Sẽ có quy chế đề cử Di sản tư liệu thế giới

03/08/2009 13:05 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trong khi việc đề cử các di sản vật thể hay phi vật thể lên UNESCO của chúng ta đã được “luật hóa” hết sức chặt chẽ và bài bản từ nhiều năm nay, thì việc đề cử các Di sản tư liệu còn tương đối mới mẻ. Nếu không có sự vào cuộc một cách bền bỉ và quyết liệt của các chuyên gia của UBQG UNESCO Việt Nam cũng như của Cục lưu trữ Quốc gia từ năm 2005 đến nay thì có lẽ chúng ta còn chưa có mặt trên “đấu trường” này, nói gì đến giành “chiến thắng” đầu tiên với Mộc bản triều Nguyễn.


Ông Phạm Sanh Châu
Trò chuyện với TT&VH, ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ văn hóa đối ngoại và UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết:

- Đây là lần đầu tiên một di sản tư liệu của VN được tôn vinh cùng với 34 di sản tư liệu của các nước trên thế giới. Có thể nói là sau mấy năm thúc đẩy chương trình này ở Việt Nam, xin tài trợ để mở các lớp tập huấn... Hồ sơ đã được đệ trình từ tháng 1/ 2008, và sau hơn 1 năm vận động, bây giờ mới thành công.

* UNESCO đưa ra chương trình Ký ức thế giới từ năm 1992, xin ông cho biết sau khi công nhận, UNESCO có hỗ trợ việc bảo vệ, phát huy các di sản tư liệu này không?

- Trước hết đây là một sự tôn vinh. Sau khi công nhận, UNESCO cũng có quỹ để hỗ trợ. Nhưng do chương trình Ký ức thế giới còn tương đối mới mẻ (đến năm 1997 mới bắt đầu công nhận, 2 năm/lần). Trải qua 12 năm, đến nay chương trình vẫn đang trong quá trình củng cố, cho nên không thể hoàn thiện như việc công nhận di sản vật thể thế giới (đã có Công ước từ năm 1972) hay phi vật thể (Công ước năm 2003); hơn nữa đây cũng mới chỉ là “chương trình” chứ chưa phải là Công ước. Tôi được biết là UNESCO đang thảo luận, tìm nguồn tiền cho Quỹ này và cũng đang có dự định “nâng” “chương trình” này lên thành “Công ước” để bảo vệ.

* Theo ông, cần phải xây dựng bộ máy và hệ thống đề cử như thế nào để tiếp tục đẩy mạnh việc đề cử các di sản tư liệu của Việt Nam lên UNESCO?

- Hiện chúng ta có Đầu mối quốc gia về chương trình Ký ức thế giới, theo quy định của UNESCO, Đầu mối này thuộc Cục Lưu trữ Quốc gia. Chúng tôi đang trong quá trình thảo luận, để “đẩy” Đầu mối này lên thành Ủy ban chuyên môn để có thể có nhiều bộ, ngành tham gia (văn hóa, lưu trữ...), từ đó xây dựng Quy chế và quy trình đề cử, bởi sau khi chúng tôi đưa ra một số đề cử di sản tư liệu được dư luận ủng hộ thì các địa phương đều rất hào hứng trong việc tìm kiếm các đề cử, chẳng hạn có ý kiến đề xuất đề cử bộ kinh Phật vừa phát hiện ở miền Trung hay những bức thư của các chiến sĩ trước khi đánh thành Quảng Trị...

Vấn đề đặt ra là sẽ phải tuyển chọn các đề cử trong nước như thế nào? Dự kiến Quy chế sẽ đưa ra những quy định về việc này.

* Được biết là cùng với Mộc bản triều Nguyễn, vừa qua, chúng ta còn lập hồ sơ đề cử cho 2 di sản tư liệu quý giá là: Bia Tiến sĩ Văn Miếu và bản thảo Vừa đi đường vừa kể chuyện của Bác Hồ vào Chương trình Ký ức thế giới ứng dụng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Xin ông cho biết, việc đề cử đã đến đâu rồi?


Bản thảo Vừa đi đường vừa kể chuyệncủa Bác Hồ
- Hai đề cử nói trên vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, dự kiến 30/9 này mới chính thức nộp hồ sơ lên UNESCO, hy vọng sẽ được công nhận đúng vào dịp Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Trước đó đề cử Bia Tiến sĩ Văn Miếu đã được “bảo vệ thử”; đề cử bản thảo Vừa đi đường vừa kể chuyện đã được tham khảo ý kiến hành lang của các chuyên gia UNESCO và cả hai đều được đánh giá cao. Riêng đề cử Bia Tiến sĩ Văn Miếu thì ngày 6/8 tới, chúng tôi sẽ tổ chức một hội thảo, lấy ý kiến các nhà khoa học để hoàn thiện lần cuối bộ hồ sơ này.

* Sau “chiến thắng” đầu tiên, ông có hy vọng rằng mai đây danh hiệu Di sản tư liệu thế giới sẽ trở thành một “hệ giá trị” được công chúng biết đến rộng rãi tương đương với “hệ giá trị” Di sản thế giới?

- Tôi có cảm nhận thế này: So với các nước khác, chúng ta có thể không có nhiều đền đài dinh thự có quy mô hoành tráng; nhiều di sản vật thể của chúng ta có thể chỉ còn lại là các phế tích, nhưng chúng ta lại có rất nhiều các di sản tư liệu hết sức quý giá, xứng đáng được tôn vinh!

Đông Kinh (thực hiện)

HỎI ĐÁP ĐỂ HIỂU ĐÚNG VỀ MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN

1. Mộc bản triều Nguyễn là thư viện sách in, hay kho “bản thảo”?

- Đó là bản bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra các sách. Cả kho mộc bản nếu in ra sẽ được 152 đầu sách.

2. Tổng cộng có bao nhiêu tấm ván khắc? Có còn toàn vẹn không?

- Khối tài liệu này trước đây đã bị thất lạc và hư hại một phần do chiến tranh và điều kiện bảo quản. Hiện nay số lượng còn lại là 34.555 tấm đã được chỉnh lý khoa học và bảo quản trong kho chuyên dụng.


Mộc bản bộ Hoàng Việt luật lệ

3. Ngoài giá trị tư liệu độc bản, Mộc bản triều Nguyễn còn có giá trị gì?

- Ngoài giá trị về mặt sử liệu còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác. Nó đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam. Ở Việt Nam có hàng trăm loại gỗ nhưng theo các tài liệu để lại hiện nay thì có 2 loại gỗ dùng làm ván khắc Mộc bản, đó là gỗ Thị, và gỗ cây Nha đồng (Thớ gỗ mịn, sáng ngời như ngà voi).

4. Mộc bản triều Nguyễn có phải hoàn toàn làm từ thời Nguyễn?

- Không phải. Tài liệu gồm những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và các Mộc bản được chuyển từ Quốc Tử Giám ở Hà Nội vào. Khung niên đại của khối tài liệu này là từ 1697 - 1945.

5. Mộc bản bằng gỗ, vậy có bền không? Có nguy cơ bị hỏng không?

- Cho dù được bảo quản trong điều kiện tương đối tốt nhưng nguy cơ lão hóa của tài liệu là không tránh khỏi, do thời gian đã trên dưới 300 năm. Khối tài liệu này đã được in ra giấy dó.

6. Là ván khắc để in sách, sao nhà Nguyễn lại gọi là quốc bảo?

- Đây là những tài liệu gốc độc bản, trong thời kỳ phong kiến, những tài liệu này được coi là quốc bảo, chỉ những người có trách nhiệm và thẩm quyền làm việc tại Quốc sử quán mới được tiếp xúc. Mỗi bộ sách chỉ được khắc in khi có lệnh của vua.

7. Vậy mộc bản được ra đời theo quy trình như thế nào?

- Phải trải qua một quy trình chặt chẽ tốn nhiều thời gian công sức, gồm 5 bước sau: 1- Hoàng đế ban dụ cho phép biên soạn sách/ 2. Cơ quan biên soạn dâng tấu xin được nghiên cứu Châu bản để biên soạn sách. Bản thảo hoàn thành dâng lên hoàng đế ngự lãm. Bản thảo được giao trở lại cơ quan biên soạn bổ sung chỉnh sửa theo ý của hoàng đế xong/ 3. Cơ quan biên soạn lập biểu dâng sách lên hoàng đế ngự phê/ 4. Sách sau khi được ngự phê chuyển xuống giao cho cơ quan san khắc dưới sự kiểm soát của các quan theo chỉ dụ của hoàng đế/ 5. Mộc bản sau khi khắc xong các quan dâng biểu xin cho in thành sách.

Nguyễn Mỹ (Dựa theo hồ sơ đề cử Mộc bản triều Nguyễn)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link