09/06/2020 06:43 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Vậy là sau 6 năm chống chọi với căn bệnh ung thư bàng quang, nhạc sĩ Trần Quang Lộc - tác giả của các ca khúc quen thuộc: Về đây nghe em (thơ A Khuê), Có phải em mùa Thu Hà Nội (thơ Tô Như Châu) - đã từ giã cõi trần vào lúc 17h40 ngày 7/6/2020 để theo mây bay vào vùng miên viễn...
Hơn nửa tháng trước, ngày 20/5, khi nghe tin bệnh tình của nhạc sĩ Trần Quang Lộc trở nặng, tôi và một người bạn đã đến tư gia của ông (số 179 Trương Hán Siêu, phường Long Toàn, TP Bà Rịa) để thăm ông và chia sẻ với gia đình vì quỹ thời gian còn lại chỉ còn đếm từng ngày... Vốn đã từng quen biết nhau, dù giờ đây không ngồi dậy được, không nói được và chỉ nhìn được bằng một con mắt, ông vẫn nhận ra chúng tôi và chắp tay “xá” chúng tôi - cả lúc mới đến cũng như lúc từ giã, một cách rất khiêm nhu. Điều này rất khác với một Trần Quang Lộc “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” của ngày xưa, khiến chúng tôi thật chạnh lòng...
Trần Quang Lộc sinh năm 1949 tại Gio Linh, Quảng Trị (không phải sinh năm 1945 như một số thông tin, điều này được chính vợ của ông xác nhận). Ông tốt nghiệp Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế vào đầu thập niên 1970. Đó cũng là giai đoạn ông tập tành sáng tác những ca khúc đầu tay với sự ra mắt tuyển tập Hát trong dòng sông xưa (xuất bản năm 1970). Có một điều lạ là những ca khúc đầu tay ấy (đa số là phổ thơ của bạn bè), điển hình là 2 ca khúc Về đây nghe em và Có phải em mùa Thu Hà Nội lại tạo được những hiệu ứng tích cực và được công chúng cũng như giới nhạc sĩ coi như một hiện tượng âm nhạc.
Và điều lạ thứ 2: Trong khi các nhạc sĩ cùng thời đang rất thích sáng tác với các điệu nhạc đang thịnh hành như bolero, rhumba, habanera, tango... thì chàng trai Trần Quang Lộc tuổi mới đôi mươi lại thích nhẩn nha, tự sự bằng điệu slow như thủ thỉ “Kể chuyện tình...”, như thầm hỏi: “Có phải em...?”.
Kể chuyện tình bằng lời ca dao...
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc kể về xuất xứ của ca khúc Về đây nghe em như sau: “Sau khi tốt nghiệp Quốc gia Âm nhạc Huế, tôi vào Sài Gòn mưu sinh. Mỗi đêm tôi đi đánh đàn ở các quán bar, hộp đêm... Đây cũng là giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất, tôi rất xót xa khi phải chứng kiến những cô gái quê bỏ làng lên thành thị kiếm sống bằng nhiều nghề, kể cả làm gái. Mỗi đêm, tôi cũng thường bắt gặp các nữ sinh trút bỏ chiếc áo dài để mặc chiếc váy ngắn cặp kè với những người lính ngoại quốc bước vào vũ trường khiến tim tôi như thắt lại...”.
Rồi ông kể thêm: “Khi bắt gặp bài thơ Về đây nghe em trong tập thơ Vàng bay của A Khuê, tôi như tìm thấy một sự đồng cảm, những hình ảnh bình dị nhưng hết sức gần gũi như mặc áo the, đi guốc mộc, lời ca dao, nồi ngô khoai, hạt lúa mới... Chúng như mời gọi mọi người Việt trở về với những truyền thống văn hóa dân tộc: “Về đây nghe em, về đây nghe em. Về đây mặc áo the, đi guốc mộc. Kể chuyện tình bằng lời ca dao. Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai. Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới. Và về đây nghe gọi tiếng xưa để nhớ trong tiếng vỡ bờ...”.
Bài hát này được Elvis Phương ghi âm lần đầu vào đĩa Shotguns. Tuy nhiên thời gian sau bài hát chìm dần vào quên lãng. Phải đến thập niên 1990, tại hải ngoại, có lẽ do những cảm xúc hoài hương mà ca khúc này lại được các ca sĩ Ý Lan, Tuấn Ngọc, Hương Lan thể hiện và được kiều bào đón nhận nồng nhiệt. Ở trong nước, trong các chương trình ca nhạc lớn Về đây nghe em cũng đã được thể hiện qua các giọng ca Hồng Nhung, Quang Linh, Thu Phương, Thanh Lam...
Nghìn năm sau ta níu bóng quay về...
Về ca khúc Có phải em mùa Thu Hà Nội, nhạc sĩ Trần Quang Lộc kể: “Năm 1971, trong một lần giao lưu với nhóm thơ Hàn Giang tại Đà Nẵng, tôi gặp nhà thơ Tô Như Châu và anh có khoe với tôi bài thơ Có phải em mùa Thu Hà Nội dài cả hơn 100 câu (gần 5 trang giấy đánh máy). Lạ một điều là cả Tô Như Châu và tôi đầu chưa một lần được thấy Hà Nội nhưng lời thơ của Châu đẹp quá.
Tôi chắt lọc những câu ưng ý nhất và chỉ trong một đêm, tôi đã hoàn tất ca khúc Có phải em mùa Thu Hà Nội từ bài thơ dài của Tô Nhược Châu:“Tháng tám mùa Thu lá rơi vàng chưa nhỉ? Từ độ người đi thương nhớ âm thầm. Có phải em là mùa Thu Hà Nội. Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm. Có phải em mùa Thu xưa?... Có phải em là mùa Thu Hà Nội. Ngày sang Thu anh lót lá em nằm. Bên trời xa sương tóc bay... Có phải em là mùa Thu Hà Nội, Nghìn năm sau ta níu bóng quay về. Ơi mùa Thu của ước mơ...”.
Bài hát này mau chóng được lan truyền rộng rãi bởi được trình bày bằng một giọng ca gốc Hà Nội rất nổi tiếng: Nữ danh ca Thái Thanh. Bà thường hát ca khúc này trên sóng phát thanh và trên truyền hình. Nhưng chỉ 2 tháng sau, chính quyền Sài Gòn ra lệnh thu hồi bản nhạc và cấm phổ biến vì ca khúc này có hơi hướng “thân Cộng” bởi những câu: “Tháng Tám mùa Thu... Từ độ người đi(tập kết - PV) thương nhớ âm thầm...Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát...”.
Đến năm 1994 (hơn 20 năm sau) khi nhạc sĩ Đức Trí thực hiện album Chợt nghe em hát gồm 60 ca khúc của Lã Văn Cường và Trần Quang Lộc, chính Trần Quang Lộc cũng không chọn Có phải em... để đưa vào album này. Nhưng bằng con mắt nhà nghề và đôi tai thẩm âm tuyệt vời, nhạc sĩ Đức Trí đã chủ động đưa ca khúc này vào album. Có thể nói, chính nhạc sĩ Đức Trí đã có công rất lớn để đưa Có phải em... trở lại với thế giới âm nhạc và với công chúng. Lần này Có phải em mùa Thu Hà Nội cũng lại được thể hiện bởi một giọng ca Hà Nội khác: Ca sĩ Hồng Nhung. Rồi tiếp theo là những giọng ca: Tuấn Ngọc, Ý Lan, Quang Dũng, Thanh Lam, Lam Trường... nhưng người thể hiện thành công và thành danh chính là ca sĩ Thu Phương!
Cho đến lúc từ trần, nhạc mục của Trần Quang Lộc đã lên đến 600 ca khúc, trong đó có khoảng 350 bài đã được ghi âm bằng nhiều hình thức và đang được gia đình lưu giữ.
Đã không còn người “kể chuyện tình bằng lời ca dao” trên cõi đời nhưng hình bóng và các tác phẩm của ông - đặc biệt là 2 ca khúc “để đời” kể trên - sẽ mãi ghi tên ông vào lòng những người yêu âm nhạc, để “nghìn năm sau ta níu bóng quay về”...
Tiễn bạn... Bà Nguyễn Thị Thuận - phu nhân của nhạc sĩ, rất trân quý từng cây đàn, từng bản nhạc của chồng mình. Cô nữ sinh gốc Huế từng là hoa khôi của trường Phan Chu Trinh (Đà Nẵng) kể cho chúng tôi là đã vượt qua rào cản của gia đình để chấp nhận làm vợ một chàng nhạc sĩ đa tài (và đa tình). Sau năm 1975, có một dạo vợ chồng bà ở Sài Gòn và chơi thân với họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, nhà thơ Từ Kế Tường, Hoàng Yên Di... Cho nên khi nghe tin nhạc sĩ Trần Quang Lộc từ trần, nhà thơ-nhà báo Từ Kế Tường đã đăng trên trang cá nhân của mình bài thơ khóc bạn: “...Bạn ta trút hết ngậm ngùi/ Trên vai áo bạc, mây trời thong dong/ So dây hát khúc phiêu bồng/ Câu thơ hóa nhạc theo dòng Trường giang/... Tiễn nhau một chút phai tàn/ Nắng mưa rồi cũng ngỡ ngàng... nắng mưa” (Tiễn bạn- Từ Kế Tường). |
Thông tin từ gia đình cho biết, tang lễ của Nhạc sĩ Trần Quang Lộc được tổ chức theo nghi thức Công giáo tại nhà riêng từ hôm qua 8/6. Lễ an táng sẽ diễn ra vào sáng mai 10/6 tại Trung tâm hỏa táng Long Hương (thành phố Bà Rịa). |
Hà Đình Nguyên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất