26/09/2016 05:32 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Viettel đã để thua Long An trong ngày Đoàn Thể dục Thể thao Quân đội (Thể Công) kỷ niệm 62 năm thành lập, khiến giấc mơ phục dựng Thể Công huyền thoại tan vỡ như bọt biển với những ai yêu Thể Công một thời...
Bàn thắng của Tấn Tài ghi ở phút 94 trong một tình huống phá bẫy việt vị và độc diễn cá nhân. Trong pha bóng này, Tấn Tài - một tiền vệ phòng, đã chơi như thể một nghệ sỹ. Anh dùng động tác giả đánh lừa hậu vệ Viettel trước khi dứt điểm quyết đoán mang về bàn thắng duy nhất cho Long An.
Bàn thắng của Tấn Tài là biểu hiện cho sự vượt trội về kinh nghiệm của Long An trước đối thủ.
Ngoài Tấn Tài, đội hình Long An còn hai tuyển thủ quốc gia khác là Tài Em và Quang Thanh. Cả hai đều là những huyền thoại sống, nhân chứng trong chức vô địch AFF Cup 2008 của tuyển Việt Nam. Phần còn lại của đội hình Long An không phải các tuyển thủ nhưng đều đã thi đấu V-League nhiều năm, kinh nghiệm và dày dạn.
2. Ở chiều ngược lại, Viettel được xây dựng trên nền tảng của lứa 1 lò đào tạo Viettel. Hầu hết sinh năm 1995. Ngoại trừ tuyển thủ quốc gia Bùi Tiến Dũng, phần còn lại của đội bóng chưa từng có kinh nghiệm V-League. Phần lớn đều mới khoác áo U16 hoặc U19 Việt Nam. Chính HLV Hải Biên từng thừa nhận với Thể thao & Văn hóa: “Nếu đáp ứng được ở môi trường V-League ngay cho mùa giải sau (2017-PV) thì chỉ khoảng hơn chục em thôi. Các em còn quá trẻ, chưa có nhiều thời gian cọ xát thi đấu. Năm nay mới là năm đầu tiên các em đá ở hạng Nhất nên đó cũng là điều dễ hiểu”.
Sự khác biệt về kinh nghiệm ấy khiến Viettel không tận dụng được sức mạnh của mình. Thực tế trận đấu cho thấy Viettel đã có nhiều thời điểm lấn lướt và tạo được cơ hội. Nhưng sự kém sắc sảo và thiếu thực dụng đã làm hại họ.Buồn bã, thất vọng, hụt hẫng, tuy nhiên trong bóng đá không nên đốt cháy giai đoạn. Bản thân kế hoạch ban đầu của Viettel là đưa đội bóng lên hạng đấu cao nhất vào năm 2018. Họ chỉ thay đổi nếu cơ hội bất ngờ xuất hiện trong mùa 2017. Bởi vậy, thất bại ở trận play-off vừa qua xét cho cùng là nằm trong kế hoạch.
3. Tóm lại, Viettel của hiện tại là một đội bóng tốt được xây dựng trên nền tảng một lò đào tạo mạnh. Nhưng họ vẫn còn thiếu rất nhiều trên con đường tái hiện hình ảnh Thể Công. Lên chuyên đâu đơn giản, cần có những tiêu chuẩn lẫn sự chuẩn bị chu đáo. Một đội chơi V-League cũng sẽ tạo ra nhiều vấn đề về tài chính và cơ sở vật chất hơn. Lên V-League đồng nghĩa với việc đội bóng sẽ phải đầu tư thêm hàng chục tỷ đồng, phải thuê ngoại binh, phải phá vỡ cấu trúc đội bóng “cây nhà lá vườn” hiện tại.
Sân thi đấu cũng là một vấn đề lớn với Viettel. Sân tập ở trung tâm Viettel có chất lượng mặt cỏ rất tốt nhưng không có khán đài, lại ở quá xa trung tâm. Giải pháp dùng chung sân Hàng Đẫy cũng chứa nhiều bất cập khi họ phải chia sẻ sân với Hà Nội T&T - đội bóng sẽ thi đấu trên 3 mặt trận ở mùa giải tới. Trong khi đó, sân Cột Cờ giờ chỉ còn là ký ức xa xôi.
Đành phải chờ thôi!
Hãy hun đúc phẩm chất Thể Công Thể Công là đội bóng quân đội tập hợp của những quân nhân đá bóng, những người mang quân hàm, những người lính thực sự. Các cầu thủ Viettel ngày nay cũng có chất lính. Nhưng họ giống các cầu thủ trẻ ăn tập hơn, chất lính của cầu thủ Viettel cần phải được hun đúc thêm từ truyền thống lẫy lừng của Thể Công. Chúng ta hẳn chưa thể quên dư luận và báo chí đã tò mò như thế nào khi cầu thủ Viettel bước vào đợt tập quân sự kéo dài 1 tháng hồi năm ngoái. Năm xưa, cuộc sống trong trại lính ấy là điều thường nhật với những Hồng Sơn, Phương Nam, Thế Anh... Để tái hiện hình ảnh Thể Công cả về sức mạnh và khí chất, Viettel sẽ còn phải đi một quãng đường rất dài. Trên băng ghế huấn luyện, Viettel vẫn còn đó những Hải Biên, Phương Nam, Đinh Thế Nam..., vẫn cần thêm nhiều “người Thể Công” tham gia giúp sức Viettel hơn nữa. |
Bạch Dương
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất