Ngay từ khi chính thức thành giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam năm 1995, Vũ Nhật Tân đã theo đuổi âm nhạc đương đại và thể nghiệm. Nhưng còn có một Vũ Nhật Tân khác – mà rất tiếc, lại bị dang dở…

Vĩnh biệt nhạc sĩ Vũ Nhật Tân: Tiếc cho những dự định dở dang

(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với Nguyễn Văn Cường, SơnX, Trí Minh, Kim Ngọc, Nguyễn Mạnh Hùng, Đàm Quang Minh… Vũ Nhật Tân (8/8/1970 - 21/7/2020) là một nghệ sĩ điển hình của âm nhạc thể nghiệm tại Việt Nam 25 năm qua. Ngay từ khi chính thức thành giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam năm 1995, Vũ Nhật Tân đã theo đuổi âm nhạc đương đại và thể nghiệm. Nhưng còn có một Vũ Nhật Tân khác – mà rất tiếc, lại bị dang dở…

Ở khía cạnh âm nhạc thể nghiệm, Vũ Nhật Tân đã đến hàng chục quốc gia để giao lưu, trao đổi, trình tấu, giảng dạy… Ngoài Việt Nam, tác phẩm của anh còn được trình diễn ở nhiều nước như: Mỹ, Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Anh, Canada, Hàn Quốc, Australia... Trong lịch sử âm nhạc đương đại Việt Nam, những thể nghiệm và truyền bá tinh thần thể nghiệm của Vũ Nhật Tân sẽ là một dấu son đẹp.

Muốn đưa đờn ca tài tử vào dàn giao hưởng

Thấy Vũ Nhật Tân thích “quậy phá” với âm nhạc đương đại, nhiều người cho rằng anh xa rời âm nhạc truyền thống và hàn lâm, ấy là một thông tin sai lầm. Vũ Nhật Tân là con của PGS-TS Vũ Nhật Thăng, một nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống rất uy tín, anh thụ hưởng từ cha nhiều phương pháp lý luận và nghiên cứu tuyệt vời.

Vũ Nhật Tân khá am hiểu âm nhạc truyền thống Việt Nam, từ nhạc luật cho đến trình tấu, từ ca trù, chèo cho đến đờn ca tài tử, cải lương. Từ năm 1992, một hòa tấu nhạc dân tộc viết cho sáo, nhị, nguyệt, đàn tranh, bộ gõ… của anh đã được giải 3 quốc gia.

Những năm 2004 - 2007, thấy một chàng trai nói giọng Hà Nội lò dò tìm hiểu đờn ca tài tử và cải lương, nhiều người ở Nam bộ khá ngạc nhiên. Theo vài nghệ sĩ chơi nhạc tài tử thì Vũ Nhật Tân có đôi tai rất thính, phân biệt dễ dàng các ngón đàn của Văn Giỏi, Tư Chơi, Văn Vĩ... Anh đã sớm chắt lọc để đưa nhạc tài tử vào nhiều sáng tác và trình tấu. Nhưng ước mơ lớn nhất là muốn đưa đờn ca tài tử và cả cải lương vào dàn giao hưởng. Trong lần gặp gần đây nhất, năm 2019, Vũ Nhật Tân vẫn nói về ý định này, khoe rằng đã viết một số mảng miếng chính, chỉ chờ nhà đầu tư, là có thể hoàn chỉnh và dàn dựng.

Để bổ trợ, Vũ Nhật Tân đã sưu tầm nhiều bài bản, thâu âm, sách, bài nghiên cứu, bài báo về nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương. Chính anh đã nhiều lần làm bản sao các sách của Đắc Nhẫn, Ngọc Thới viết về bài bản cải lương để tặng bạn bè nghiên cứu và vài nhà báo viết mảng sân khấu.

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân bên trái là khách mời trong một chương trình tại trường quay Thể thao và Văn hóa - TTXVN

Trong một số tác phẩm đã trình tấu của Vũ Nhật Tân như Kim thủy hỏa (sử dụng ý thơ của Nguyễn Duy), Đông muộn, Âm thanh Hà Nội…, chúng ta cũng thấy rõ sự chắt lọc từ âm nhạc truyền thống. Hai bài đầu tiên trong Ngũ hành, bài thứ ba dự kiến hoàn thành cuối năm nay, là sự kết hợp chất liệu âm nhạc truyền thống với đương đại và thể nghiệm. Bản số 3 dự định sẽ ra đời vào cuối năm 2020. Chuỗi tác phẩm này có sự cộng tác từ nhóm Đương đại Hà Nội, nhóm Đông Kinh cổ nhạc, dự kiến ra mắt tại sân khấu ở Hà Nội, với khách mời là nhóm nhã nhạc Huế, nhóm đờn ca tài tử ở Sài Gòn…

Lịch sử đổi mới của âm nhạc Việt Nam

Cũng trong lần gặp hồi 2019, Vũ Nhật Tân nói rằng đang chuẩn bị tài liệu nước rút cho việc viết cuốn lịch sử âm nhạc hiện đại Việt Nam ở khía cạnh tiếp nhận quốc tế và đổi mới quốc nội. Cuốn sách này nếu ra đời sẽ dày chừng 600 trang, là một khái quát về lịch đại, cũng như phân tích chuyên sâu những trường hợp đặc biệt.

Vũ Nhật Tân (ngồi, hàng đầu từ trái sang) và nhóm Hanoi New Music Ensemble tại Viện Goethe Hà Nội năm 2019

Ví dụ, Vũ Nhật Tân cho rằng việc ra đời của âm nhạc hát tuồng (bộ, bội) từ truyền thống Trung Quốc, nếu phân tích về nhạc học và nhạc luật, sẽ thấy phần đổi mới, đóng góp của Việt Nam rất đặc sắc. Từ điểm nhìn như vậy, Vũ Nhật Tân nói rằng anh khảo cứu dần dần cho đến nhạc tiền chiến, nhạc đỏ và đương nhiên là cả nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm ở thì hiện tại.

Để chuẩn bị cho sách này, Vũ Nhật Tân đã bỏ ra gần 20 năm sưu tập hàng trăm sách báo, tài liệu, các bản thâu âm… Anh cũng cho biết trong những đợt lưu diễn, lưu trú, giảng dạy ở nước ngoài, dù về âm nhạc thể nghiệm, nhưng cũng không quên nhiệm vụ sưu tầm dữ liệu cho sách này.

Vũ Nhật Tân nói rằng chỉ cần vài năm nữa thôi, cả hai dự định này đều sẽ thành hiện thực. Nhưng nay thì không kịp nữa rồi, mọi việc đã dang dở, quả thật đáng tiếc.

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân qua đời tối 21/7 tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, hưởng dương 50 tuổi. Theo thông tin từ gia đình, anh phát hiện căn bệnh ung thư trực tràng của mình vào Tết âm lịch 2020 vừa qua, khi đã ở giai đoạn cuối. Trong giai đoạn trị bệnh, nhạc sĩ khá nhẹ nhàng, thanh thản và giữ tinh thần lạc quan.

 

Văn Bảy

90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link