Việt Nam đặt mục tiêu tạo dấu ấn trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an

26/03/2021 18:46 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng 4/2021. Đây là kỳ Chủ tịch thứ hai đồng thời cũng là kỳ Chủ tịch cuối cùng của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021.

Việt Nam chủ trì Phiên họp của HĐBA về tình hình Israel và Palestine

Việt Nam chủ trì Phiên họp của HĐBA về tình hình Israel và Palestine

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 21/1 đã tổ chức Thảo luận mở định kỳ với chủ đề “tình hình Trung Đông, bao gồm Palestine” do Việt Nam chủ trì.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc đã phỏng vấn Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ về công tác chuẩn bị, những vấn đề điểm nhấn Việt Nam muốn đưa ra thảo luận và mục tiêu của Việt Nam trong tháng sự kiện quan trọng này.             

Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam chuẩn bị bước vào tháng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐBA với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Ông chia sẻ một trong những khó khăn hiện nay là rất nhiều vấn đề nảy sinh phức tạp, đơn cử như vấn đề Myanmar và Triều Tiên trong khu vực, còn nếu nhìn xa hơn, đó là vấn đề của các nước như Yemen và Syria.

Chính vì các vấn đề có thể nảy sinh bất cứ lúc nào cho nên các nước trong HĐBA luôn phải sẵn sàng 24/7 để có thể xử lý các vấn đề. Một khó khăn nữa là mặc dù các nước lớn đã có sự điều chỉnh nhưng vẫn có những vấn đề không thống nhất được với nhau, cho nên điều này ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa các nước khi làm việc tại HĐBA. Thêm vào đó, có những vấn đề mới nảy sinh hoặc sắp nảy sinh khó có thể lường trước được.  

Chú thích ảnh
Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, Đại sứ khẳng định Việt Nam cũng có những thuận lợi bởi đã ở trong HĐBA 15 tháng, tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn và nhờ vậy hợp tác trong và ngoài HĐBA của Việt Nam cũng trơn tru, hiệu quả hơn. Đặc biệt, Việt Nam nhận được sự ủng hộ rất lớn của các nước trong HĐBA nhiệm kỳ này. Mấy tháng gần đây, các nước lớn trong HĐBA đã có những điều chỉnh, cải thiện quan hệ nhất định cho nên đã tạo ra một số thuận lợi cho Việt Nam.

Đại sứ cho biết được sự chỉ đạo từ lãnh đạo cấp cao, phái đoàn đã có sự chuẩn bị về những phương án, nhất là những sáng kiến và những vấn đề Việt Nam muốn nhấn mạnh trong kỳ Chủ tịch tháng 4/2021, kỳ chủ tịch cuối cùng của nhiệm kỳ 2 năm Việt Nam là Ủy viên không thường trực HĐBA.        

Khi được hỏi về những vấn đề điểm nhấn Việt Nam muốn đưa ra thảo luận trong tháng Chủ tịch, Đại sứ cho biết sự kiện quan trọng nhất sẽ diễn ra vào 19/4 do lãnh đạo cấp cao của ta chủ trì với chủ đề “Thúc đẩy và tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực nhằm thúc đẩy đối thoại và các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm ngăn ngừa xung đột". Chủ đề này rất quan trọng đồng thời ASEAN đã làm rất tốt cho nên Việt Nam muốn nhân dịp này giới thiệu mô hình thành công của ASEAN trong việc thúc đẩy đối thoại và áp dụng các biện pháp xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột.

Tham gia sự kiện này sẽ có các tổ chức khu vực khác như là khối các nước Arab, Liên minh châu Âu, và Liên minh châu Phi cùng chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời cùng chia sẻ những yêu cầu đặt ra để làm sao các tổ chức khu vực và tiểu khu vực tăng cường vai trò của họ, đồng thời tăng cường hiệu quả hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực.        

Sự kiện quan trọng thứ hai diễn ra ngày 8/4 là phiên thảo luận mở về hành động bom mìn. Đại sứ nhấn mạnh bom mìn là "kẻ giết người thầm lặng"; hiện tại có hơn 60 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới vướng vào vấn đề bom mìn; có những nước đang xảy ra xung đột, có những nước xung đột đã qua nhưng hậu quả bom mìn vẫn còn tiếp tục rất dai dẳng, vì vậy đây cũng là dịp nhắc lại vấn đề này nhằm tăng cường nhận thức đồng thời tìm ra những nhận thức mới và thách thức mới, chia sẻ những biện pháp mới và kinh nghiệm để giải quyết vấn đề bom mìn.        

Sự kiện quan trọng tiếp theo diễn ra ngày 28/4 sẽ bàn về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống của dân thường. Trên thế giới, các cuộc xung đột diễn ra hiện nay thường nhằm vào cơ sở hạ tầng thiết yếu như hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống cung cấp lương thực, hệ thống bảo đảm sức khỏe cho người dân, coi những hệ thống này như phương tiện chiến tranh. Là một trong những điều bị cấm theo luật nhân đạo, vấn đề này cũng là một trong những ưu tiên đưa ra ra thảo luận nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.        

Ngoài ra, còn một sự kiện quan trọng nữa diễn ra vào ngày 14/4 tập trung vào vấn đề bạo lực tình dục trong xung đột. Rất nhiều bên trong xung đột sử dụng bạo lực tình dục như công cụ chiến tranh, tạo ra hệ quả vô cùng lâu dài, nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em gái và cả những người liên quan tới họ trong cuộc sống lâu dài. Đại sứ chia sẻ: “Những chủ đề do chúng ta đặt ra như vậy nhận được sự ủng hộ rất lớn trong HĐBA cũng như các nước thành viên LHQ”.        

Khi được hỏi liệu Việt Nam có phải đối mặt với sức ép thành công hơn nữa hay không khi đã được cộng đồng quốc tế đánh giá rất tốt kỳ Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA lần đầu tiên hồi tháng 1/2020, Đại sứ cho rằng điều đó cũng không hẳn đúng hoàn toàn bởi ông quan niệm nhiệm vụ quan trọng nhất của nước Chủ tịch HĐBA là điều phối các hoạt động của HĐBA, làm sao cho HĐBA đảm nhiệm thành công nhiệm vụ của tổ chức này, tức là duy trì hòa bình, an ninh quốc tế thông qua việc có hành động kịp thời, đúng và trúng trước những sự kiện xảy ra trên thế giới.

Cũng như các nước chủ tịch khác, Việt Nam hướng tới mục tiêu để lại dấu ấn của mình thông qua những tuyên bố chủ tịch, những nghị quyết mà Việt Nam cùng với các nước trong HĐBA xây dựng và hướng tới.

Hải Vân- Vũ Hiếu/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link