Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khoa Đăng: Khép lại mây chiều bảng lảng

26/09/2022 07:42 GMT+7 | Văn hoá

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng trút hơi thở cuối cùng lúc 5h00 ngày 25/9 tại tư gia ở TP.HCM. Cuộc đời 82 năm của một người cầm bút chất phác và nhẫn nại đã để lại không ít ngậm ngùi thương nhớ cho đồng nghiệp và bạn đọc.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Khoa Đăng mải mê lao động nhà văn

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Khoa Đăng mải mê lao động nhà văn

Trong 3 cuốn giáo khoa "Tiếng Việt 2" được dùng cho năm học 2021 - 2022 mà Bộ GD&ĐT đã phê duyệt, thì "Tiếng Việt 2" - bộ "Cánh diều" và "Tiếng Việt 2" bộ "Chân trời sáng tạo" cùng chọn bài "Mùa lúa chín" của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng.

Nguyễn Khoa Đăng đã xuất bản gần 30 đầu sách, gồm truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, thơ… Ông đã viết vài ngàn bài báo; giữ mục cố định về chủ đề tâm tình, trao đổi… trên báo Kiến thức gia đình từ năm 2005, với các bút danh Thương Việt, Thạch Thảo… Ngoài ra, ông có các bút danh khác như Phạm Hoàng Xá, Vương Thân...

Từ toán chuyển sang văn

Nguyễn Khoa Đăng, tên thật Nguyễn Đăng Khoa, sinh năm 1940, lớn lên ở xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông bắt đầu dự phần vào xã hội bằng nghề dạy học tại quê nhà. Từ năm 1961 đến năm 1971, dù là giáo viên môn toán, nhưng ông lại đam mê sáng tác văn chương.

Ngoài truyện ngắn Em học trò và người cha ấy đoạt giải thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông còn có bài thơ Mùa lúa chín (1966) được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng Em đi giữa biển vàng. Ca khúc này được bầu chọn là 1 trong 50 ca khúc dành cho thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng (1940-2022)

Năm 1971, Nguyễn Khoa Đăng được biên chế sang Hội Văn nghệ Thái Bình. Ý thức theo nghề viết lách chuyên nghiệp được ông đánh dấu bằng việc lấy bút danh Nguyễn Khoa Đăng, thay cho tên thật Nguyễn Đăng Khoa, với lý do: “Lúc ấy nổi lên hiện tượng thần đồng Trần Đăng Khoa rất lừng lẫy. Mình không muốn có bất kỳ sự nhầm lẫn hoặc sự ngộ nhận nào”.

Thái độ tự trọng của Nguyễn Khoa Đăng sau này được nhà thơ Trần Đăng Khoa đồng cảm bằng sự tếu táo: “Lẽ ra không cần đổi ngược Đăng Khoa thành Khoa Đăng. Em và bác đều là Khoa. Bác là Chính Khoa, còn em là Phụ Khoa”.

Non sông thống nhất, Nguyễn Khoa Đăng chuyển vào công tác ở Hội Văn nghệ Kiên Giang từ năm 1977. Mảnh đất phương Nam với nhịp sống mới đã khơi nguồn cảm hứng để nhà văn có một loạt tác phẩm mới, như các tập truyện ngắn Khói đốt đồng (1981), Nước xanh biêng biếc (1986), Tình yêu một thuở (1989), các tiểu thuyết Ngõ tre rì rào (1990), Số phận nghiệt ngã (1991)...

Giai đoạn đổi mới, Nguyễn Khoa Đăng dù ở Kiên Giang vẫn được nhiều đạo diễn ở TP.HCM đặt hàng viết kịch bản phim, tiêu biểu như các phim truyện Giai điệu xanh, Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc, phim tài liệu Tao đàn Chiêu Anh Các...

Chú thích ảnh
Tập thơ thiếu nhi “Đội nón cho cây” của Nguyễn Khoa Đăng

Và thành “thầy cãi” cho người nghèo

Tuy nhiên, tác phẩm mà Nguyễn Khoa Đăng bỏ công chăm chút thời lập nghiệp ở Kiên Giang là cuốn sách Cài hoa vào quá khứ. Đó là những câu chuyện sư phạm mà ông chắt chiu suốt một thập niên đứng trên bục giảng. Cho nên, khi đến chào ra mắt nhà thơ Chế Lan Viên vào năm 1984, Nguyễn Khoa Đăng đã đưa bản thảo này để tiền bối góp ý. Bằng con mắt của một bậc thầy lão luyện, Chế Lan Viên đã viết thư hồi âm cho Nguyễn Khoa Đăng như sau: “Cuốn sách này hội tụ phẩm chất nhà văn - nhà giáo của anh, chắc chắn sẽ không chỉ được in một lần. Tôi và nhà văn Vũ Hạnh sẽ ký tên giới thiệu anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam”.

Quả đúng như Chế Lan Viên tiên liệu lúc còn tại thế, cuốn sách Cài hoa vào quá khứ sau khi được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành lần đầu tiên vào năm 1993, đã trở thành tác phẩm được tái bản nhiều lần nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Khoa Đăng.

Chú thích ảnh
Nguyễn Khoa Đăng làm “thầy cãi” tại Kiên Giang năm 1990

Ở Kiên Giang, Nguyễn Khoa Đăng còn được biết đến với tư cách “thầy cãi”. Vì chưa có luật sư, nên tỉnh Kiên Giang thành lập Đoàn bào chữa viên để hỗ trợ pháp lý cho người dân. Nguyễn Khoa Đăng là một trong 20 thành viên của Đoàn bào chữa viên tỉnh Kiên Giang, cũng là người tham gia bào chữa tích cực nhất. Từ năm 1989 đến năm 1992, ông đã có 216 lần ra tòa để làm “thầy cãi”. Bàn chân của ông đã lặn lội khắp vùng sâu vùng xa miệt thứ An Biên, U Minh Thượng, Gò Quao, Giồng Riềng... để bào chữa cho những người nông dân thua thiệt và thấp cổ bé họng.

Khi bước sang tuổi 52, Nguyễn Khoa Đăng xin nghỉ hưu sớm và lên TP.HCM định cư. Ngoài viết bài cộng tác cho các báo, công việc được ông tâm đắc là tư vấn pháp lý ở Văn phòng luật sư Người nghèo. Trải nghiệm làm thầy cãi được Nguyễn Khoa Đăng tích tụ thành tập bút ký Khóc cười trước vành móng ngựa và tiểu thuyết Bị cáo ở hồ uyên ương.

Nguyễn Khoa Đăng viết được nhiều thể loại khác nhau. Với độc giả thiếu nhi, ông có tập thơ Đội nón cho cây và truyện dài Chim mặt người. Với độc giả bình dân, ông có hai tập truyện trắc nghiệm tâm lý là Trăm nỗi éo leCảnh ngứa mắt chốn đông người...

Đặc biệt, cố hương Thái Bình mà ông từng có những lời thơ trong trẻo ở Mùa lúa chín lại có những mệnh kiếp trầm luân theo lịch sử luôn ám ảnh ông khôn nguôi. Ông đã dành 10 năm để nghiền ngẫm và viết hai cuốn tiểu thuyết về đề tài cải cách ruộng đất là Nước mắt một thời (xuất bản năm 2009) và Hoàng hôn lạnh (xuất bản năm 2011).

Chú thích ảnh
Tiểu thuyết “Mây chiều bảng lảng” của Nguyễn Khoa Đăng

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng hiền lành và cần cù. Ông không bon chen danh lợi, nhưng sẵn sàng vứt bỏ sự rụt rè thường ngày để lao vào một công việc mà ông cảm thấy có ích cho người khác, đặc biệt là giúp nông dân và người nghèo.

Những năm cuối đời, Nguyễn Khoa Đăng có tiểu thuyết Mây chiều bảng lảng, phản ánh những xao xác tuổi già trước những buồn vui duyên nợ. Có lẽ tác phẩm công bố cuối cùng của ông là tập truyện Hành trình tìm xác con chim cuốc (11/2013). Bây giờ, “hành trình tìm xác” tạm dừng lại, “mây chiều” không còn “bảng lảng” nữa, Nguyễn Khoa Đăng bay vào cõi khác, lặng lẽ và thong dong.

Điều thú vị của việc cầm bút

“Tôi là một người mơ mộng, nhưng tôi không quá hứng thú với những trang viết chỉ trông cậy vào sự thêu dệt hoa mỹ của óc tưởng tượng. Thực tế cuộc sống đa dạng và phong phú vẫn cần các nhà văn khám phá và mổ xẻ, với tất cả tài năng và tấm lòng. Tôi luôn tin rằng, hãy giẫm nát mảnh đất dưới chân mình thì sẽ thấy đề tài ở đó. Đời tôi đã sống qua nhiều nơi, gặp được nhiều người, và những trải nghiêm ấy tự nhiên trở thành chi tiết của tôi, trở thành nhân vật của tôi mà không phải miễn cưỡng sắp đặt. Nghề văn không mang lại cho tôi nhiều giá trị vật chất, nhưng bồi đắp cho tôi không ít giá trị tinh thần để đối mặt với mọi nhiễu nhương và phản trắc. Không có điều gì thú vị bằng việc cầm bút với tư cách một con người lương thiện” - sinh thời, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng chia sẻ như vậy.

Lê Thiếu Nhơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link