15/03/2018 07:42 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tài năng và cuộc chiến chống chọi với căn bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) của nhà vật lý lý thuyết người Anh Stephen Hawking không chỉ được biết đến trong giới khoa học mà còn mở rộng tới đông đảo công chúng thế giới. Sau 55 năm vừa nghiên cứu khoa học, vừa chiến đấu với căn bệnh này Hawking đã ra đi vào hôm qua 14/4, ở tuổi 76.
1. "Giải Oscar này thuộc về tất cả những người đang phải chiến đấu với căn bệnh xơ cứng teo cơ trên khắp thế giới và thuộc về một gia đình đặc biệt” – nam tài tử Anh Eddie Redmayne đã nói khi lên nhận giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất với chân dung nhà khoa học Stephen Hawking trong phim Thuyết yêu thương (The Theory of Everything – 2014).
Gia đình đặc biệt đó là Hawking. Để đoạt được giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Redmayne đã vượt qua Benedict Cumberbatch, người vao vai nhà mật mã học Anh Alan Turing trong phim The Imitation Game.
Nhưng, cần phải nhắc lại, chính Cumberbatch từng hóa thân thành nhà vật lý Hawking trong Hawking (2004), phim truyền hình của BBC do Peter Moffat đạo diễn.
Trong phim Hawking, đạo diễn Moffat kể về cuộc đời của nhà vật lý lý thuyết này khi là một sinh viên thông minh, có kỷ luật, có những nghiên cứu ban đầu về lý thuyết trạng thái dừng (trong vũ trụ học) tại trường Đại học Cambridge - cũng như những gì đến với ông sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ.
Cumberbatch đã hai lần gặp Hawking ngoài đời nhưng không giữ liên lạc. Anh từng chia sẻ với tờ Guardian: “Tôi rất muốn giữ liên lạc với Hawking qua thư điện tử nhưng sau đó tôi nghĩ những cuộc đối thoại với ông sẽ là cái gì? Tôi là một diễn viên, còn Hawking là một nhà vật lý".
Số đông công chúng đã biết thêm về cuộc đời của Hawking thông qua các phiên bản phim điện ảnh. Song những mô tả về nhà khoa học trong những chương trình giải trí khác cũng gây ấn tượng mạnh.
Nhắc đến Big Bang (Lý thuyết Vụ Nổ lớn), nhiều người nghĩ ngay rằng đây không phải mô hình vũ trụ học mà Hawking đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để mang lại sự hiểu biết cho công chúng mà đó là chương trình sitcom The Big Bang Theory của Chuck Lorre.
Song đây không phải là lần đầu tiên nhà khoa học xuất hiện trong một chương trình hài dài kỳ của Mỹ. Chương trình hài kịch The Simpsons ra mắt chỉ một năm sau khi tung ra cuốn sách ăn khách A Brief History of Time (Lược sử thời gian - 1988), nhưng phải đến năm 1999 Hawking mới xuất hiện trong tập They Saved Lisa’s Brain.
Sự xuất hiện của Hawking trong loạt chương trình hài kịch đã khiến nhà vật lý ngày càng được sùng bái. Thậm chí hình ảnh của ông trong phim còn được đúc thành tượng và ông giữ một bản sao trong phòng làm việc của mình.
Tuy nhiên, Hawking không quá để ý tới danh tiếng có được trong chương trình The Simpsons. Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Guardian hồi năm 2005, Hawking nói: "Xuất hiện trong chương trình The Simpsons thật thú vị, song tôi không quá coi trọng. Tôi nghĩ The Simpsons đã xử lý về cảnh ốm yếu tàn tật của tôi một cách có trách nhiệm”.
Sau tập They Saved Lisa’s Brain, Hawking đã xuất hiện thêm 3 lần nữa trong chương trình hài kịch mà ông mô tả là "hay nhất trên truyền hình Mỹ".
Hawking còn xuất hiện nhiều lần trong phim hoạt hình ăn khách Futurama của Matt Groening. Và nhiều người còn thấy ông trong hình ảnh 3 chiều trong tập phim Star Trek: The Next Generation (1993), trong đó ông chơi poker cùng các nhà vật lý vĩ đại Einstein và Newton. Trong ván bài đó, Einstein cảnh báo Hawking: “Nguyên tắc không chắc chắn sẽ không thể giúp anh bây giờ, Stephen".
2. Song những gì kể trên mới chỉ là những chương trình hài kịch và phim tiểu sử kể về Hawking. Công trình nghiên cứu và cả cuộc đời vô cùng đặc biệt của ông còn được nhà làm phim dàn dựng thành phim tài liệu, mang tựa đề A Brief History of Time (1991), dựa theo những gì các nhà khoa học giải thích về các khái niệm được đề cập trong cuốn sách A Brief History of Time và cuộc đời của Hawking. Nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng Roger Ebert nhìn nhận bộ phim tài liệu này là một "sự quở trách" hàng triệu người đọc cuốn A Brief History of Time không "tới nơi tới chốn".
Không chỉ xuất hiện trong phim, chương trình hài, Hawking còn hiện diện trong các chiến dịch quảng cáo, như của hãng bảo hiểm Go Compare hồi năm 2013. Những câu nói ấn tượng của Hawking trong quảng cáo cho Tập đoàn viễn thông BT đã tác động mạnh tới David Gilmour đến mức ông đã đưa những câu nói ấy vào nhạc phẩm Keep Talking nằm trong album Division Bell của Pink Floyd.
Tuy nhiên, Hawking không chọn Pink Floyd cho chương trình phát thanh Desert Island Discs khi ông được chọn là khách mời (khách mời được đề nghị chọn ra 8 bản thu âm yêu thích) hồi năm 1992. Thay vào đó ông chọn nhạc phẩm Valkyrie của Wagner, Please Please Me của Beatles, các tác phẩm của Brahms, Beethoven, Mozart và Non, Je Ne Regrette Rien của "chim sẻ nhỏ" nước Pháp Edith Piaf.
Sở thích nhạc cổ điển của Hawking được phản ánh rõ hết trong tác phẩm Hawking của nhà soạn nhạc Đức Rolf Riehm, được công diễn ở Los Angeles hồi năm 2011. Riehm đã lấy cảm hứng sáng tác tác phẩm này từ một bức ảnh chụp Hawking ngồi dưới một bầu trời đầy sao.
Không còn nghi ngờ gì nữa, nghị lực sống phi thường vượt lên bệnh tật và tài năng của Hawking đã tạo nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nghệ sĩ. Đối với các nghệ sĩ, nguồn cảm hứng ấy, cũng giống như một Hố Đen, không bao giờ thu hẹp lại.
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất