17/06/2022 08:44 GMT+7 | Tin tức 24h
Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã qua 12 kỳ tăng giá. Hiện giá xăng A95 đã tăng vọt lên mốc 32.370 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu cũng vừa tăng rất cao, 2.490-2.630 đồng/lít, đẩy giá bán dầu diesel lên 29.020 đồng/lít. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử.
Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), hiện nay cơ cấu dự trữ xăng dầu đến từ 3 nguồn, gồm: sản xuất, thương mại và dự trữ quốc gia. Quy định này đã được nêu rõ tại Quyết định 1030 của Chính phủ.
Theo đó, Quyết định số 1030/QĐ-TTg, ngày 13/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 quy định, dự trữ từ sản xuất tại 2 nhà máy lọc dầu (Nghi Sơn và Dung Quất); dự trữ từ thương mại tại các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối và phân phối; và từ nguồn dự trữ quốc gia.
"Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về kỳ họp thứ 9 vừa qua, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án để nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu lên 1 tháng từ nay tới 2025, tức gấp khoảng 4 lần hiện nay. Trước mắt chưa đủ kho thì tiếp tục thuê kho của các doanh nghiệp, nhưng lộ trình tiến tới sẽ xây dựng, đầu tư kho riêng của Nhà nước" - bà Hiền thông tin.
Liên quan đến việc giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng dầu, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, vấn đề này đã được họp bàn, đề xuất, song theo ông Hải, không chỉ có thuế bảo vệ môi trường mà còn các loại thuế khác cũng có thể xem xét như thuế nhập khẩu.
Quan điểm của ông Đỗ Thắng Hải là "cái gì giảm được thì nên giảm" song cũng cần được tính toán. Bởi thuế nhập khẩu giảm nhiều cũng không phải tốt, khi cần cũng không tăng ngay được, vấn đề này có sự "đánh đổi", ông Hải nói.
Với đề xuất giảm thuế, ông Hải cho biết, hiện Bộ Tài chính đã có đề xuất, sẽ cố gắng thực hiện nhanh nhất. Ngoài ra, ông Hải cũng nhắc đến biện pháp giảm tác động giá xăng dầu bằng cách hỗ trợ an sinh, hỗ trợ người yếu thế, tăng biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động.
Liên quan đến nguồn cung xăng dầu, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết thêm, việc điều hành xăng dầu đã được thực hiện bằng công nghệ số. Theo đó, việc nắm bắt được nguồn cung, cân đối cung cầu, phục vụ người dân trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng được cập nhật nhanh nhất có thể.
Theo đó, bà Nga khẳng định luôn đảm bảo cân đối, an ninh năng lượng cho nền sản xuất và tiêu dùng người dân. Ngoài ra, bà Nga cho biết việc giảm thuế để điều tiết giá xăng dầu vừa qua đã giảm được tăng sốc trong bối cảnh giá thế giới phi mã. Đến kỳ điều hành ngày 13/6, giá xăng dầu Việt Nam vẫn tăng thấp hơn giá thế giới, bà Nga tiếp tục khẳng định.
Ngoài các giải pháp vĩ mô như hạ thuế, bà Nga cho biết, cũng có sự đóng góp lớn từ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Qua đó góp phần kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Cập nhật thông tin thêm về việc Malaysia sẽ bán 300.000 tấn xăng RON 95 cho Việt Nam, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ luôn trân trọng những nguồn thông tin để tăng nguồn cung xăng dầu cho Việt Nam.
"Chưa nói đến giá, vấn đề nguồn cung là nhiệm vụ rất lớn, Bộ Công Thương có trách nhiệm trong mọi tình huống phải phục vụ đủ nguồn cung sản xuất kinh doanh và người dân", ông Hải nhấn mạnh.
Với thị trường Malaysia, ông Hải khẳng định cũng không có gì khác biệt gì cả. Một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhập từ Malaysia tương đương các thị trường khác như Singapore.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, khi nhắc tới việc giá cao hay thấp thì cũng cần tham khảo nhiều yếu tố. Ông Hải cho biết, tại kỳ điều chỉnh hôm 13/6 vừa qua, giá Việt Nam tại thời điểm đó đứng thứ 85 trên bảng xếp hạng 170 quốc gia. Thứ hạng nay theo đánh giá của ông Hải, ở mức trung bình.
Tuy nhiên, việc đánh giá cao - thấp cũng cần sự tổng thể trong sự so sánh toàn diện với mức thu nhập bình quân, nhu cầu như thế nào, đối tượng nào…, ông Hải nói.
Đánh giá vấn đề nguồn cung là quan trọng nhất, ông Hải cho biết sẽ ưu tiên sử dụng nguồn trong nước nhưng cần có cam kết rõ ràng. "Nếu doanh nghiệp không rõ ràng thì bắt buộc phải nhập để đảm bảo nguồn cung", ông Hải nói.
KN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất