27/11/2014 19:09 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Điểm sáng lớn nhất của các đội bóng dưới thời Toshiya Miura, theo đánh giá của các chuyên gia – những người làm chuyên môn, đấy là thể lực được cải thiện đáng kể, khi các cầu thủ đã có thể chơi bóng ở tốc độc cao suốt 90 phút, mà hoàn toàn không có biểu hiện mệt mỏi, hay quá tải (căng cơ)… Nhưng, điều này không lạ, khi ngay từ những ngày đầu với Olympic Việt Nam, bằng liệu pháp hồi phục tương đối lạ lẫm, ông Miura đã ghi điểm ở Asian Games 17.
Chúng ta chỉ có thể xem đó là dấu ấn ban đầu của thuyền trưởng người Nhật Bản, chứ về quan điểm làm chiến thuật (hiệu quả), hay một lối chơi mang hơi hướng bản sắc, kiểu như “made in Việt Nam” thì cần có thêm thời gian để chứng minh và để cảm nhận.
Xây nhà từ đâu?
Những ngày đầu tiên mới đến Chelsea, “người đặc biệt” Jose Mourinho đã khuyến cáo những Jonh Terry, Frank Lampard rằng, ông không yêu cầu đội bóng phải thắng bằng mọi giá, nhưng ông không thích chịu cảm giác thua bàn, rồi bại trận. Cũng là 3 điểm, nhưng chiến thắng tỷ số 1-0 hoặc 2-1 tạo cảm giác thích thú hơn là 3-2 hay 4-3, bởi khi ấy hàng phòng ngự rõ là có vấn đề.
Tạo lợi dẫn – cách biệt tối thiểu, bảo vệ nó đến cũng, đó cũng là đẳng cấp, chứ không hẳn là phải luôn thắng giòn giã đối thủ. Chelsea dưới thời Mourinho ở cả 2 nhiệm kỳ là một đội bóng như thế: Rất khó bị đánh bại và khi cần sẵn sàng xù xì, xấu xí.
HLV Toshiya Miura tạo ra bầu không khí cạnh tranh sòng phẳng ở đội tuyển Việt Nam. Ảnh: V.S.I
Gần hơn với bóng đá Việt Nam và Henrique Calisto, HLV đầu tiên có thể tạo nên một lối chơi mang hơi hướng bản sắc: Phòng ngự chặt và tổ chức tấn công nhanh. Ưu tiên số 1 của phù thuỷ đồng hương với Jose Mourinho cũng là xây dựng hệ thống phòng ngự vững chắc, và khi đoạt lại được bóng, thì tổ chức tấn công chớp nhoáng.
Triết lý bóng đá ấy được HLV Calisto miêu tả lại, nó giống như bàn tay vậy: Nắm thật chặt (khi phòng ngự) và bung ra thật nhanh (lúc tấn công). Các bàn thắng của Quang Hải (bán kết), Vũ Phong và Công Vinh (chung kết)…, trên hành trình lên ngôi ở AFF Suzuki Cup 2008, phần nào chứng minh điều đó.
Vậy, các đội tuyển quốc gia (ĐQTG) dưới triều đại Toshiya Miura lúc này, có gì? HLV Miura yêu thích đánh dãn biên hơn, thay vì trung lộ, bởi ông biết rõ mình không sở hữu một chuyên gia làm bóng có hạng ở khu giữa sân; trong khi đội tuyển Việt Nam lại khá thừa thãi các chuyên gia chạy cánh có hạng.
Con người làm nên chiến thuật, đấy là yếu tố bất biến. Nhanh, mạnh và dứt khoát, những nét tươi mới trên tuyến đầu của đội tuyển Việt Nam, dưới thời HLV Toshiya Miura; nhưng hàng phòng ngự và thủ môn, vẫn bộc lộ nhiều yếu điểm. Rõ ràng, thuyền trưởng người Nhật chưa thể xây dựng một lối chơi hiệu quả, chứ đừng nói bản sắc.
Rất khó để cầu toàn, nhưng chúng ta chưa thể nhìn thấy hình ảnh một nhà vô địch thực sự, với cơ chế dùng người và vận hành chiến thuật như hiện tại của đội tuyển Việt Nam. Hàng tiền đạo tưởng như thừa, nhưng lại thiếu, ở kỹ năng ra chân, dứt điểm.
Trong khi đó, lại luôn có cảm giác bất an, mỗi khi đối phương có bóng, bởi sự lỏng lẻo ở khâu phòng ngự và chốt chặn. Nên nhớ, Indonesia và cả Lào, đều không thuộc nhóm những đội bóng lớn hàng đầu Đông Nam Á.
Nhiều người đã bất ngờ khi HLV Toshiya Miura không sử dụng những “cán bộ” như Tấn Tài (đội trưởng), Công Vinh (đội phó), trung phong số 1 đội tuyển – Cầu thủ xuất sắc nhất V-League 2014, Anh Đức…, ở trận đấu mở màn với Indonesia. Không hẳn vì ở các vị trí ấy, những Hoàng Thịnh, Hải Anh hay Văn Quyết, xuất sắc hơn, mà có thể, thuyền trưởng người Nhật tin vào dòng máu trẻ, tin vào những lựa chọn của mình.
Chúng ta đang trong giải đấu chính thức, người trẻ vốn xông xáo, không ngại khó, nhưng cũng rất hay mắc sai lầm. Nguyên Mạnh và Tiến Thành hay không? Hay chứ, nhìn vào V-League mà xem, nhưng mà hay thua!
Cái giá của duy mỹ
Sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nền bóng đá, HLV Henrique Calisto bắt đầu từ bỏ các nguyên tắc và triết lý bóng đá sở trường, từng làm nên thương hiệu “phù thuỳ” hồi còn nắm Đồng Tâm Long An. Bước vào AFF Suzuki Cup 2010 trong tâm thế của nhà vô địch, ông “Tô” hướng đội tuyển Việt Nam đến một lối chơi tổng lực, tấn công ồ ạt, phủ đầu…
Nó là sự phát triển tâm lý bình thường và nhà vô địch thì không thể nằm cửa dưới, không thể chơi rình rập?! Trận thua Philippines tỷ số 0-2 ở vòng bảng (diễn ra tại sâm Mỹ Đình), là bài học đầu tiên, nhưng HLV Calisto chưa tỉnh, ngược lại còn ngấm đòn.
Việc chọn một lối chơi pressing, không ngại va chạm và tiêu hao thể lực cực lớn, khiến các ca chấn thương xuất hiện ngày càng nhiều. Cho đến trận bán kết lượt đi với Malaysia năm ấy, đội tuyển Việt Nam bị ví như cái bệnh viện. Song HLV Calisto vẫn tin rằng, số tàn binh còn lại hoàn toàn có thể cáng đáng công việc.
Tại Bukit Jalil, phù thuỷ người Bồ xua quân lên đánh phủ đầu chủ nhà ngay sau tiếng còi khai cuộc, nhưng chung cuộc tuyển Việt Nam đã để thua 0-2. Không có lời bào chữa thoả đáng nào, bởi đó đơn thuần là cái giá phải trả cho sự chủ quan và triết lý bóng đá duy mỹ, vị nghệ thuật, khi sự thật là chúng ta chưa sẵn sàng.
Ai không yêu thích cái đẹp, Toshiya Miura cũng thế thôi. Ông thích và yêu cầu các cầu thủ đá ít chạm, lên bóng liên tục, để cầu trường luôn động và chực chờ nổ tung, với các bàn thắng. Nhưng, có lẽ ông Miura phải tham khảo đồng nghiệp Gaulluime Graechen của đội tuyển U19 Việt Nam và Hoàng Anh Gia Lai, rằng đá đẹp mà thua thì để làm gì?!
“Bóng đá chỉ đẹp khi chúng ta giành chiến thắng”, chưa ai quên câu phát biểu của thày “Giôm” ở Mỹ Đình, sau khi U19 Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp để thua U19 Nhật Bản. Trong tay HLV Graechen khi ấy không hề thiếu những cầu thủ biết nhảy múa với quả bóng, làm nên triết lý tấn công.
Cái đầu khá thoải mái, cùng nền tảng thể lực được cải thiện, giúp những đôi chân trở nên thanh thoát hơn và chúng ta cũng đã triển khai bóng tốt hơn. Đấy là điểm sáng của đội tuyển Việt Nam cùng với Toshiya Miura. Nhưng nên nhớ rằng, đó chỉ là một (trong những) điều kiện cần, chứ chưa đủ.
Kể từ sau năm 2008, như đã nhắc, bóng đá Việt Nam các cấp độ ĐTQG đã không còn đảm bảo được vị thế trong làng bóng đá khu vực. Và nếu tiếp tục theo đuổi một triết lý bóng đá thiếu thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể bị trả giá, thậm chí là giá đắt.
Ông Miura yêu thích một bầu không khí cạnh tranh lành mạnh, đơn giản, bởi ông không có các học trò ruột, những người mà ông hiểu đến tường tận (kiểu Việt Thắng, Minh Phương và Tài Em dưới thời Henrique Calisto năm 2008 hay Thành Lương, Văn Quyết, Sỹ Cường, Ngọc Duy…, của Phan Thanh Hùng 2012) để xây dựng một lối chơi tổng thể, xung quanh các vệ tinh ấy. Vừa làm, vừa tìm hiểu, kiểu đi rồi sẽ thành đường, thì việc đội tuyển Việt Nam tiến đến đâu, hay tới đó, cũng là chuyện bình thường. Tất nhiên, chẳng ai mong muốn điều tồi tệ cả, chỉ là chúng ta (và cả HLV Miura) chưa có một phép tính dài hơi mà thôi! |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất