, 48 kỷ lục quốc gia. Đặc biệt, Thể thao Việt Nam đạt được những thành tích nổi bật trên các đấu trường quốc tế, giành Cúp Vô địch Giải bóng đá Đông Nam Á 2018 sau 10 năm chờ đợi.
Trong lĩnh vực du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12.2018 ước đạt 1.374.235 lượt khách, tăng 5,6% so với tháng 11.2018 và tăng 7,7% so với tháng 12.2017. Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018 đạt 15.497.791 lượt khách, tăng 19,9% so với năm 2017; khách nội địa đạt 80 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 620.000 tỷ đồng, tăng 21,4% so với năm 2017. Sự kiện đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu là một dấu ấn quan trọng của ngành Du lịch Việt Nam.
“Đây là dấu mốc của ngành Du lịch trong năm 2018, thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng do Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời khẳng định nỗ lực của toàn ngành với thời gian dài giữ mức tăng trưởng khoảng 30% và sau 3 năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 2 lần”, ông Nguyễn Thái Bình khẳng định.
Với sự tăng trưởng ấn tượng khách du lịch quốc tế, tại Báo cáo “Điểm nhấn Du lịch năm 2018”, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Việt Nam xếp thứ 3 trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế nhanh nhất thế giới; là đại diện duy nhất của châu Á lọt vào danh sách 3/10 quốc gia có du lịch trải nghiệm tốt nhất thế giới (TripAdvisor công bố).
Những thành tích và giải thưởng này đã góp phần khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, đồng thời đánh dấu bước trưởng thành của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Theo Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất