30/12/2011 10:14 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH) - Theo phân tích của luật sư Hoàng Kim Thoa, VPF chưa phải là đối tượng điều chỉnh theo Điều 53 Luật Thể thao, nên chưa thể sử dụng điều luật này để “đòi” bản quyền truyền hình từ AVG và VFF. Hơn nữa, VPF còn cần phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng, và nguyên tắc áp dụng luật còn theo thời gian ban hành và cần được các bên nghiêm chỉnh thực hiện. Nói một cách khác, lẽ phải trong trường hợp này không đứng về phía VPF.
Năm 2010 AVG đã ký kết mua hợp đồng độc quyền bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp VN trong 20 năm với VFF. Bằng chứng cho việc này là mùa giải vừa qua 2011 vừa qua, AVG đã bán lại cho các nhà đài. Khi VPF ra đời và đi vào hoạt động với nhiệm vụ tổ chức và điều hành các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp của mùa 2012, họ muốn đàm phán lại hợp đồng này với AVG.
Có thể nói, hợp đồng ký giữa AVG và VFF nếu không có sự đồng ý của AVG thì VFF không có quyền chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho VPF vì đối tượng của hợp đồng là bản quyền truyền hình đang là của AVG nắm giữ.
Theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Dân sự (BLDS) về Chuyển giao nghĩa vụ dân sự:
“1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”.
Và Ðiều 316 BLDS về Hình thức chuyển giao nghĩa vụ dân sự:
“1. Việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự được thể hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định việc chuyển giao nghĩa vụ phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định”…
Mặc dù hiện tại VPF là chủ sở hữu các giải đấu nhưng bản quyền truyền hình vẫn đang thuộc về AVG (cuối năm 2010, VFF đã ký hợp đồng bán độc quyền bản quyền truyền hình các giải đấu V-League, giải hạng Nhất, Cúp QG và cả Siêu Cúp QG cho Công ty CP Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) trong thời hạn 20 năm. Trong hợp đồng đã ký với AVG có câu: “Không một bên nào có quyền hủy ngang bất kỳ nội dung nào, vì bất cứ lý do gì”; Vấn đề bản quyền này còn được quy định trong điều lệ VFF).
Do vậy, nếu VPF muốn thương thảo lại hợp đồng trừ khi có sự thỏa thuận 3 bên bằng văn bản về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng đó và VFF vẫn là đơn vị đồng chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan trong hợp đồng và phải đảm bảo tính kế thừa, toàn vẹn của hợp đồng đã ký.
AVG đã quyết định chia sẻ miễn phí, chịu lỗ gần 200 triệu đồng với bản quyền phát sóng trận khai mạc giải hạng Nhất 2012 (Trẻ SHB.ĐN-ĐT.LA vào ngày 31/12) và Super League (SLNA-Thanh Hóa vào ngày 1/1/2012) cho các đài truyền hình. Như vậy, AVG đã rất thiện chí chờ đợi VFF và VPF thực hiện chuyển giao hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Theo Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg do Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân ký ngày 24/3/2011 ban hành quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền có hiệu lực từ ngày 15/5/2011, quy định cụ thể:
Tại Điều 16. Bản quyền kênh chương trình trên truyền hình trả tiền
“2. Các kênh chương trình còn lại trên hệ thống truyền hình trả tiền, các chương trình trên dịch vụ truyền hình theo yêu cầu phải bảo đảm các yêu cầu về bản quyền như sau:
a) Có văn bản chứng minh bản quyền hợp pháp”.
Tại Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền
“8. Được chủ động lựa chọn các kênh chương trình truyền hình trả tiền hợp pháp không thuộc danh mục kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định tại Quy chế này.
11. Hoạt động kinh doanh đúng pháp luật”.
Tại Điều 32. Xử lý vi phạm
“1. Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Việc ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch HĐQT của VPF, ký công văn số 20/VPF/2011 cho phép VTV và các đơn vị truyền hình trực thuộc VTV được tuyên truyền, truyền hình trực tiếp và phát lại các trận bóng đá của các giải bóng đá mà không thông qua đàm phán với AVG sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho AVG.
Công văn trên không thể chỉ căn cứ vào Điều 53 Luật Thể thao, mà nó còn phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng. Theo nguyên tắc áp dụng luật thì công văn trên không áp dụng được cho trường hợp này, bởi vì đối tượng của hợp đồng bản quyền truyền hình là VFF & AVG, khi 2 đối tác chưa có sự chuyển giao (hoặc thanh lý) hợp đồng bằng văn bản thì VPF chưa phải là đối tượng điều chỉnh theo Điều 53 Luật Thể thao. Ngoài ra, nguyên tắc áp dụng luật còn theo thời gian ban hành và cần được các bên nghiêm chỉnh thực hiện.
Điều 53 Luật Thể dục Thể thao:Quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp 1. Việc bảo hộ quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp được thực hiện theo pháp luật về dân sự và pháp luật về sở hữu trí tuệ. 2. Liên đoàn thể thao quốc gia, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp do mình tổ chức. 3. Chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp được chuyển nhượng quyền sở hữu đối với giải thể thao cho tổ chức, cá nhân theo hợp đồng do các bên thoả thuận. 4. Chính phủ quy định chi tiết về quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất