30/05/2015 10:17 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 30/5, tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 14 đang diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter kêu gọi Trung Quốc "ngừng ngay lập tức và vĩnh viễn" các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Ông nhấn mạnh cách hành xử của Trung Quốc trong khu vực hiện nay "vượt ra ngoài" các chuẩn mực quốc tế.
Trong phát biểu được đáng giá là rất quan trọng và thu hút sự chú ý của nhiều nước trong khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter nhấn mạnh: "Mỹ phản đối việc tiếp tục bất cứ hoạt động quân sự hóa nào" tại Biển Đông.
Trước đó, ngày 29/5, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận rằng Trung Quốc đã đưa "vũ khí" ra một đảo nhân tạo trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Steven Warren không nói rõ đây là loại vũ khí nào, nhưng nhật báo The Wall Street Journal cho biết các hình ảnh do thám của Mỹ cho thấy hai khẩu pháo đã được đưa đến hòn đảo này. Đây là hòn đảo mà Trung Quốc đơn phương xây dựng cách đây một tháng bất chấp sự phản đối của quốc tế. Đại tá Warren khẳng định: "Rõ ràng, hoạt động quân sự hóa trên các đảo này là điều mà Mỹ phản đối".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter. Ảnh: TTXVN
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được đưa ra sau khi Trung Quốc cáo buộc Mỹ gieo rắc "hỗn loạn" trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng cách kích động những nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc.
Trước đó ngày 29/5, trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 14, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo rằng “mọi quốc gia châu Á sẽ chịu tổn thất” nếu các hành động tranh giành chủ quyền ở biển Đông biến thành các phản ứng mang tính đe dọa.
Lời phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long được đưa ra vài ngày sau khi Trung Quốc công bố Sách Trắng quốc phòng với nhiều lời lẽ răn đe, hăm dọa các nước láng giềng và vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, dẫn tới những lo ngại sẽ xảy ra xung đột trên biển giữa Trung Quốc và Mỹ.
Tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, Đô đốc Harry Harris, mới đây cũng mô tả yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “vô lý”. Vị đô đốc này tuyên bố các lực lượng của Mỹ, nếu được lệnh, sẽ sẵn sàng “chiến đấu để bảo vệ các quyền lợi của Mỹ tại vùng châu Á- Thái Bình Dương rộng lớn”.
Các nhà quan sát cho rằng sẽ có khẩu chiến gay gắt giữa các nước với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông tại hội nghị Shangri-La lần này. Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đưa quan chức cấp cao hơn so với giới chức dẫn đầu phái đoàn năm ngoái là một chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh hiểu rõ tranh cãi Biển Đông sẽ là vấn đề trọng tâm hàng đầu trong hội nghị lần này và cũng là tín hiệu chứng tỏ Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với các chỉ trích của quốc tế về sách lược của họ ở Biển Đông.
Cùng trong ngày 29/5, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain đã đề xuất Mỹ nên cung cấp hàng trăm triệu USD để giúp huấn luyện và trang bị cho các lực lượng vũ trang của các quốc gia Đông Nam Á nhằm đối phó với những thách thức lãnh thổ.
Ông McCain đưa ra đề xuất trên trong một bản sửa đổi Đạo luật cấp phép quốc phòng Mỹ năm 2016, có tên Sáng kiến Biển Đông, dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay. Đề xuất này cho phép cung cấp tới 425 triệu USD trong 5 năm cho một số nước ở Đông Nam Á để mua sắm “thiết bị, quân nhu, huấn luyện và xây dựng quân đội quy mô nhỏ”. Dự thảo sửa đổi luật trên được Ủy ban Quân lực thông qua hôm 14/5 với số phiếu ủng hộ 22/4, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ từ hai đảng của Mỹ. Tuy nhiên, bản sửa đổi vẫn cần Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua trong đợt bỏ phiếu toàn thể vào cuối năm 2015.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất