Vĩnh biệt nhà thơ Trịnh Công Lộc: "Tựa lưng mền đất cỏ, mơ tít tắp lên trời"

19/02/2025 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Đang ở Nam Định dự lễ khởi công đúc tượng đài đại thi hào Nguyễn Du, tôi nhận hung tin từ nhà thơ Nguyễn Thị Mai: "Thầy giáo Trịnh Công Lộc của Bích Hồng vừa mất chiều nay...". Vẫn biết sinh lão bệnh tử là quy luật và vẫn biết thầy mắc bệnh đã mấy năm nay, từng về quê hương Thái Bình dưỡng bệnh... nhưng nghe tin này tôi vẫn thực sự choáng váng…

Trước đó, tôi gọi điện hỏi thăm thầy. Nghe tiếng học trò, giọng thầy tuy yếu, nhưng âm sắc vẫn ánh lên niềm vui, ấm áp, lạc quan. Thầy gửi những bài viết cho tôi và tuyệt nhiên không nhắc gì đến bệnh tật.

"Lại về với cỏ thôi"...

Có lẽ thời gian dưỡng bệnh ở Thái Bình, nhà thơ đã cảm nhận được "mệnh": "Bệnh có thể qua đi/ Nhưng làm sao qua mệnh/ Mệnh có hỏi câu gì/ Cũng sẽ về với cỏ". Thầy đón nhận cái vô thường một cách an nhiên "Còn mình khi mệnh đến/ Lại về với cỏ thôi/ Tựa lưng mền đất cỏ/ Mơ tít tắp lên trời"...

Vĩnh biệt nhà thơ Trịnh Công Lộc: "Tựa lưng mền đất cỏ, mơ tít tắp lên trời" - Ảnh 1.

Nhà thơ Trịnh Công Lộc (1952 - 2025)

Bao kỷ niệm về thầy Trịnh Công Lộc ùa ập về... Tôi gặp thầy năm 1978, khi thầy cùng các giáo viên dạy văn giỏi của tỉnh như thầy Trần Tăng Bí, thầy Nguyễn Đình Sô, thầy Nguyễn Hữu Tuân... ôn luyện cho đội tuyển văn tỉnh Quảng Ninh thi học sinh giỏi văn toàn quốc. Thầy giáo trẻ Trường Sư phạm 10+3 ngày ấy (nay là Trường Đại học Hạ Long) đã truyền lửa cho đội tuyển chúng tôi bầu nhiệt huyết, lòng đam mê, tình yêu với văn chương. Ngoài giờ học, thầy kể về câu lạc bộ thơ của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội được thành lập từ sáng kiến của thầy.

Thầy đọc cho chúng tôi những bài thơ do thầy sáng tác được đăng trên báo Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ quân đội... Tôi lặng lẽ mơ tưởng về nơi ấy... Và khi đã trở thành sinh viên Khoa Ngữ văn, mơ tưởng đã thành hiện thực, trên giảng đường nghe giảng bài thơ Không đề của Nguyễn Bính "Hôm qua dưới bến xuôi đò/ Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau/ Anh đi đấy, anh về đâu?/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm..." tôi bỗng nhớ thầy Trịnh Công Lộc từ khẩu khí, âm sắc cho đến tiết tấu, nhịp điệu khi đọc bài thơ này. Có lẽ "cánh buồm" ấy đã ám ảnh thầy nhiều lắm, để năm 1973, thầy trình làng bài thơ Cánh buồm nâu.

Vĩnh biệt nhà thơ Trịnh Công Lộc: "Tựa lưng mền đất cỏ, mơ tít tắp lên trời" - Ảnh 2.

Bút tích bài thơ “Lại về với cỏ” của Trịnh Công Lộc

Nhà thơ Trịnh Công Lộc sinh ngày 5/6/1952 tại xã Hoa Lư, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Năm 1974, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, thầy về Quảng Ninh công tác và từ đó gắn bó toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp với vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Từ giáo viên Trường Sư phạm Quảng Ninh (1974 - 1983), uy tín chuyên môn đã đưa thầy đến đảm nhận các chức vụ: Phó Hiệu trưởng Trường cấp 3 Đông Triều (1983 - 1990); Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Đông Triều, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Quảng Ninh, Trưởng Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh (1990 - 2008)…

Năm 2008, từ Hạ Long, thầy về Hà Nội làm việc tại tạp chí Văn học nghệ thuật (Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương) cho đến khi nghỉ hưu. Năm 2012, nhà thơ Trịnh Công Lộc trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Vĩnh biệt nhà thơ Trịnh Công Lộc: "Tựa lưng mền đất cỏ, mơ tít tắp lên trời" - Ảnh 3.

Bìa tập thơ cuối cùng của nhà thơ Trịnh Công Lộc

Vời vợi tình yêu với núi non, biển đảo

Ra đi từ quê lúa Thái Bình, cuộc đời đã lập trình cho nhà thơ gắn bó với vùng mỏ Quảng Ninh, nơi có thô tháp của than, vị mặn mòi của biển, thiên hình vạn trạng đá, tít tắp từng cơn sóng lô xô... Không lạ khi hình tượng biển đảo, núi sông luôn là cảm hứng thường trực tuôn tràn trong thơ thầy, với nhiều bài thơ như Từ biển mà đi, Lời của sóng, Rừng đảo, Mộ gió, Đỉnh núi, Vành tang núi, Thác gọi, Đài hương, Sông Lô từ ngàn dặm

Mỗi bài thơ là cảm xúc chân thành của tác giả đau đáu, thao thiết, vật vã, thao thức trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Từ trải nghiệm chân thực, nhà thơ chắt lọc xây dựng nên những hình ảnh giàu tính biểu tượng lớn lao, cao cả, kỳ vĩ về đất nước, con người mang tầm khái quát cao, nhưng lại rất gần gũi, thân thuộc, dung dị.

Vĩnh biệt nhà thơ Trịnh Công Lộc: "Tựa lưng mền đất cỏ, mơ tít tắp lên trời" - Ảnh 4.

Các tập thơ đã xuất bản

Nhà thơ định nghĩa về đất bao hàm một khái niệm rất rộng: "Đất là núi/ là sông/ là biển/ Núi ngất cao, sông biển rộng dài".  Đất là biển khi "Đêm xuống, biển thức dậy/ Giữa muôn trùng sao sa/ Sóng lên như thắp lửa/ Mang hơi ấm về nhà" (Biển đêm).

Bài thơ Từ biển mà đi có tầm khái quát, ẩn chứa những thông điệp sâu sắc của một quốc gia biển, Tổ quốc nhìn từ biển: "Biển là đất - Đất liền với biển/ Đất giàu lên - Biển cũng giàu lên/ Đất đã mạnh - Biển trời thêm mạnh".

Lời thơ khẳng định hùng hồn: "Ông cha mình đã từ biển mà đi/ Vẫn rành rọt sáng soi từng hải lý/ Những luồng lạch nông, sâu thuộc lòng như chữ nghĩa/ Bao lớp người đi giữ đảo, không về…/ Biển lặng giấu những nỗi niềm xa thẳm/ Ru lời ru vô tận dưới lòng sâu". Là núi, là đá thiên hình vạn trạng: "Núi tiếp núi chập trùng vi vút/ Vời vợi xa, sương gió về đâuDốc thẳng đứng, yên cương lưng ngựa/ Cuồn cuộn bay vun vút ngàn sâu" (Đỉnh núi); "Tựa vào đá, sống cùng với đá/ Vạn chài ơi, đã vạn năm rồi/ Đá vẫn đứng, không trời nào lay nổi/ Vẫn đi cùng ngư lính, đường khơi" (Đá và nước). 

Vĩnh biệt nhà thơ Trịnh Công Lộc: "Tựa lưng mền đất cỏ, mơ tít tắp lên trời" - Ảnh 5.

Thầy Trịnh Công Lộc và hai học trò cũ của Trường cấp 3 Hòn Gai (Hạ Long, Quảng Ninh) trong Ngày Thơ Việt Nam

Đảo được so sánh như trái tim của biển: "Những trái tim nhịp đập trùng khơi" (Lời của sóng). Mỗi vật hiện hữu giữa biển đảo đều thấm đẫm linh hồn con người: "Sao là mắt của biển/ Đảo là mắt trùng khơi/ Đăm đăm xa vời vợi/ Bao nỗi niềm biển ơi!" (Biển đêm); "Khi bão tố, đảo thành mắt biển/ Hướng tầm xa lớp lớp đại dương/ Mắt biển ấy, khi gió yên biển lặng/ Bao nỗi niềm chất chứa yêu thương" (Mở cõi Biển Đông); "Đảo mãi thế lênh đênh với bể/ Phong phanh hằn hốc vai gầy/ Khi lỡ bước tay bám vào sườn đá/ Như bám vào vai sóng mà lên..."; "Khi sóng trào biển hát/ Người làm cây cho đá ngọt ngào…" (Đảo vắng)...

Thơ thầy vời vợi một tình yêu biển đảo "Người yêu đảo, mặn mòi với đảo/ Đảo yêu người hạt muối cắn đôi/ Máu thấm đất hồng tươi mặt đất/ Máu biển loang sóng đỏ chân trời" (Rừng đảo); "Biển vẫn đây, sóng đổ về đâu/ Mây vẫn mây, gió thổi trên đầu/ Đảo vẫn khát, càng mưa càng khát/ Bao giờ nguôi với biển Hoàng Sa" (Khát với Hoàng Sa); "Trường Sa đấy, bốn bề dông bão/ Đón người ra với đảo, gửi niềm tin/ Song Tử - như trụ trời - bất tử/ Gọi ngàn xa, tung cánh bay về" (Ngàn xa)...

Trong cảm thức của nhà thơ, mỗi sự vật của thiên nhiên, đất trời đều mang trong đó sứ mệnh, trọng trách, nhiệm vụ với lịch sử, dân tộc: "Mỗi tấc đất, đã bao nhiêu máuThắm lên từng vách núi, ngọn câyMỗi đỉnh núi/ một bàn thờ Tổ quốcNgát linh hương nghi ngút trời mây" (Đỉnh núi).

Vĩnh biệt nhà thơ Trịnh Công Lộc: "Tựa lưng mền đất cỏ, mơ tít tắp lên trời" - Ảnh 6.

Nhà thơ Trịnh Công Lộc (thứ ba, từ phải sang) nhận giải thưởng văn học

Trong đó, bài thơ Mộ gió hiện lên một hình tượng mang tính sử thi đầy ám ảnh: "Mộ gió đây, đất thành xương cốt/ Cứ gọi lên là rõ hình hài/ Mộ gió đây, cát vun thành da thịt/ Mịn màng đi dìu dặt bên trời/ Mộ gió đây, những phút giây biển lặng".

Bài thơ đã được nhạc sĩ Vũ Thiết phổ nhạc thành Khúc tráng ca biển. Cộng hưởng thơ nhạc làm nên ca khúc đậm chất sử thi: "Mộ gió đây cứ từng hàng từng lớp/ Vẫn hùng binh giữa biển đảo xa khơi/ Là mộ gió cứ thổi hoài thổi mãi/ Thổi bùng lên những ngọn sóng ngang trời...", "Chạm vào gió như chạm vào da thịt/ Chạm vào nhói buốt Hoàng Sa".

Thơ và giải thưởng

Trịnh Công Lộc đã xuất bản các tập thơ Cánh buồm nâu, Mộ gió, Từ biển mà đi, Mặt trời đêm, Tìm núi… Ông có duyên với giải thưởng về biển đảo và vùng than: Bài thơ Mộ gió đoạt giải Nhì về thơ và giải Nhì ca khúc cuộc thi Đây biển Việt Nam do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và báo VietNamNet phối hợp tổ chức năm 2012; Giải Ba về ngành than - khoáng sản Việt Nam, do Hội Nhà văn Việt Nam và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam phối hợp tổ chức năm 2012.

Nói về Mộ gió, nhà thơ Trịnh Công Lộc từng chia sẻ: "tôi chỉ là người có công xới xáo lại thôi". Xới xáo một hình tượng chân thực, nhà thơ đã giải thích khái niệm "mộ gió": "Thực tế, mộ gió có cả một nghìn năm trước, chỉ những ngôi mộ tượng trưng được hình thành sau những nghi lễ chiêu hồn dành cho những chiến binh đi bảo vệ chủ quyền biển, đảo không trở về… Tôi đã tìm được những tư liệu và hình ảnh về mộ gió từ lịch sử. Cảm hứng từ lịch sử và những chuyển đi biển đảo, nhất là những lần ngủ trên sóng cận kề biên giới Tổ quốc trên biển, đã tạo thi hứng và chất liệu để tôi hoàn thành Mộ gió".

Ngay sau khi ra đời, bài thơ có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống. Nhà thơ Hữu Thỉnh khi đó là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhận xét sâu sắc: "Mộ gió thực sự là một bài thơ có tầm, hướng về giá trị lớn. Đó chính là sức mạnh toàn dân tộc. Mới mẻ về nhận thức, sâu sắc về tư tưởng, nó xóa đi mọi sự nghi kỵ, hẹp hòi, chỉ còn lại là mối đồng cảm lớn lao: Bảo vệ Tổ quốc bằng tổng lực sức mạnh của dân tộc...".

Nhà thơ Trịnh Công Lộc qua đời lúc 15h15 ngày 15/2/2025, hưởng thọ 74 tuổi. Lễ viếng vào hồi 12h ngày 19/2/2025 tại Nhà tang lễ thành phố Hà Nội (số 125 Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm); Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 13h cùng ngày; lễ hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn vũ (Văn Điển, Hà Nội).

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link