06/07/2015 18:35 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian vừa qua, người ta nhắc nhiều đến một nhóm CĐV gọi là “Ultra” (hay Ultras), tạm gọi là Hội những người li khai, không cùng chiến tuyến với những hội, nhóm được thừa nhận chính thức, có thể mang một chút cực đoan. Dù số lượng không lớn (so với Hội CĐV chính thức), nhưng không khí cổ động cũng có thể nói là tuyệt vời.
Ultras không chỉ xuất hiện ở SVĐ Bình Dương, khiến lực lượng an ninh phải “đề cao cảnh giác”, mà trên SVĐ Hàng Đẫy, các CĐV ít ỏi của Hà Nội T&T cũng tách tốp làm 2. Nói theo ngôn ngữ “phủi” thì một bên cổ động ăn lương và bên còn lại, đơn thuần chỉ là tình yêu.
1. Từ Hàng Đẫy cho đến Thủ Dầu Một, những người yêu bóng đá chân phương luôn cho thấy sự khác biệt, cả về văn hoá cổ vũ đến độ máu lửa và cả tính bài bản. Sau trận đấu Hà Nội T&T và XSKT.Cần Thơ (vòng 13), nhóm những người trẻ (phần lớn là sinh viên) thậm chí còn xếp thành 2 hàng ở cửa thoát hiểm sân Hàng Đẫy, vỗ tay tán thưởng từ các cầu thủ đội nhà, đến đội khách và cả các… phóng viên.
Nhưng, sân Bình Dương là một bộ mặt hoàn toàn khác, với cách đối và ứng xử với Ultras. Chỉ có chưa tới trăm CĐV bị dồn vào một góc trái khán đài B, nhưng luôn thường trực hàng chục cán bộ - nhân viên an ninh, chỉ để đảm bảo nhóm này không làm “loạn”?! Nhắc đến đây, người viết nhớ lại một câu chuyện được ghi chép lại trong một chuyến đi đến Malaysia, năm 2011, trong Asia tour của Chelsea FC.
Theo chân CLB Chelsea đến xứ dầu cọ du đấu, trận gặp Malaysia XI, chúng tôi được chứng kiến một cảnh tượng đúng là xưa nay hiếm. Lọt thỏm trong một rừng các CĐV Chelsea người bản địa, bỗng xuất hiện một cậu bé chừng 15 tuổi, mặc chiếc áo đỏ của đại kình địch Manchester United. Người ta phải thắc mắc, cậu bé có nhiệm vụ gì ở đây, tại Bukit Jalil và trận đấu gần như dành riêng cho fans Chelsea?
Tất nhiên, đám đông fans Chelsea nhanh chóng phát hiện ra cậu bé tuổi ô mai và bắt đầu những hành động khiêu khích, chọc ghẹo. Một lúc sau, có chừng 5 nhân viên an ninh xuất hiện, tìm cách giải thích cho CĐV đặc biệt này và mời cậu bé vào khu vực VIP, với thái độ phục vụ ân cần. Hoàn toàn không có sự miệt thị hay gây khó dễ ở đây, bởi với cách cậu bé trả lời, anh đến sân đơn giản là vì tình yêu với bóng đá.
2. Quyền được yêu là thiêng liêng, không ai có thể cấm hay ngăn cản. Vậy thì tại sao và như thế nào, nhóm Ultras ở sân Bình Dương lại bị đối xử và nhìn bằng ánh mắt khinh miệt đến thế? Người ta cười họ, bởi họ không giống mình, trong khi số đông còn lại (chiếm đa số ghế ngồi và đứng bên phía khán đài B) cũng chỉ giống nhau thôi, về cách thưởng thức bóng đá!
Không ai có quyền gì cấm cản những người yêu bóng đá đích thực, ngay cả khi họ không đứng cùng chiến tuyến.
Khi tình yêu bóng đá cũng có “giá” của nó, thậm chí phải trả tiền mới cổ vũ nhiệt thành, chính những ông chủ đã tự tách cộng đồng Hội CĐV ra thành nhiều khối.
Trần Hải
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất