05/01/2012 09:18 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH) - Để có được cái nhìn chuẩn xác về những vấn đề liên quan tới cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình hiện nay của bóng đá VN, TT&VH đã có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Kim Thoa (Công ty Luật TNHH QTC).
* Thưa luật sư, liệu có thể có cuộc chiến pháp lý về bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp VN giữa AVG-VPF và có thể cả VFF?
- Trong thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đều nói về tranh chấp bản quyền truyền hình giữa AVG và VPF. Chiều 30/12/2011, VTV đã có công văn đề nghị hợp tác với AVG và Công ty này cũng đã chấp thuận, AVG còn hoan nghênh công văn của VFF đã bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho AVG. Cùng chiều ngày 30/12/2011, Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên đã ký công văn số 23/CV/VPF-2011 gửi VFF không thừa nhận tính hợp pháp của hợp đồng đã ký giữa AVG và VFF. Trong công văn này có nêu VFF đã ký hợp đồng với AVG là không phù hợp với các quy định tại Điều 53 Luật thể thao và Điều 12 Nghị định 112 của Chính phủ. VPF cũng cho rằng việc VFF ký hợp đồng bản quyền với AVG khi không được các CLB bóng đá chuyên nghiệp ủy quyền là trái với các quy định của pháp luật VN.
VFF, VPF và AVG nên ngồi lại với nhau vì lợi ích của bóng đá VN cũng như người hâm mộ. Ảnh: VSI
Để xem xét một cách đúng đắn giá trị các công văn của Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên đã ký trong 2 ngày 29 và 30/12/2011, cụ thể: Công văn số 20/CV/VPF/2011 ngày 29/12/2011; Công văn số 23/CV/VPF-2011 ngày 30/12/2011, các công văn này chỉ có giá trị sử dụng nội bộ công ty khi chúng được sự ủy quyền của Chủ tịch HĐQT bằng văn bản. Không biết ông Nguyễn Đức Kiên có được Chủ tịch HĐQT là ông Võ Quốc Thắng ủy quyền ký các công văn trên bằng văn bản hay không, cũng cần xem thêm Điều lệ của VPF nữa ? Bởi vì theo quy định của Luật Doanh nghiệp, phần quy định về Công ty cổ phần, tại Khoản 3 Điều 111 quy định: “ Trường hợp Chủ tịch HĐQT vắng mặt thì ủy quyền bằng văn bản theo nguyên tắc quy định trong Điều lệ công ty cho một thành viên khác để thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch HĐQT”
Và một sự kiện pháp lý không đáng có liên quan đến một vụ kiện dân sự đòi hỏi phải tuân theo đúng trình tự thủ tục tố tụng dân sự. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Thực tế thì trái bóng mở màn cho mùa giải mới 2012 đã lăn, VTV cũng đã phát sóng thành công tốt đẹp tới khán giả hâm mộ cả nước những trận đấu đầu tiên của mùa giải 2012. Như vậy, vai trò của VPF cũng đồng nghĩa với một công ty tổ chức sự kiện, VPF thay mặt VFF tổ chức những giải đấu trong nước, và bản quyền truyền hình các giải đấu nếu VFF không đồng ý thì cũng không thể thực hiện.
* VPF đang có những hành động bị xem là ngoài tầm kiểm soát của VFF và bị AVG, đơn vị nắm bản quyền truyền hình, đánh giá là “vi phạm nghiêm trọng luật pháp VN”. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên cho biết VPF cũng đã ở trong tư thế sẵn sàng đem luật pháp ra giải quyết tranh chấp gay gắt này. Ý kiến của luật sư về vấn đề này?
- VPF là một công ty cổ phần, nó sẽ hoạt động tuân theo quy định của Luật Doanh nghiệp. VPF đã tự thương thảo với các đài truyền hình về bản quyền truyền hình mùa giải 2012 là họ bán giải đấu Super League chứ không phải V-League, thực tế thì không hẳn như vậy bởi trên thực tế VPF không có quyền đứng ra thành lập một giải đấu nào khác ngoài hệ thống của VFF, bởi chỉ có giải đấu của VFF mới nhận được sự công nhận của FIFA.
Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên đã ký công văn số 23/CV/VPF-2011 gửi VFF không thừa nhận tính hợp pháp của hợp đồng đã ký giữa AVG và VFF. Trong công văn này có nêu VFF đã ký hợp đồng với AVG là không phù hợp với các quy định tại Điều 53 Luật thể thao và Điều 12 Nghị định 112 của Chính phủ.
Điều này chưa có cơ sở, bởi vì Nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục Thể thao có hiệu lực từ ngày 3/8/2007, hiện đã có Thông tư số 08/2011/TT-BVHTTDL ngày 29/6/2011 - Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 05/2007/TT-UBTDTT ngày 20/7/2007 của Ủy ban Thể dục thể thao hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007. Tại Điều 1 Thông tư này nêu: “Thay thế các cụm từ “Ủy ban Thể dục thể thao” bằng “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…”.
Điều này được hiểu là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ là cơ quan quan trọng có thể giải quyết tranh chấp của VPF và AVG. Trong khi có nguồn thông tin Quy chế bóng đã chuyên nghiệp do VPF trình lên Tổng cục TDTT vẫn chưa được xét duyệt. Tổng cục TDTT là một đơn vị Nhà nước trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được quy định tại Điều 3 Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Việc Tổng cục TDTT vẫn chưa xét duyệt Quy chế bóng đã chuyên nghiệp của VPF là do còn quá nhiều nội dung thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, vì Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, theo quy định, cũng phải do VFF xây dựng, chứ không phải VPF.
Khi mà Quy chế bóng đá chuyên nghiệp của VPF chưa được phê duyệt, Quy chế cũ vẫn có giá trị áp dụng, Điều 77-Trách nhiệm của LĐBĐ VN: “ LĐBĐ VN có trách nhiệm tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động bóng đá chuyên nghiệp; chỉ đạo các hoạt động liên quan đến việc xây dựng và phát triển bóng đá chuyên nghiệp ở VN theo quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn và Quy chế này”.
Có thể hiểu VPF vừa ra đời, mọi điều kiện để cho VPF hoạt động tốt vẫn chưa được hoàn thiện triệt để bằng những sự chuyển giao quyền và nghĩa vụ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Nếu không giải quyết dứt điểm tranh chấp bản quyền truyền hình và những vấn đề khác thì đều bất lợi cho tất cả các bên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 74 Quy chế Kỷ luật FIFA quy định: “LĐBĐ QG, LĐBĐ châu lục và tổ chức thể thao khác phải thông báo cho các cơ quan tư pháp của FIFA về những vi phạm nghiêm trọng đối với những mục tiêu quy định trong điều lệ của FIFA (đoạn cuối điều 2)”.
* Nếu cuộc tranh chấp giữa các bên buộc phải đưa ra toà án dân sự về vấn đề bản quyền truyền hình, điều này có vi phạm luật FIFA?
- Như đã nêu, việc các bên đưa ra khuyến cáo sẽ đưa nhau ra cơ quan tài phán là việc cùng bất đắc dĩ. Nhưng họ có quyền gửi các đơn thư tố cáo, khiếu nại lên Tiểu ban kỉ luật của UEFA và FIFA. Theo Quy chế kỷ luật của FIFA (FDC- FIFA's disciplinary regulations), Điều 126 - Hồ sơ khiếu nại phải bao gồm những kết luận, lý do, chứng cứ cần thiết và được ký bởi người đứng đơn hoặc người đại diện. Ngoài ra, họ còn có thể đưa ra Tòa án trọng tài thể thao (CAS) khi một số loại quyết định của ban Giải quyết Khiếu nại có thể bị tiếp tục khiếu nại lên Tòa án trọng tài thể thao (điều 60 Điều lệ FIFA và điều 132 Quy chế kỷ luật của FIFA).
Hình thức kỷ luật phạt tiền thường được FIFA áp dụng cho cá nhân, tổ chức bị kỷ luật như:
Điều 16. Phạt tiền: “1.Tiền phạt được áp dụng bằng đồng Frăng Thụy Sỹ (CHF) hoặc bằng đồng đô la Mỹ và được nộp cũng bằng loại tiền đã tuyên; 2.Mức phạt tiền tối thiểu là 300 Frăng Thụy Sỹ, … và mức tối đa là 1.000.000 Frăng Thụy Sỹ; 4.LĐBĐ QG cùng chịu trách nhiệm đối với những khoản tiền phạt mà cầu thủ hoặc quan chức của ĐTQG đó phải nộp. Quy định này cũng áp dụng đối với CLB trong trường hợp cầu thủ và quan chức của họ phải nộp phạt. Cho dù trên thực tế khi phải nộp phạt cầu thủ hoặc quan chức đã rời khỏi LĐBĐ QG hoặc CLB thì liên đới trách nhiệm vẫn không thay đổi.”
Những hành vi bị phạt tiền như:
Mục 5 (DFC)- Giả mạo và làm sai lệch - Điều 58.
“1.Bất kỳ ai, trong hoạt động bóng đá, … làm sai các mối quan hệ pháp lý sẽ bị phạt đình chỉ ít nhất sáu trận đấu; 2.Nếu người vi phạm là quan chức, cơ quan xử lý sẽ áp dụng biện pháp cấm thực hiện hành vi liên quan đến bóng đá trong vòng ít nhất 12 tháng; 3.Cơ quan xử lý cũng có thể áp dụng phạt tiền ở mức ít nhất là 5.000 Frăng Thụy Sỹ.”
LĐBĐ cũng có thể bị phạt tiền như:
Mục 10 (DFC)- Trách nhiệm của LĐBĐ QG - Điều 72. Không tuân thủ
“1.Bất kỳ LĐBĐ QG nào không tuân thủ nghĩa vụ quy định trong mục này sẽ bị phạt tiền.”
Với điều kiện trên, việc VPF muốn có đủ chứng cứ để khởi kiện dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam là khó khả thi, chưa kể đến họ sẽ phải đương đầu với những rắc rối từ DFC trong thời gian tới nếu tình hình tranh chấp bản quyền truyền hình không được cải thiện.
Việc nỗ lực đem đến một mùa giải thành công tốt đẹp đòi hỏi các bên phải có sự kiên nhẫn, trong đó vai trò của các nhà lãnh đạo VFF và VPF là hết sức quan trọng.
* Xin cảm ơn luật sư Hoàng Kim Thoa.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất