Việt Nam hơn 96 triệu người và vẫn ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng

19/12/2019 21:53 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 19-12-2019, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức "Hội nghị công bố kết quả chính thức và tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019”. Theo đó, vào thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2019, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người; trong đó, dân số nam là trên 47,881 triệu người, chiếm 49,8% và dân số nữ là trên 48,327 triệu người, chiếm 50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới.

Dự kiến tháng 12/2019 công bố kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở

Dự kiến tháng 12/2019 công bố kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị công bố kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà ở trong quý IV năm 2019, dự kiến vào ngày 20/12/2019.

Sau 10 năm, dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người, tăng 10,4 triệu người so với năm 2009. Bình quân giai đoạn 2009-2019, tỷ lệ tăng dân số là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999-2009 (1,18%/năm).

Chú thích ảnh
Tỷ số giới tính của dân số là 99,1 nam/100 nữ. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71, nữ giới là 76,3 tuổi.

Mật độ dân số là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009 và là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Philippines và Singapore). Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng là 1.060 người/km2 và 757 người/km2. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, 132 người/km2 và 107 người/km2.

Tỷ số giới tính của dân số là 99,1 nam/100 nữ. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71, nữ giới là 76,3 tuổi.

Tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi vẫn chiếm đa số, khoảng 68% tổng dân số, nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh nhất, chiếm 7,7%. Điều này cho thấy, mặc dù Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh, đòi hỏi chúng ta vừa phải đồng thời thực hiện các chính sách để thích ứng với già hóa dân số, vừa phải tranh thủ tận dụng nguồn nhân lực vàng cho phát triển kinh tế, tạo bứt phá để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Đáng chú ý, cả nước có 9,1% phụ nữ trong độ tuổi từ 20-24 kết hôn lần đầu trước 18 tuổi. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ phụ nữ kết hôn lần đầu trước 18 tuổi cao nhất nước. Tổng tỷ suất sinh là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định, xu hướng sinh hai con là phổ biến. Tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn còn tồn tại ở Việt Nam, phụ nữ chưa thành niên (từ 10-17 tuổi) sinh con trong 12 tháng trước thời điểm điều tra chiếm tỷ trọng 3,3%o; cao nhất ở trung du và miền núi phía Bắc (9,7%o) và Tây Nguyên (6,8%o).

Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng, dân số thuộc dân tộc Kinh là trên 82 triệu  người, chiếm 85,3%. Trong 53 dân tộc thiểu số, 6 dân tộc có dân số trên 1 triệu người là: Tày, Thái, Mường, Mông, Khmer, Nùng; 11 dân tộc có dân số dưới 5 nghìn người. Địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc thiểu số là vùng trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đến thời điểm Tổng điều tra năm 2019, có 16 tôn giáo được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tổng số có 13,2 triệu người theo tôn giáo, chiếm 13,7% tổng dân số cả nước. Trong đó, số người theo Công giáo là đông nhất (5,9 triệu người), tiếp đến Phật giáo (4,6 triệu người).

Số hộ không có nhà ở giảm 10 lần

Kết quả công bố tại Hội nghị cho thấy, tổng số hộ dân cư trên cả nước là 26.870.079 hộ, tăng 4,4 triệu hộ so với năm 2009. Bình quân giai đoạn 2009-2019, tỷ lệ tăng bình quân số hộ dân cư là 1,8%/năm, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 1999-2009 và là giai đoạn có tỷ lệ tăng số hộ dân cư thấp nhất trong vòng 40 năm qua.

Đa số các hộ dân cư đều có nhà ở và đang sống trong những ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố. Chỉ còn 1.244 hộ không có nhà ở, tương đương với trên 4.000 người. Sau 10 năm, tình trạng hộ không có nhà ở đã giảm 10 lần, từ mức 4,7 phần mười nghìn năm 2009 xuống còn 0,47 phần mười nghìn năm 2019.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,2m2/người, tăng 6,5m2/người so với năm 2009. Vẫn còn gần 7% hộ dân cư (tương ứng với khoảng 7,7 triệu người) đang sống trong các ngôi nhà có diện tích chật hẹp dưới 8m2/người.

Hiện có 11,7% hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà/căn hộ đi thuê/mượn, tăng 4,6 điểm phần trăm so với năm 2009 (năm 2009 là 7,1%). Đặc biệt, tại các địa phương đông dân cư và tập trung nhiều khu công nghiệp, tỷ lệ hộ sống trong các ngôi nhà/căn hộ đi thuê/mượn cao hơn các địa phương khác như tỉnh Bình Dương (56,5%), Thành phố Hồ Chí Minh (32,8%), tỉnh Bắc Ninh (27,0%), thành phố Hà Nội (15,8%).

Đa số các hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà/căn hộ được xây dựng và bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2000 đến nay. Tuy nhiên, vẫn còn những hộ phải sống trong các ngôi nhà có chất lượng kém với tuổi thọ quá dài so với mức độ an toàn theo quy định.

Tổng cục Thống kê cho biết, điều kiện ở và sinh hoạt của hộ dân cư cũng được cải thiện rõ rệt, có 99,4% hộ sử dụng điện lưới thắp sáng, tăng 3,3 điểm phần trăm so với năm 2009. Trong đó, toàn bộ các hộ dân cư khu vực thành thị đã được tiếp cận với điện lưới thắp sáng, nhưng còn gần 1% số hộ dân cư khu vực nông thôn chưa được tiếp cận điện lưới.

Tỷ lệ hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh là 97,4%; trong đó 52,2% hộ sử dụng nguồn nước máy. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 99,6%, ở khu vực nông thôn là 96,3%...

Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh nhằm phát triển bền vững

Về kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở của Việt Nam năm 2019, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khi mà dân số ở trong độ tuổi lao động vẫn đang gấp đôi số người ở trong độ tuổi phụ thuộc. Đây chính là cơ hội tuyệt vời cho phát triển kinh tế-xã hội nếu có các chính sách phù hợp về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách phát triển nguồn lực cho thanh niên, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, đảm bảo quyền bình đẳng giới.

Tuy nhiên, một vấn đề chưa được cải thiện nhiều, đó là tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, nhiều khả năng là do sự lựa chọn giới tính thai nhi, điều này bắt nguồn sâu xa từ văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc lựa chọn giới tính theo giới cần phải dừng lại và phải tăng cường thực hiện các chính sách pháp lý để nhằm ngăn cản điều này.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã hoàn thành nhưng cái đích cuối cùng chưa kết thúc, còn phải biên soạn các báo cáo chuyên đề, phân tích đánh giá làm cho số thống kê “biết nói”, có giá trị gia tăng không chỉ cho đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp mà chính cho người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trên cơ sở dữ liệu thống kê có được, Ban Chỉ đạo cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh nhằm đảm bảo phát triển bền vững, tạo công bằng cho người dân. Để cung cấp chi tiết hơn thông tin phục vụ hoạch định chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) cần tiếp tục khai thác số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở để biên soạn các báo cáo chuyên đề chuyên sâu của từng lĩnh vực như già hóa dân số, di cư và đô thị hóa, lao động việc làm, giáo dục và đào tạo, tận dụng thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” để phát triển bứt phá, vượt bẫy thu nhập trung bình.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp dữ liệu Tổng điều tra để cung cấp cho các Tiểu ban chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để phục vụ đánh giá, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, 5 năm, 10 năm tại các địa phương. Tổng cục Thống kê tính lại tỷ lệ GRDP cho các tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào áp dụng cách thức cập nhật số liệu dân số hàng năm từ cơ sở dữ liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đảm bảo cung cấp dữ liệu về dân số hàng năm, tiết kiệm kinh phí và để 10 năm tới không cần thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở như hiện nay.

Tạo được tiếng vang trên phạm vi quốc tế

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là một trong những cuộc tổng điều tra thống kê lớn nhất của nước ta, có quy mô lớn với phạm vi điều tra là 712 quận, huyện, thị xã và 11.165 xã, phường, thị trấn tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3 Bộ có tính đặc thù quan trọng là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao. Trong 2 năm qua, công tác chuẩn bị cho cuộc tổng điều tra đã được thực hiện với việc nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành, cũng như đã thành lập Ban Chỉ đạo các cấp từ trung ương tới tỉnh, huyện, xã và Ban Chỉ đạo tại 3 Bộ đặc thù.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, việc ứng dụng thành công công nghệ thông tin trong một cuộc tổng điều tra quy mô lớn đã tạo được tiếng vang trên phạm vi quốc tế. Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện nay sử dụng thiết bị di động của điều tra viên thống kê cho công tác thu thập thông tin với nhiều chủng loại thiết bị khác nhau mà vẫn đem lại thành công với chi phí rẻ.

Thành công này đã được các nước trên thế giới thừa nhận; đã có nước đến Việt Nam để học tập kinh nghiệm (Sri Lanka, Nepal). Thành công của Tổng điều tra cũng được chia sẻ trên các diễn đàn trên thế giới, như: Hội nghị khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ban Chỉ đạo vùng về thống kê dân số và xã hội; Hội nghị khu vực về chuẩn bị Tổng điều tra dân số chu kỳ 2020; Hội nghị khu vực về nâng cao năng lực sử dụng thiết bị di động trong điều tra quốc gia phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững…

Minh Duyên - TTXVN (tổng hợp)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link