24/09/2018 07:15 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Vở kịch Sài Gòn của nữ đạo diễn Caroline Guiela Nguyễn đã chính thức ra mắt công chúng Việt Nam và nhận được sự tán thưởng đặc biệt. Thời điểm diễn ra câu chuyện là năm 1956 và 1996 - hai mốc lịch sử. Dẫu vậy, những câu chuyện về tình người được kể trong Sài Gòn vẫn không hề bị lạc thời mà còn tạo ra một xúc cảm thật mạnh mẽ.
Phản ứng nồng nhiệt của khán giả Việt Nam dành cho Sài Gòn qua hai đêm diễn chứng minh rằng vở diễn đã thành công vang dội tại Pháp, Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Trung Quốc… không phải là một sự đồn thổi. Các tình huống xung đột kịch được cài đặt, để các nhân vật diễn như sống thật ngoài cuộc đời, nên nó chạm vào tim người xem.
Câu chuyện đơn giản, chủ đề tư tưởng lớn
Caroline Guiela Nguyễn có mẹ là người Việt Nam, còn cha là một quân nhân gốc Bắc Phi, đi lính trong quân đội Pháp, từng đóng quân tại Việt Nam. Vào năm 2015, Caroline cùng ê-kíp của đoàn kịch tham gia chương trình lưu trú nghệ thuật tại TP.HCM. Từ đây cô nung nấu xây dựng một vở kịch có liên quan đến Việt Nam.
Caroline tìm kiếm nhiều câu chuyện. Cuối cùng cô dừng lại ở một truyện ngắn kể về chuyện tình yêu của người Việt và quân nhân Pháp trong giai đoạn cuối cùng quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam. Ê-kíp thực hiện vở kịch này xác nhận rằng đó là câu chuyện khách quan chứ không phải là chuyện tình của cha và mẹ Caroline. Lúc đầu, cô định đặt cho nó một cái tên khác, nhưng sau khi cân nhắc nhiều lần, cô nhận ra cái tên thích hợp nhất cho vở kịch là Sài Gòn.
Tâm điểm của Sài Gòn chính là chuyện tình của Mai và Hào, của Linh và người chồng quân nhân Pháp. Mai và Hào yêu nhau trong thời chiến - trước năm 1956 - thời điểm vô cùng nhạy cảm về sự sống còn. Sự xung đột và đối nghịch giữa phía bên này và bên kia khiến cho những cá nhân nhỏ bé như Hào và Mai không tự quyết định được tình yêu. Họ bị cuốn theo dòng thời cuộc. Để bảo toàn sinh mệnh, Hào lên tàu sang Paris, cùng với sự trở về quê nhà của đoàn quân viễn chinh Pháp. Tại đó, anh hy vọng sẽ có một ngày được đoàn tụ với người yêu của mình.
Linh là một cô gái Việt Nam thuần thành và trong sáng. Cô gặp và yêu chàng lính Pháp. Cô hoàn toàn để cho anh định đoạt số phận của mình. Họ xây dựng một tương lai thật lý tưởng cho thời hậu chiến. Đến khi cùng người yêu đặt chân đến Paris vào năm 1956, Linh vỡ mộng. Bởi thực tế mà cô nhìn thấy không phải là hình ảnh lung linh mà người yêu đã vẽ ra. Thân phận của họ bị dìm sâu vào vòng chảy của một Paris hoa lệ, nhưng đầy khắc nghiệt.
Chính vào thời điểm năm 1956, một số người Việt lẫn người Pháp đã trải qua tâm trạng như Mai và Hào, như Linh và anh chồng quân nhân Pháp. Thân phận của họ gắn liền với sự đổi thay của lịch sử. Nhưng những thân phận ấy lặng lẽ như một dòng chảy vô danh của cuộc đời, nên thế hệ sau không hề hay biết.
Cách dàn dựng độc đáo
Thời gian diễn ra câu chuyện là năm 1956 và 1996. Không gian câu chuyện diễn ra tại 3 bối cảnh nhà hàng: ở Sài Gòn năm 1956, ở TP.HCM 1996, ở Pháp năm 1996 - nhưng cảnh trí trên sân khấu chỉ là một. Tức là câu chuyện dài 3 giờ nhưng không hề có một lần chuyển cảnh nào.
Từ đầu đến cuối chỉ là hình ảnh của một nhà hàng có chiều ngang rộng hết sân khấu, cùng một thiết kế. Điểm để khán giả nhận biết sự khác nhau giữa 3 bối cảnh ấy chính là tấm bảng hiệu. Tại đó, có lúc hiện lên dòng chữ “Sài Gòn 1956”, có lúc hiện lên “Paris 1956”, cuối cùng là “TP.HCM 1996”.
Đây là lối dựng cảnh hiếm thấy trên các sân khấu kịch Việt Nam. Sự khéo léo của đạo diễn là chỉ cần sắp xếp lại vị trí của bàn và ghế trong quán, thay đổi độ sáng tối, tự dưng khán giả cảm nhận ra được không gian khác.
Điểm mạnh thứ hai của đạo diễn là nhịp câu chuyện đẩy nhanh, xung đột đẩy tới mức cao trào. Nên tâm lý nhân vật được bùng lên dữ dội, để rồi có lúc lắng xuống thật sâu lắng.
Cách thức sử dụng âm thanh cũng là thế mạnh. Đạo diễn sử dụng phần nhạc nền chậm như tiếng chuông gõ cho người xem cảm nhận được nhịp thời gian trôi cùng diễn biến tâm lý nhân vật. Có lẽ một trong những hiệu ứng mạnh nhất, chạm vào tim khán giả của phần âm thanh chính là cảnh bà Mai và ông Hào lúc già hát những ca khúc bolero và tiền chiến đặc thù của một thời Sài Gòn. Cả hai có giọng hát mộc nhưng giàu cảm xúc khiến khán giả chìm trong sự hoài niệm.
Sự tỏa sáng của 3 diễn viên trẻ Việt Nam Đạo diễn chọn 11 diễn viên cho Sài Gòn, trong đó có 3 diễn viên trẻ thủ vai chính được chọn tại Việt Nam là Huỳnh Ly, Lê Hoàng Sơn, Nguyễn Phú Hậu. Trước khi bước vào dự án này, cả 3 chỉ là những viên ngọc thô, chưa từng được công chúng Việt biết tới. Nhưng những gì họ thể hiện trong kịch Sài Gòn đã cho thấy tài năng đang được mài giũa rất đúng hướng. Huỳnh Ly vừa hóa thân rất sâu lắng vào nỗi đau của thân phận người phụ nữ bị cách ly tình yêu vào năm 1956, thì sau đó, cô cũng vô cùng tinh nghịch và sôi động trong tính cách của cô gái trẻ lớn lên tại Việt Nam sau 1975. Phú Hậu diễn rất tốt thân phận cô gái phải bằng mọi giá giành lấy tình yêu để rồi hụt hẫng tuyệt vọng khi đặt chân lên xứ người. Hoàng Sơn diễn tốt tâm trạng lo sợ khi xa người yêu, và nỗi cô độc khi vĩnh viễn mất tình yêu. |
Tam Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất