14/11/2021 14:23 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 5 trận toàn thua, ông Park nói tuyển Việt Nam vẫn chưa bỏ mục tiêu có điểm ở trận gặp Ả rập Xê út. Nhưng mục tiêu thực tế nhất với chúng ta là gì?
Vòng loại World Cup 2022 châu Á:
* 19h00, 16/11: Việt Nam vs Ả rập Xê Út (B, VTV6)
* 19h00, 16/11: Liban vs UAE (A)
* 22h00, 16/11: Trung Quốc vs Úc (B)
* 22h00, 16/11: Iraq vs Hàn Quốc (A)
* 23h00, 16/11: Oman vs Nhật Bản (B)
* 23h00, 16/11: Syria vs Iran (A)
Chúng ta đã gặp đủ 5 đối thủ trong bảng đấu của mình và dù ít dù nhiều đã biết về lối chơi, con người, điểm mạnh yếu của họ.
Ngay từ đầu chúng ta đã xác định 10 trận vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là 10 cơ hội quý giá để Việt Nam học hỏi, tích lũy kinh nghiệm khi đá với những đội mạnh nhất Châu lục để trưởng thành hơn nữa trong tương lai.
Chúng ta đã đá xong 5 trận và chắc chắn đã rút ra không ít bài học sau 5 thất bại liên tiếp. Nhưng liệu chúng ta có thực sự “học” được gì đó từ 5 thất bại đã qua hay không còn tùy thuộc các cầu thủ thể hiện mình ra sao ở 5 trận lượt về của vòng loại thứ 3, bắt đầu từ trận tái đấu với Ả rập Xê út ở Mỹ Đình tối 16/11.
Ở trận lượt đi, chúng ta đã thấy đối thủ có đẳng cấp vượt trội ra sao. Sẽ là không phải nếu chúng ta quy kết nguyên nhân chính dẫn đến thất bại là do Duy Mạnh bị truất quyền thi đấu.
Thực tế, Ả rập Xê út quá mạnh, đều, tấn công đa dạng. Cả trận Việt Nam chỉ có đúng 3 cú sút trong đó bàn thắng của Quang Hải là nhờ hậu vệ Ả rập Xê Út mắc lỗi nặng, “kiến tạo” cho Quang Hải trong tinh thế không hề bị cầu thủ Việt Nam gây áp lực, chứ nó không xuất phát từ một pha phối hợp lên bóng sắc nét của chúng ta.
Ngoài bàn thắng được đối thủ “hỗ trợ” đó, Việt Nam không có gì khác, cầm bóng chưa nổi 30%, rất ít khi lên nổi bóng quá nửa sân, không có cơ hội hưởng phạt góc. Ả rập Xê út tạo sức ép dữ dội, tung ra tới 21 cú sút (gấp 7 lần chúng ta) và nếu Tấn Trường, Duy Mạnh không chơi xuất sắc, chúng ta chắc chắn đã thủng lưới nhiều hơn 3 bàn.
Xét tổng thể, cầu thủ Ả rập Xê út nhanh hơn chúng ta, khỏe hơn chúng ta, khéo hơn chúng ta. Họ đá biên và chơi bóng bổng tốt, chơi bóng sệt cũng tốt, đá trực diện ở trung lộ cũng tốt, xẻ nách cũng hay, sút xa sút gần đều nguy hiểm. Có nhiều cá nhân chơi kỹ thuật. Phối hợp tập thể cũng nhuần nhuyễn. Tóm lại là họ rất toàn diện và trên tầm chúng ta.
Hiệp 1 trận lượt đi do Ả rập Xê út đá chậm nên chúng ta có cảm giác tuyển Việt Nam chơi chắc chắn, hiệu quả. Đến hiệp 2 họ tăng nhịp độ tấn công lên cao và liên tục duy trì nhịp độ cao đó là chúng ta lập tức trở nên lúng túng, lộ khoảng trống do đuối thể lực nên không thể theo kịp nhịp độ phối hợp và di chuyển của họ. Việc Duy Mạnh để bóng chạm tay và bị truất quyền thi đấu chỉ là hệ quả logic của áp lực dữ dội mà Ả rập Xê út tạo ra.
Ở Mỹ Đình, Việt Nam có thể làm gì để chống lại đối thủ Tây Á hùng mạnh này khi so với trận lượt đi ông Park mất trụ cột cực quan trọng là Trọng Hoàng?
Sau 5 trận thua liên tiếp, ông Park thừa hiểu chất lượng nhân sự của chúng ta là rất “có hạn” và chính điều đó khiến các ý tưởng chiến thuật và kế hoạch của ông rất khó có thể triển khai hiệu quả như ý muốn.
Vậy chúng ta có thể làm gì trong tầm khả năng và điều kiện nhân sự của mình để cho thấy chúng ta đã “học” được từ trận thua Ả rập Xê út ở lượt đi?
Dù Việt Nam có điểm trước Ả rập Xê út cũng không ai bảo rằng Việt Nam ngang cơ Ả rập Xê út. Dù Việt Nam thua Ả rập Xê út lần nữa thì cũng không ai thấy bất ngờ.
Điều chúng ta cần và có thể làm là nỗ lực tối đa để chơi tốt hơn trận lượt đi khi Việt Nam một lần nữa có sự đồng hành của hơn 1 vạn khán giả ở Mỹ Đình. Chơi tốt hơn không hẳn đồng nghĩa với việc phải có điểm.
Chơi tốt hơn trong trường hợp này là chúng ta phòng ngự chặt chẽ hơn, làm sao để đối thủ tạo được ít cơ hội nguy hiểm hơn trận lượt đi, làm sao để chúng ta thủng lưới ít hơn (nếu sạch lưới thì chúng ta quá giỏi và cũng có thể là quá may mắn).
Chơi tốt hơn cũng có nghĩa là chúng ta phải có được nhiều pha lên bóng tốt, nhiều pha phối hợp sắc nét và ăn ý hơn, nhiều pha dứt điểm hơn, thay vì gần như chỉ biết chịu trận như lượt đi.
Chúng ta không cần bàn về chiến thuật nữa vì chắc chắn ông Park chỉ có thể chọn đá phòng ngự phản công và đương nhiên, hợp lí nhất là chơi với 2 tuyến tiền vệ và phòng ngự gần nhau và lùi sâu.
Sẽ rất ngạc nhiên nếu ông Park chọn đá tấn công hoặc đá với 2 tuyến sau dâng cao mà Việt Nam có thể tránh được thất bại ở Mỹ Đình.
HT
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất