Nếu lỗ 2 năm là bị loại...

17/12/2011 13:05 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - ... thì tất cả các đội bóng VN đều đứng trước nguy cơ không được tham dự các giải đấu ở sân chơi quốc nội. Đấy là suy luận được rút ra từ phát biểu của bầu Kiên tại Đại hội cổ đông VPF lần thứ nhất.

Nguyên văn phát biểu của ông chủ ngành ngân hàng là: “Chúng tôi đang xem xét khả năng nếu CLB nào lỗ liên tiếp trong 2 năm thì sẽ bị cấm tham gia các giải đấu”. Đây có thể xem là một biện pháp mà VPF sẽ đưa ra nhằm ngăn chặn dòng tiền vô tội vạ đang đổ vào bóng đá VN, trong khi nguồn thu của nó lại khiêm tốn hơn rất nhiều. Một ý tưởng đúng như tôn chỉ hành động của Cty CP bóng đá chuyên nghiệp VN.

Nhưng vẫn phải nhắc lại một thực tế rằng, ở một giải đấu tiêu tốn mỗi năm chừng 500 tỷ nhưng không kiếm nổi 50 tỷ đồng từ tất cả các nguồn thu khác nhau như V-League hiện tại, để tìm ra một CLB không lỗ chẳng khác gì chuyện đánh đố.


Rất nhiều lần tại V-League 2011, các đài truyền hình đã “ngó lơ” những trận đấu của HN.ACB (phải) cho dù nó diễn ra ngay trên sân Hàng Đẫy

Đội bóng cũ HN.ACB của chính bầu Kiên ở mùa giải trước là một ví dụ. Rất nhiều lần tại V-League 2011, các đài truyền hình đã “ngó lơ” những trận đấu của HN.ACB cho dù nó diễn ra ngay trên sân Hàng Đẫy. Khán giả của đội bóng ấy cũng đạt mức thấp nhất trong số 14 đội ở sân chơi mà nó tham dự. Trong khi tiền đặt biển quảng cáo bấy lâu vẫn được ví von là “hoa, lá, cành”, thế thì thử hỏi nếu không trông vào túi của bầu Kiên thì HLV và cầu thủ của HN.ACB liệu sẽ sống nổi (chưa nói đến chuyện đá bóng) với những khoản thu “chính đáng” từ bóng đá chuyên nghiệp như bản quyền truyền hình, bán vé và quảng cáo, tài trợ...

Một đội bóng khác, lâu nay vẫn được xem là xếp đầu bảng về tiền bán vé như V.HP, 13 trận sân nhà trong một mùa giải “kịch kim” cũng chỉ thu về chừng 13 tỷ đồng, con số chưa thấm vào đâu so với kinh phí để hoạt động một CLB ở V-League. SLNA năm vừa rồi đăng quang trong khí thế hừng hực của cả xứ Nghệ nhưng sau khi nâng Cúp cũng là lúc các chú, các bác chạy đôn chạy đáo kiếm tiền để “trả nợ” cho các cháu.

Tức là nếu bỏ đi nguồn tiền tài trợ của các ông bầu và hạch toán thu chi, dám cá rằng 100% các CLB VN, xét trên phương diện của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể thao, hiện tại đều làm ăn thua lỗ, thậm chí là lỗ rất nặng. Nhưng sau đây 2 năm, theo đề xuất của bầu Kiên, những thực thể ấy ít nhất sẽ phải đứng được trên chính đôi chân, chính ngành nghề của mình nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.

Một sự tế nhị tại thời điểm VPF vừa mới ra đời và đi vào hoạt động nên TT&VH không nêu đích danh các cá nhân cũng như các đội bóng phản đối, nhưng khá nhiều ý kiến đã đánh giá rằng nếu quy định vừa nhắc ở trên có hiệu lực thì đấy sẽ là một quy định thiếu thực tế. Và không loại trừ khả năng các “doanh nghiệp bóng đá” sẽ tìm cách “lách” bằng việc ký kết các hợp đồng tài trợ với số tiền cực lớn để đảm bảo ngân quỹ của họ không “âm”, theo kiểu để đối phó với Luật công bằng tài chính của UEFA, CLB Man City đã liên tiếp ký kết các hợp đồng tài trợ khổng lồ với các Công ty từ Ả-rập để bù đắp vào khoản chi lên tới một tỷ bảng Anh của họ trong vài năm qua.

Điều vừa nhắc xem ra cũng là một cách thức mà VPF nhiều khả năng sẽ thực hiện, với hành động gần nhất là thương thảo lại hợp đồng tài trợ với “người nhà” Eximbank, để đảm bảo “VPF sẽ không lỗ” ở năm đầu tiên đi vào hoạt động giống như tuyên bố cứng cỏi của bầu Kiên ở Đại hội cổ đông vừa diễn ra.

Đồng ý rằng những doanh nhân cỡ bầu Kiên, bầu Đức... đều là những bậc thày trong việc kiếm tiền và một khi đã phát ngôn chính thức thì từng câu từng chữ không dùng cho việc mua vui. Nhưng nếu đối chiếu với tình cảnh của bóng đá VN hiện tại, phải cần có một liều “thuốc tiên” mới có thể khẳng định rằng trong vòng một, hai năm tới, các CLB VN và nói rộng ra là cả nền bóng đá VN sẽ không lỗ. 

Hoàng Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link