17/05/2011 06:59 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Cuối tuần) - Trong lúc Hiệp hội Công nghiệp ghi âm “dọa” sẽ ngưng sản xuất sau khi Trung tâm Bản quyền âm nhạc “đòi” tăng gấp đôi tiền tác quyền ca khúc, thì nhạc sĩ của những bản “hit”, nhà sản xuất của những dự án âm nhạc luôn gây chú ý cả trong giới lẫn trên thị trường, dự báo: Phương cách thưởng thức nghệ thuật đã thay đổi, 5 năm nữa CD sẽ… “mất tích”.
Ảnh: V.C
* Tôi nhớ không nhầm, thì thời kỳ “tung hoành” nhất của anh trên thị trường băng đĩa chính là lúc cái tên Võ Thiện Thanh vừa xuất hiện, với những Tiếng rao, Mãi cho tình lênh đênh, Tình 2000, Bạn tôi…, khi anh đầu quân cho Kim Lợi Studio. Căn cứ vào số lượng tác phẩm và bản “hit”, có thể đoán đây là thời kỳ sáng tác sung sức?
- Những bài đó tôi viết khi còn là sinh viên nhạc viện. Khi ấy, Kim Lợi đang khai thác Trường Huy, tôi có chơi với Huy nên từ đó Kim Lợi biết và mua độc quyền 10 bài, sử dụng trong 2 năm. Không phải tất cả trong số đó đều “nổi”, đều thành “hit”, như bài Mưa, Quán cóc, trong đó bài Quán cóc do Thu Phương hát, tôi thích, nhưng thực tế ngoài thị trường thì nó không nổi. Lúc đó tôi chỉ bán bài, do đó không làm chủ sáng tác của mình, không tham gia hòa âm, phối khí, lựa chọn ca sĩ thể hiện. Nhưng tiền bán 10 ca khúc lúc đó đủ để tôi bứt khỏi công việc chơi nhạc hàng đêm ở nhà hàng, có tiền để mua máy móc đầu tư cho công việc.
Còn thời kỳ viết nhiều nhất chính là khi làm album cho Hà Anh Tuấn, Đoan Trang, Thu Minh.
* Nhưng nếu gọi anh là nhạc sĩ của những bản “hit” có lẽ cũng không sai, có bài mà sức sống của nó trong đám đông, thật sự là mạnh mẽ đến khó tin, như Ước gì. Bản thân anh tự đánh giá về điều này ra sao? Liệu có rút ra được một công thức sản xuất những bản “hit”?
- Bài Ước gì đúng là bản “hit” nhất của tôi. Tôi nghĩ Ước gì thành công về mặt cảm xúc nhiều hơn, nó đồng cảm được với rất nhiều người; còn về nghệ thuật thì chưa phải là đỉnh cao. Lúc đó tôi viết chính về tình yêu của bản thân mình, không nhắm viết cho ai hết. Ca sĩ đầu tiên tôi tính gửi là Hồ Quỳnh Hương, nhưng không biết sao ca khúc này lại có duyên với Mỹ Tâm. Chính tôi đã phối, thu âm cho Tâm tại phòng thu Việt Hùng, lúc ấy, cả Tâm cũng không nghĩ bài này lại nổi như thế. Tôi nghĩ cảm xúc chân thật cộng với sự đồng cảm của nhiều người tạo nên thành công cho một ca khúc.
Sau này, Chuông gió được đánh giá là thành công về nghệ thuật, nhưng nổi trên thị trường thì không bằng Ước gì. Các nhạc sĩ ở Việt Nam hầu hết đều gặp thực tế như vậy. Khi bài hát phù hợp với gu thưởng thức ở tầng đại chúng thì nó có nhiều công chúng hơn, khi bài hát tinh tế hơn, nó sẽ ít thành công hơn.
Với tôi, sáng tác diễn ra một cách tự nhiên, sự tinh tế về ca từ và sự đi lên về nghệ thuật nằm trong một quá trình phát triển tự nhiên của bản thân. Tôi để điều ấy xảy ra một cách tự nhiên, không ép buộc nó vào công thức nào cả. Ngay cả với ca sĩ cũng vậy. Nhiều dự án hợp tác đến như cái duyên, không nên cố ép.
* Có lẽ vì không cố như vậy, nên bản thân tôi và nhiều người khác luôn cảm thấy tiếc khi các dự án âm nhạc thú vị được xây dựng từ anh, nhưng sau đó lại không đi tới cùng với một ca sĩ. Mà thật ra, chuyện này xảy ra cũng không chỉ riêng với anh, nhiều nhà sản xuất âm nhạc khác cũng gặp chuyện “giữa đường đứt gánh” như vậy. Gắn bó dài lâu giữa nhà sản xuất âm nhạc và ca sĩ thật sự khó thế sao?
- Muốn gắn bó dài lâu như chị nói chỉ có thể là vợ chồng. Nếu không, bản thân mình phải là nhà đầu tư. Mà chuyện này cũng rất khó ở Việt Nam. Như nhạc sĩ Đức Trí, đã có hẳn một công ty, là nhà đầu tư, nhưng cũng chỉ gắn bó với Hồ Ngọc Hà một giai đoạn mà thôi, thời kỳ thành công với album Và em đã yêu. Tuy nhiên, sự gắn bó có cái tốt, nhưng cũng có cái không tốt vì đôi khi nó quá ràng buộc sự sáng tạo của nhau. Hiện tại, tôi cố gắng làm thật tốt tại thời điểm đó, nếu có duyên thì sẽ gặp lại.
* Trong số những lần “đứt duyên”, anh tiếc nhất “duyên” nào?
- Có lẽ tiếc nhất là Thu Minh. Tôi không tiếc Thu Minh không tiếp tục làm album với mình sau Thiên đàng, Minh có thể làm với nhà sản xuất khác, nhưng vẫn trung thành với phong cách đó (dance - TT&VH), thay vì làm loãng nó với các phong cách khác. Có thể vì cuộc sống mà ở Việt Nam nhiều ca sĩ không thể trung thành với phong cách của mình. Đi hát kiếm tiền thì không thể hát Chuông gió được. Cái này còn do bản lĩnh ca sĩ. Tôi thấy ca sĩ miền Bắc thường có bản lĩnh hơn.
* Với thực tế khó thay đổi như thế, anh làm gì được?
- Thời gian này tôi thấy có một vấn đề đáng quan tâm hơn ở thị trường âm nhạc ở Việt Nam, đó là sự bùng nổ internet và nhạc mạng - nó đang giết chết âm nhạc Việt Nam.
Sự thực thì nhạc mạng là thực tế toàn cầu. Nhưng nếu những thị trường âm nhạc phát triển ở nước ngoài đã có chuẩn mực rồi thì việc chuyển qua nghe nhạc mạng không có vấn đề gì; còn ở ta, thị trường chưa đủ mạnh mà đã chuyển qua nhạc mạng thì hỏng bét khi cả người làm nhạc lẫn người nghe nhạc số đông mang tâm lý chụp giựt. Hơn nữa, nhạc mạng ở nước ngoài đều có quản lý, còn nhạc mạng ở ta chủ yếu là “chùa”, là “free” nên rất dễ “loạn”.
* Tức là anh phản đối nhạc mạng?
- Hoàn toàn không. Tôi chỉ phản đối cách người ta đang làm với nhạc mạng hiện nay. Thực tế thì phương cách thưởng thức nghệ thuật đã và đang thay đổi. Tôi đoán 5 năm nữa CD theo lối làm và cách nghĩ cũ sẽ “mất tích”. Hiện nay CD bán khoảng 1.000 bản là hết, “hot” lắm mới bán được 3.000 bản… CD chỉ còn làm để PR. Vấn đề là chọn cách làm việc nào để thích ứng với hoàn cảnh mới. Tôi đang bắt đầu không đặt nặng chuyện sản xuất băng đĩa, không chọn việc phát hành CD là chính trong sản xuất âm nhạc. Thay vào đó tôi sẽ lập trang web riêng để bán nhạc mình trên mạng.
* Có lẽ chúng ta sẽ trở lại câu chuyện thị trường âm nhạc Việt Nam vào một dịp khác. Hiện nay, tôi quan tâm tới dự án trong năm 2011 của anh, nghe nói đã bắt đầu từ khá lâu rồi?
- Hiện nay tôi đang gấp rút hoàn thành cho Nguyên Thảo một album lấy ý tưởng từ cuốn sách Đối thoại với Thượng đế (nếu không có gì thay đổi, album sẽ lấy tên cuốn sách làm tựa đề - TT&VH), phong cách âm nhạc pha trộn giữa điện tử với nhiều thể loại âm nhạc khác. Trong dự án này, thời gian đầu làm khó thật. Vì tôi muốn hướng Thảo vào một con đường mới, còn Thảo thì quá gắn bó với cái cũ. Cả hai chúng tôi đều mất nhiều thời gian loay hoay tìm hướng đi. Trong lúc đang loay hoay này, chúng tôi làm chơi một đĩa nhạc chillout gồm toàn các ca khúc Trịnh Công Sơn. Nhưng chính từ làm chơi này tôi phát hiện ra cách hát riêng của Thảo: cảm xúc hoang dã hồn nhiên, không lệ thuộc vào kỹ thuật. Thảo là Thảo, không giống với bất kỳ người nào khác. Tới hai album này (nhất là trong album chillout), tôi tin không ai có thể nghĩ tới một sự so sánh. Bạn nghe sẽ rất ngạc nhiên. Một lối hát tự nhiên như chảy ra từ tâm hồn. Theo kế hoạch, cả hai album sẽ ra cùng lúc, trong năm nay.
* Album Đối thoại với Thượng đế sẽ gồm toàn sáng tác mới của Võ Thiện Thanh. Liệu có bài nào trong số này trở thành “hiện tượng”?
- Tôi cho rằng hiện nay rất khó để có lại hiện tượng theo kiểu Ước gì. Bản “hit” giờ đây chỉ là tồn tại trong một bộ phận khán giả, thay vì toàn khán giả như trước, điều này do sự thay đổi của hoàn cảnh, của cách thưởng thức. Làm nên một bản “hit” được cả nước thích nghe thì đã thiệt, nhưng kiểu ấy chỉ xảy ra trong môi trường làm nhạc nghiệp dư. Còn trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, người thích nhạc Pop thì sẽ không thích Jazz… Quan trọng nhất với người sản xuất âm nhạc là làm thể loại nào ra thể loại đó.
* Cảm ơn anh và phải nói là rất tò mò với sản phẩm âm nhạc mới của anh và ca sĩ Nguyên Thảo sẽ ra mắt trong năm nay.
P.T.T.T (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất