Phủ Thành Chương được tôn vinh

03/06/2010 09:29 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tại Liên hoan điện ảnh, truyền hình thể thao và du lịch quốc tế (FICTS) lần thứ V, tổ chức từ 27 đến 30/5 tại TP Đà Nẵng, phim tài liệu (TL) Việt Phủ Thành Chương - nơi trú ngụ tâm hồn Việt của đạo diễn Nguyễn Lê Văn - Nguyễn Hoàng Lâm (Ban Khoa giáo, Đài THVN) đã giành giải Nhất. Lần đầu tiên, bộ phim làm về một công trình văn hóa, được tôn vinh trong thể loại thường khai thác các vấn đề đời sống, số phận con người.

Sự đăng quang của văn hóa Việt

Với 92 tác phẩm của 34 đơn vị sản xuất trong nước và quốc tế (Anh, Pháp, Ý, Rumani, Singapore, Lào, Campuchia...), đây là lần mà FICTS có số lượng phim dự thi lớn nhất với nhiều thể loại. Việt Phủ Thành Chương - nơi trú ngụ tâm hồn Việt (30 phút) là phim tài liệu nghệ thuật đặc sắc. Bản thân Việt Phủ Thành Chương - công trình văn hóa giá trị, tinh thần hồn cốt của nó là bảo tồn, lưu truyền cái đẹp của văn hóa, nghệ thuật, đời sống, tâm linh người Việt. Bởi thế, làm phim về Việt Phủ Thành Chương, cũng là làm một tác phẩm trên một tác phẩm lớn, mà vẻ đẹp và ý tưởng chồng lớp chất chứa.


Họa sĩ Thành Chương và Đại đức Thích Minh Hiền (ở giữa).
Hai đạo diễn của phim đều xuất thân từ quay phim. ĐD Nguyễn Lê Văn (là người duy nhất nối nghiệp cha - nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bảy) đã có 34 năm tuổi nghề, hiện là trưởng phòng quay phim Ban khoa giáo (VTV2). Còn Nguyễn Hoàng Lâm, cùng phòng, chuyên làm phim về thiên nhiên - phim “Discovery Việt Nam”.

Về thăm Phủ Thành Chương, đọc lời tựa của cuốn sách giới thiệu về Phủ do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết rất hay và xúc động, cảm xúc về phủ được nhân lên, nhà báo Vũ Minh Bảo quyết định xây dựng kịch bản phim và ĐD Nguyễn Lê Văn triển khai thực hiện nhằm để phát sóng Tết Canh Dần. Phim đã phát trên VTV2, VTV4 (với phụ đề tiếng Anh).

Phủ Thành Chương - một tác phẩm sắp đặt độc đáo, công phu trên diện tích 10.000m2, xây dựng trong 3 năm (từ tháng 10/2001) chứa đựng tâm huyết, sức lực cả đời của người họa sĩ tài ba này. Ông đã đổ bao thời gian, tiền bạc, hy sinh để có bộ sưu tập đa dạng, dồi dào, tạo dựng bằng tri thức và tình yêu hiếm có. Bởi tầm vóc đồ sộ của phủ, những người làm phim đã phân ra từng trường đoạn.

Trường đoạn về kiến trúc của các khu vực: nhà sàn, nhà bức bàn, nhà đại khoa, nhà long đình, ngôn ngữ ảnh tạo hình rất có nghề về bố cục hình ảnh nội thất, đồ cổ, tượng Phật, tranh, cách bài trí trong mỗi kiến trúc được miêu tả thật hấp dẫn, toát lên cái hồn của Phủ: Tính dân tộc của người Việt. Thông thường, các phim tài liệu TH thường ít được đầu tư về kỹ thuật, cách làm kỹ càng, tỉ mỉ. Riêng phim này, những người làm phim VTV2 đã làm theo cách của điện ảnh, dùng sức mạnh nghệ thuật thứ bảy “vẽ bằng ánh sáng”, phô diễn sự kết tụ “văn minh sông Hồng” trong công trình. Hai nhà quay phim Nguyễn Tài Văn và Chu Vui đã nỗ lực sáng tạo qua động tác máy quay phức tạp, cùng với chuyên viên ánh sáng bố quang các cảnh ánh sáng ngược, chếch ngược, tạo nên giai điệu ánh sáng đậm nhạt uyển chuyển trong những khuôn hình sinh động, có chiều sâu của không gian điện ảnh, bằng bố cục chặt chẽ, bất ngờ khi sử dụng dolly (xe trượt trên ray), grue (cần cẩu). Nhạc phim sử dụng nhạc thiền Phật giáo rất phù hợp và hiệu quả. Trong phim, đại cảnh độc đáo là Đại đức Thích Minh Hiền trụ trì Chùa Hương nhận lời mời của HS Thành Chương, đã dẫn hơn 100 tăng ni Phật tử tới thăm phủ. Đại đức hướng dẫn giới thiệu với các nhà sư trẻ về giá trị tâm linh nơi đây, coi Việt Phủ là giáo cụ trực quan quý báu. Đoàn phim đã tận dụng và phát huy sự kiện này từ đại cảnh tới từng chi tiết. Hướng về tâm linh, về giá trị tâm hồn, đang là xu thế của cả nhân loại hiện nay, ĐD Nguyễn Lê Văn đã nắm bắt và nhấn mạnh được tư tưởng ấy.

Đại đức Thích Minh Hiền tuổi Canh Tý (1961) kém HS Thành Chương (Mậu Tý) 1 giáp, tuy khác biệt hoàn cảnh, vẫn là tri âm tri kỷ của nhau. Vợ chồng HS thường lên thăm Đại đức, ăn chay, đàm đạo. Đại đức thỉnh thoảng về Phủ.

Nơi trú ngụ của tâm hồn Việt

Cuối phim, HS Thành Chương tâm sự: “Điều khiến tôi đầu tư lớn nhất, công phu nhất và cũng khó khăn nhất, là làm sao công trình này toát lên được tinh thần cốt lõi Việt”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, bạn thân của HS Thành Chương, cũng là người thấu hiểu sâu sắc giá trị tinh thần của Việt Phủ, được mời viết lời bình. ĐD Nguyễn Lê Văn rất tâm đắc với lời bình súc tích, đậm chất thơ về nơi mà mỗi người Việt đến đây, có thể tìm thấy lịch sử dân tộc, tổ tiên mình, số phận và hành trình những kiếp người qua những cổ vật, công trình cổ.

Con đường đất đổ lên dốc Phủ ngày nào, đã trải nhựa láng mịn mấy năm nay. Mỗi người Việt, người yêu văn hóa Việt khắp thế giới có thể gặp nhau trên một con đường. Như lời bình mở đầu phim mà Nguyễn Quang Thiều viết: “Có một con đường dẫn ta đến nơi trú ngụ của tâm hồn Việt, đó là con đường dẫn đến Phủ Thành Chương”.

Giải Nhất, Cup pha lê của FICTS là một ghi nhận xứng đáng. Song lớn hơn cả, giá trị của Việt Phủ Thành Chương được quảng bá qua tác phẩm nghệ thuật chuyển tải thông điệp về cái đẹp vĩnh hằng. Bộ phim đã góp phần làm tinh thần Việt tỏa sáng, khơi gợi, hội tụ người xem khắp các quốc gia đã và sẽ đến VN, đến Việt Phủ.

Và như thế, bên dốc Dây Diều, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, nơi phát tích truyền thuyết Thánh Gióng, Việt Phủ Thành Chương đã cất cánh. Đại sứ Mỹ Raymond Turghard, 5 năm trước, khi đến đây, đã viết vào sổ lưu bút: “Người ta thường nói: biến giấc mơ thành hiện thực. Nhưng với công trình này, ông là người đã biến hiện thực thành giấc mơ.”

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link