Vĩnh biệt Roger Moore - Một 'James Bond' nhút nhát ngoài đời

25/05/2017 07:22 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Qua đời ngày 23/5 sau một thời gian chiến đấu với bệnh ung thư, huyền thoại điện ảnh Anh quốc Roger Moore là một trong những nam tài tử gây ấn tượng mạnh nhân khi vào vai siêu điệp viên James Bond.

Thọ 89 tuổi, tin tức về sự ra đi của Moore lập tức gây chấn động LHP Cannes (đang diễn ra).

Gần 60 tuổi vẫn hóa thân thành Bond

“Tin về sự ra đi của Moore thật buồn. Ông để lại một di sản lớn. Cách lột tả nhân vật siêu điệp viên James Bond của ông vô cùng ấn tượng và sinh động” -  Andromeda Godfrey, diễn viên kiêm nhà sản xuất Anh có mặt tại LHP Cannes, nói.

Giống như Godfrey, nhà phê bình điện ảnh của tờ France 24, Thomas Baurez, mô tả Moore là “Bond thời thơ ấu” của ông, là một trong những nhân vật mà ông lớn lên cùng." Sau Moore, các nhà sản xuất thực sự vất vả để tìm được một 007 hoàn hảo” – Baurez viết.

Chú thích ảnh
Roger Moore tới một trường mẫu giáo ở Quảng Trị (Việt Nam) hồi năm 2003

Tính đến nay, đã có hơn 1 tỷ người xem Moore hóa thân thành Bond, siêu điệp viên giỏi pha cocktail martini, thường lên giường với phụ nữ đẹp, sành ăn uống  và luôn đánh bại được những kẻ vô lại muốn thống trị thế giới. Nhờ vậy, Moore đã trở thành một trong những diễn viên Anh nổi tiếng nhất thế giới.

Moore đến với nhân vật nổi tiếng này từ năm 1973, sau khi diễn viên Sean Connery đã quá mệt mỏi và từ chối tiếp tục hóa thân thành 007. Đó là tập phim Sống và hãy chết (Live and Let Die).

.Trong 12 năm sau đó, Moore tiếp tục đóng 6 tập phim Bond nữa, gồm Sát thủ với khẩu súng vàng (The Man With the Golden Gun – 1974)), Yêu chàng điệp viên (The Spy Who Loved Me – 1977), Người đi tìm mặt trăng (Moonraker – 1979), Riêng cho đôi mắt em (For Your Eyes Only – 1981), Vòi bạch tuộc (Octopussy – 1983) và Cảnh tượng chết chóc (A View to a Kill – 1985).

Đáng nói, trong các cuốn truyện Bond của nhà văn Ian Fleming, nhân vật siêu điệp viên được mô tả ở tuổi ngoài 30. Vậy nhưng, Moore vẫn  vào vai diễn này cho đến khi 57 tuổi.

Moore từng nói, hình ảnh Jame Bond mà ông thể hiện trên màn bạc cũng như ngoài đời chẳng qua chỉ là một sự che đậy cẩn thận cho bản tính nhút nhát và rụt rè của mình.

Chú thích ảnh
Roger Moore trong chân dung điệp viên Bond

 Huyền thoại điện ảnh còn từng chia sẻ ông rất sợ khi phải diễn các cảnh sex- yếu tố rất quan trong các tập phim Bond. Để trấn an mình trước khi quay các ảnh sex, Moore phải dùng thuốc Valium (dùng để giảm căng thẳng thần kinh) và bia.

Được biết, Moore đã kiếm được 29 triệu USD tiề thù lao từ loạt phim Bond. “Danh tiếng mà nhân vật Bond đem lại đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi"-ông từng chia sẻ. "Trong suốt nhiều năm, tôi không thể bước vào một quán ăn một cách thoải mái. Điều đó khiến tôi cảm thấy ngại ngùng và nghĩ thà ở nhà ăn sandwich còn hơn”.

Nhà bác ái hảo tâm

Sinh ra ở London, Moore từng học hội họa trước khi theo học tại Viện Hàn lâm Nghệ thuật Kịch Hoàng gia. Ông từng được giao một số vai nhỏ trên sân khấu và điện ảnh trước khi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trong những năm 1950, ông chuyển tới Hollywood và từng diễn cạnh Elizabeth Taylor trong phim The Last Time I Saw Paris (1954) và  Eleanor Parker trong phim Interrupted Melody (1955). Năm 1970, Moore trở thành giám đốc quản lý của Brut Productions. Với công ty này ông đã tham gia sản xuất A Touch of Class (1973), phim hài đã đem về giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Glenda Jackson.

Ngoài 7 tập phim Bond, Moore còn thành công với nhiều bộ phim truyện nhựa và phim truyền hình khác. Ông được người hâm mộ nhớ đến với nhân vật Beauregarde Maverick trong loạt phim truyền hình ăn khách Mỹ trong những năm 1950-1960, Maverick. Ông còn thủ diễn chính trong loạt phim TV Mỹ Alaskans (1959).

Lãng tử 007 Roger Moore qua đời vì bệnh ung thư

Lãng tử 007 Roger Moore qua đời vì bệnh ung thư

Ngôi sao điện ảnh huyền thoại Roger Moore đã qua đời ở tuổi 89 sau một thời gian ngắn đương đầu với căn bệnh ung thư.

Ở Anh, ông chinh phục khán giả quê nhà với nhân vật người hùng hành động Simon Templar, người tìm cách bỏ tù những kẻ lừa đảo giàu có và bỏ trốn với khối tài sản của họ, trong loạt phim truyền hình ăn khách dài kỳ The Saint.

Năm 1991, Moore trở thành đại sứ thiện chí của UNICEF qua sự giới thiệu của nữ diễn viên Audrey Hepburn. Moore đã dành nhiều tâm huyết cho vai trò này.

"Tôi cảm thấy mình thật thấp hèn, vô nghĩa và khá xấu hổ khi đã đi khắp nơi quay phim mà quên đi những gì đang diễn ra quanh mình” – Moore mô tả công việc đã làm ảnh hưởng tới ông như thế nào.

Năm 1996, Moore đã tham gia Hội nghị Thế giới chống lại nạn bóc lột tình dục trẻ em với vai trò đại sứ thiện chí của UNICEF và ông tiết lộ chính mình cũng là một nạn nhân.

“Tôi bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ nhưng tôi không hề hé răng nói với mẹ chuyện này cho đến năm 16 tuổi bởi tôi thấy xấu hổ” – Moore từng bày tỏ với AP.

Với vai trò đại sứ thiện chí của UNICEF, năm 2003, Moore đã tới Việt Nam và thăm một trường mẫu giáo ở xã Triệu Thuận thuộc tỉnh Quảng Trị.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link