Việt Nam và Indonesia không phải là Brazil gặp Argentina

07/12/2016 09:01 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta có quyền tin là Việt Nam có thể đánh bại Indonesia vào chung kết, để buổi tối nay (7/12) là cuộc chia tay của ông Alfred Riedl chứ không phải Công Vinh.

Tôi vẫn thường tự dặn lòng mình qua nhiều năm gần đây, là chúng ta không phải là Brazil để mỗi lần đánh giá về đội tuyển thì phải hiểu rằng Việt Nam đang đứng ở ngoài Top 100 của thế giới.

Nói cách khác là chúng ta không thể trông đợi rằng đội tuyển Việt Nam là một thực thể hoàn hảo, hay thấp hơn thì cũng không phải là một đội bóng hội tụ những phẩm chất đỉnh cao của bóng đá hiện đại.

Cửa đi tiếp của Việt Nam không hẹp hơn Indonesia

Những so sánh ví von, cả bông đùa lẫn nghiêm túc, lâu nay khiến cho chúng ta ảo tưởng: Hữu Thắng là người hâm mộ Pep Guardiola và lối chơi của đội tuyển sẽ giống Barca; Công Phượng là Messi của Việt Nam còn Phi Sơn là Ronaldo (và như thế xứ Nghệ có cả Si thuế lẫn Ro điệu); Quế Ngọc Hải là Sergio Ramos; Tuấn Anh (chấn thương) là Ronaldinho…


HLV Nguyễn Hữu Thắng "thổi lửa" vào tinh thần chiến đấu của đội tuyển Việt Nam nhưng về chuyên môn đội vẫn còn có khiếm khuyết.Ảnh: Phương Nam

Ảo tưởng lớn thì đòi hỏi cũng lớn. Là đội tuyển không chỉ thắng mà còn phải thắng thuyết phục, thắng đẹp, phải sở hữu và kiểm soát bóng nhiều, phải có những bàn thắng là kết quả sau những pha phối hợp mẫu mực và bàn thắng nào cũng là những siêu phẩm kiểu như Xuân Trường bấm bóng rồi Văn Thanh hứng ngực sau đó bắt volley cháy lưới Triều Tiên. Đúng, chúng ta đã làm được như thế nhưng chỉ là trong một trận giao hữu mà Liên đoàn phải trả từ tiền vé cho tới tiền ăn ở cho đội tuyển bí hiểm ấy.

Có lẽ là vì ảo tưởng nên mới có đôi chút mâu thuẫn giằng xé. Lẽ thường, trong khuôn khổ của vòng đấu knock-out, đội nào đá trên sân đối phương mà ghi được bàn thắng và chỉ thua sát nút tức là đã giành được lợi thế rất lớn cho trận lượt về. Thua 1-2 rõ ràng là hơn hẳn thua 0-1. Luật bàn thắng trên sân đối phương đang đứng về phía Việt Nam.

Cũng ở trận lượt đi đó, dù chơi ở Indonesia nhưng đội tuyển vẫn chủ động mà không lép vế. Số cơ hội tạo ra không ít mà vấn đề là khả năng tận dụng không tốt nên mới chỉ có một bàn từ chấm phạt đền của Văn Quyết.

Đội tuyển Việt Nam tối 3/12 thua vì những sai sót ở hàng thủ mà việc phán đoán sai điểm rơi rồi tranh chấp không hợp lệ ở trong vòng cấm sau đó của Quế Ngọc Hải đã dẫn tới bàn thua thứ hai. Không trách Quế Ngọc Hải dù cũng thất vọng, vì đá như thế, mắc sai lầm như thế mới đúng là Hải – trung vệ lâu nay nổi tiếng về sự mạnh mẽ chứ không phải tinh tế và hợp lý.

Một vấn đề khác của đội tuyển Việt Nam hôm ấy nữa là vị trí của người đá cặp với Xuân Trường ở trung tâm hàng tiền vệ. Hữu Thắng chọn Lê Văn Thắng, một cầu thủ tấn công, một mẫu tiền vệ công thiên về chạy cánh. Vấn đề là tại sao đội tuyển bước vào giải lại chỉ có một tiền vệ phòng ngự là Hoàng Thịnh có lẽ cũng là điều mà Hữu Thắng hối tiếc, vì ông cũng rất biết rằng suốt V-League 2016 cầu thủ này ở tình trạng thế nào qua nhiều trận phải ra sân trong màu áo FLC Thanh Hóa dù vẫn chấn thương.

Nhưng nếu chúng ta đã từng thích thú vì việc Pep Guardiola là thần tượng của Hữu Thắng thì việc kéo một cầu thủ đá cánh vào tiền vệ trung tâm cũng là chuyện không có gì phải sốc. Nếu Hữu Thắng mà lấy trung vệ lên đá tiền vệ, chỉ nghĩ đến bảo vệ mành lưới thì mới đáng buồn, vì thế là ông sẽ phản bội lại tư tưởng triết lý đã công khai của mình.  

Tất nhiên là tôi cũng hiểu sẽ có người phản ứng rằng Văn Thắng không thông minh như Philipp Lahm. Điều đó hiển nhiên quá.

Nó hiển nhiên như việc chúng ta không phải là tuyển Brazil, các tuyển thủ cũng không phải là những ngôi sao World Cup.


Đội tuyển Việt Nam buộc phải thay đổi nếu muốn đánh bại Indonesia và giành quyền đi tiếp.Ảnh: Phương Nam

Như thế thì có gì phải buồn, phải đáng lo khi mà Indonesia cũng đâu phải là Argentina dù người ta có gọi Andik Vermansah là Messi xứ Vạn đảo. Dẫn dắt Indonesia là một chuyên gia về nhì Alfred Riedl.

Thủ lĩnh hàng công của họ là Boaz Salossa, một người chúng ta đã biết cách nay 12 năm. Dù cho Boaz có duyên với Việt Nam, ghi được 6 trong tổng số 14 bàn cho tuyển Indo ở trên đất Việt hay vào lưới tuyển Việt Nam, thì cũng đâu có đáng sợ. Anh đã suy giảm về mặt tốc độ và thật logic là bắt đầu trở nên khôn hơn trong xử lý bóng và không còn chạy cánh nữa mà đá ở trung tâm.

Ấn tượng của Indonesia từ vị trí của tiền vệ trung tâm Stefano Lilipaly là rõ rệt hơn cả, không phải vì buộc Quế Ngọc Hải phạm lỗi mà ở cách điều phối quả bóng đúng dáng dấp của một cầu thủ từng học ở Học viện của CLB AZ Alkmaar, từng khoác áo Utrect và ghi bàn vào lưới PSV Eindhoven.

Nhưng một mình Stefano (mang hai dòng máu Hà Lan và Indo) thì không làm Indonesia thành tuyển Hà Lan được. Nếu chúng ta đau đầu vì Đình Đồng, Ngọc Hải thì ông Riedl có lẽ cũng phải dán cao Salonpas vì hàng thủ của Indonesia.

Ứng viên thay thế Riedl: 'Indonesia thắng may, Việt Nam sẽ vào chung kết'

Ứng viên thay thế Riedl: 'Indonesia thắng may, Việt Nam sẽ vào chung kết'

Bất chấp thành công vượt quá kỳ vọng của Indonesia tại AFF Cup, tương lai của HLV Alfred Riedl vẫn đang bị đặt nhiều dấu hỏi.

Indonesia dọa rằng họ trận nào cũng ghi bàn thì thực tế là trận nào họ cũng thủng lưới, và hiệu suất bàn thắng-thua của họ qua 4 trận là 8-8.

Và Việt Nam trận nào cũng ghi bàn. Có trận thày trò Hữu Thắng còn không thủng lưới, và hiệu suất tới giờ là 6-4.

Thực tế như vậy thì liệu có gì để chúng ta nghĩ rằng cửa đi tiếp của Việt Nam cũng chẳng hẹp hơn so với Indonesia. Nếu không phải là 51 – 49 thì cũng chẳng thể là 49 - 51 mà là 50 – 50.

Chia tay ông Riedl hay tạm biệt Công Vinh?

50- 50 nhưng không có nghĩa là sẽ có một kết cục hòa sau trận. Phải có đội vào chung kết. Phải có người dừng cuộc chơi, thậm chí là cả sự nghiệp.

Chúng ta đang nói tới tiền đạo Lê Công Vinh đã hơn một lần công khai rằng AFF Cup 2016 sẽ là giải đấu cuối cùng của anh ở cấp độ đội tuyển, và cả ông Alfred Riedl năm nay 67 tuổi sẽ về hưu chứ không quanh quẩn mãi ở Đông Nam Á dù có cởi được cái mác “chuyên gia về nhì” hay không.

Công Vinh đã ghi được 51 bàn thắng qua 84 lần khoác áo đội tuyển trải dài qua 13 năm. Hôm Công Vinh ghi bàn thắng thứ 51, là cú dứt điểm vào lưới Campuchia, ai đó nói rằng anh đã vượt qua Neymar, đang áp sát Messi và Ronaldo cứ như thể một sự báo động.

So sánh với những biểu tượng đương đại và là những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá thế giới là điều rất khôi hài, vì các bàn thắng ở các giải đấu có tính chất khác nhau.

Nhưng ở Việt Nam thì Công Vinh là tiền đạo số 1 không thể bàn cãi. Và anh có thể là chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử BĐVN dù biết rằng những danh tiếng mà Cao Cường, Thế Anh để lại là rất lớn.


Chia tay Công Vinh cầu thủ có thể sẽ có một Công Vinh quan chức bóng đá (người ta nói rằng cái ghế Tổng thư ký VFF rất vừa với anh), những vẫn cứ tiếc nuối. Vì khi không ai ghi được bàn vào lưới Thái Lan ở Mỹ Đình năm 2008 thì anh ghi. Và cả khi các chân sút khác “chê” Campuchia thì anh vẫn nổ súng.

Nói gì thì nói, chia tay một huyền thoại rất nhiều cảm xúc. Nếu là trong một buổi tối chiến thắng thì sẽ thêm phần oai hùng mà trong một tối thất bại thì từ day dứt tới bi hùng. Chính Công Vinh đã chứng kiến, đã là đồng đội của một huyền thoại khác của BĐVN trong cái ngày anh ấy chia tay đội tuyển: Lê Huỳnh Đức ở Tiger Cup 2004.  

Nhớ hình ảnh 12 năm trước trân sân Mỹ Đình khi Huỳnh Đức vào sân trong hơn 20 phút cuối để kết thúc một sự nghiệp cũng tạm gọi là vang dội của cá nhân anh và cũng là kết thúc một giải đấu đầy ám ảnh với BĐVN.

Huỳnh Đức là lão tướng lúc đó, 32 tuổi, nhiều hơn Công Vinh lúc này 1 tuổi. Anh để lại vợ con ở nhà để ăn dầm ở dề với đội tuyển của ông Tavares gần 6 tháng giời rồi giã từ sự nghiệp mà không thể nở lấy một nụ cười.

Chứng kiến hình ảnh ấy, những người từng chỉ trích nặng nề nhất, mỉa mai anh dữ dội nhất cũng bị cảm hóa. Hình ảnh của cá nhân Huỳnh Đức đêm hôm đó đã phần nào an ủi cho một thực tế cay đắng là ĐTVN bị loại ngay sau vòng bảng dù chúng ta chơi trên sân nhà ở một bảng đấu có Lào, Campuchia, Singapore và Indonesia.

Để Công Vinh có một cuộc chia tay màu đỏ oai hùng thì nhất định các cầu thủ khác phải chơi tốt để Việt Nam có một kết cục tốt ở Mỹ Đình tối nay, 7-12.

Để tối nay phải là cuộc chia tay của ông Riedl trên chính sân đấu mà ông từng có biết bao kỷ niệm, từ những đắng cay của người bị học trò bán đứng cho tới những chiến thắng ở cấp độ châu lục và cả những giây phút tưởng chừng như đã chạm tay vào tấm huy chương Vàng.

Sân Mỹ Đình khánh thành tháng 9 năm 2003 trong một biển người phấn khởi và hồ hởi lần đầu được đến một cái sân mới và to đến thế để xem U23 của ông Riedl chơi trận khai sân trước Thân Hoa Thượng Hải. Rồi ông suýt thành người hùng ở SEA Games diễn ra cùng năm đó và thêm những trận đấu để đời ở Asian Cup 2007.

Công Vinh hay ông Riedl cũng đều nếm trải những cay đắng thất bại rồi nhưng quen hơn với những cuộc chia ly đau đớn thì hẳn là ông Riedl trải nghiệm hơn nhiều…

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link