(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày tháng 7, nhà tù Sơn La luôn thu hút một lượng lớn khách tham quan - cho dù di tích lịch sử cách mạng này đã bị phá hủy gần hết từ 50 năm trước
Nhà tù Sơn La được người Pháp xây dựng năm 1908 và sau đó được mở rộng quy mô để trở thành nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng của toàn Bắc Kỳ. Được công nhận là Di tích Quốc gia từ 1962, nhà tù bị phá hủy nghiêm trọng vào năm 1965 bởi bom Mỹ.
Tuy nhiên, với lịch sử của mình, nhà tù Sơn La vẫn luôn thu hút một lượng lớn du khách tới thăm, đặc biệt là vào ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Từ năm 1980, tỉnh Sơn La cũng đã tiến hình phục chế lần lượt một số kiến trúc chính để giúp khách tham quan hình dung về quần thể này.
Một đoạn tường bao quanh cổng chính, được phục dựng năm 1980 sau khi san lấp các hố bom
Cổng chính nhà tù với dòng chữ tiếng Pháp PENITENCIER (nhà tù)
Cây đào Tô Hiệu nổi tiếng - một biểu tượng của cách mạng Việt Nam. Theo ban quản lý di tích, cây đào này được phục dựng bằng cách chiết lại từ cây đào gốc (đã bị hỏng theo thời gian)
Bức tường phục chế lại từ căn phòng tam giác rộng 4 mét vuông, nơi giam nhà cách mạng Tô Hiệu
Các bức tường nhà tù được thiết kế dày nửa mét, cao 4 mét, mái lợp tôn ốp sát, mùa hè nóng như thiêu như đốt, sàn lát xi măng khiến tù nhân lạnh thấu xương thịt.
Khu nhà 2 gian được phục chế năm 2007. Đây là nơi giam giữ tập trung các tù chính trị có án nặng như Tô Hiệu, Trần Quốc Hoàn, Lê Thanh Nghị, Xuân Thủy...
Cạnh đó là khu nhà giam 3 gian, cũng được phục dựng năm 2007. Trong khu nhà này trưng bày mẫu cùm chân tập thể và tượng mô phỏng sinh hoạt của các tù chính trị
Một kiến trúc khác cũng được phục dựng là hệ thống xà lim ngầm sâu 3 mét dưới mặt đấtgồm 5 phòng giam cá nhân và 2 phòng giam tập thể
Các xà lim ngầm đều gắn kèm cùm sắt với mục đích biến nơi đây thành một "hộp kín", bắt tù nhân phải nằm co ro và không phân biệt được đêm, ngày.
Cạnh trục đường chính trong nhà tù là nơi thực dân Pháp từng bêu đầu chiến sĩ cách mạng Đàm Văn Lý sau cuộc vượt ngục bất thành năm 1941
Chỉ trong giai đoạn 1930 - 1946, hơn 1.000 chiến sĩ cách mạng đã bị giam tại đây, trong đó có hàng trăm người hi sinh. Nhà tù Sơn La trở thành một biểu tượng về ý chí cách mạng của những người yêu nước trong thời kì chống Pháp
Nhà tù Sơn La cũng trở thành địa chỉ chính trong những đợt hành hương về nguồn vào dịp tháng 7 hàng năm. Trong ảnh là Đại lễ cầu siêu cho các liệt sĩ tại nhà tù Sơn La, được chi hội Phật giáo Sơn La tổ chức tại nghĩa trang cạnh nhà tù vào các ngày 25,26/7 vừa qua.
Khu nhà giam chính của di tích này hiện đang được kết hợp sử dụng làm phòng trưng bày. Vào tháng 6 vừa qua, nhà tù Sơn La đã được Chính phủ phê duyệt kế hoạch lập phương án quy hoạch bảo tồn tổng thể để phát huy trọn vẹn giá trị của mình.
Sơn Tùng