HTV có “cảnh sát trang phục”

14/09/2012 07:50 GMT+7 | Truyền hình thực tế

Sáng 11.9 tại TP.HCM, Đoàn công tác Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn làm trưởng đoàn cùng các đơn vị chức năng thuộc Bộ: Chánh Thanh tra Bộ, Cục NTBD, Cục Điện ảnh, Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở TT&TT, Sở VHTTDL, Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) về những nội dung liên quan đến công tác biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và chiếu phim trên đài truyền hình.

Dự buổi làm việc, phía Đài TH TP.HCM ngoài ban lãnh đạo Đài còn có đại diện các ban ca nhạc, phim, giải trí... Rất nhiều vấn đề không mới nhưng luôn “nóng” được đưa ra để trao đổi. Ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc HTV chia sẻ: “TP.HCM là thị trường ca nhạc trọng điểm của cả nước. Các chỉ đạo của Bộ VHTTDL, UBND TP... đã rất sát với tình hình biểu diễn nghệ thuật của TP. Để làm một chương trình nghệ thuật thuyết phục, thu hút người xem, đặc biệt là giới trẻ, vừa mang tính định hướng rất khó.


Toàn cảnh buổi làm việc

Hiện, UBND TP chỉ đạo quyết liệt việc quy hoạch báo chí, theo chỉ thị của Ban Tuyên giáo Trung ương theo hướng giảm các kênh truyền hình nước ngoài. HTV đang triển khai nhiều quy trình thực hiện Chỉ thị 65 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL như xây dựng ban giám sát, tổ chức tọa đàm nâng cao chất lượng kịch bản phim truyền hình Việt Nam, có riêng kênh chiếu phim truyền thống đề tài chính luận. Riêng thị trường ca nhạc vấn đề định hướng Đài cũng rất muốn làm nhưng không dễ. Mặc dù thấy rõ xu hướng thị trường hóa khi ai cũng có thể sáng tác, ai cũng thành ngôi sao... và đây lại là môi trường phát triển “hết sức hấp dẫn” của mạng xã hội nhưng việc định hướng mới chỉ nhằm vào vấn đề phản cảm mà chưa chú trọng đến tác động của các mạng xã hội...”.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc phối hợp, chấn chỉnh theo tinh thần Chỉ thị 65 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, HTV đã có nhiều biện pháp quyết liệt trong việc chống ăn mặc phản cảm, hát nhép trên sân khấu. Đại diện của HTV cho rằng: “Trong các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp, chúng tôi luôn cử “cảnh sát trang phục” đứng ở cánh gà, nếu thấy ca sĩ ăn mặc không đúng quy định sẽ mời xuống ngay lập tức. Bởi đã có trường hợp, ca sĩ khi đến biểu diễn ăn mặc lịch sự nhưng khi lên tới cánh gà sân khấu thì cởi ngay lớp áo khoác bên ngoài, hiện nguyên bộ đồ diễn bên trong cực kì phản cảm. Ngay lập tức, “cảnh sát” từ cánh gà xuất hiện để ngăn chặn, trước khi ca sĩ này kịp bước ra sân khấu. Chúng tôi thà mất lòng ca sĩ chứ không thể để xảy ra vấn đề phản cảm trên sân khấu... Thậm chí, chúng tôi còn trang bị sẵn áo để ứng phó với các tình huống bất ngờ để chặt chẽ hơn trong trang phục biểu diễn của nghệ sĩ”.

Ông Võ Trọng Nam, Phó GĐ Sở VHTTDL TP.HCM cho rằng “Trong thời gian qua, HTV đã hoàn thành vai trò và nhiệm vụ chính trị. Trong đó, việc ghi hình phát sóng các chương trình nghệ thuật truyền thống như: Hát bội, cải lương các chương trình về nguồn, tổ chức anh em văn nghệ sĩ phục vụ bà con tại Côn Đảo... Từ Chỉ thị 65 của Bộ VHTTDL, vai trò của Đài thể hiện sự phối hợp ủng hộ rất rõ, thực hiện phỏng vấn các ca sĩ, nghệ sĩ góp phần tuyên truyền rất nhiều. Một ca khúc mới hoàn toàn, đài cương quyết yêu cầu tập luyện chứ không hát nhép là điều đáng khích lệ”.

Phim Việt 60% là đạt yêu cầu nhưng hệ thống truyền hình cáp của HTV, nhiều kênh tỉnh tỉ lệ chiếu phim Hàn Quốc, Trung Quốc còn quá lớn...(Đại diện Sở TT&TT)

Đại diện UBND TP.HCM chia sẻ: “Mỗi năm, lãnh đạo UBND TP cùng các sở, ngành đều duyệt kế hoạch trong năm của HTV. Tất cả các liên hoan, hội diễn do Đài tổ chức rộng rãi đều phải xin phép. Trong năm qua, nhiều chương trình giải trí lớn như Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ... Đài đều không nhận làm, dẫn đến doanh thu của Đài giảm sút nhưng HTV vẫn cương quyết với nạn hát nhép, trang phục phản cảm...”.

Theo đại diện Sở TT&TT TP.HCM: “Vấn đề chiếu phim Việt Nam trên HTV chiếm 60% thời lượng phát sóng là đạt yêu cầu. Tuy nhiên, hệ thống truyền hình cáp của HTV, nhiều kênh tỉnh, tỉ lệ chiếu phim Hàn Quốc, Trung Quốc còn quá lớn, ảnh hưởng đến định hướng thẩm mỹ văn hóa người xem. Phim nước ngoài trên các kênh HBO, Star Movie đều do Đài thẩm định còn số lượng cảnh nóng, bạo lực nhiều. Phải có một cơ chế phối hợp kiểm soát tương ứng giữa phim truyền hình và điện ảnh. Trong khi phim điện ảnh thì kiểm soát chặt chẽ, kĩ lưỡng, còn phim truyền hình nước ngoài vẫn giao cho các đài tự thẩm định...”.

Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục NTBD thì cho rằng, “Các chương trình ca nhạc của Đài nên bổ sung các bài hát, văn nghệ truyền thống, tăng thời lượng phát sóng các chương trình truyền thống như chèo, tuồng của phía Bắc. Giới trẻ hiện nay đang có xu thế hướng ngoại, tìm giải trí ngoài luồng nhưng nếu đưa thời lượng lớn các chương trình truyền thống mang tính chính luận, đậm đà bản sắc văn hóa thì dần dần sẽ có kết quả. Cuộc thi Giọng hát Việt nhưng các thí sinh lại sử dụng 80% ca khúc nước ngoài là hết sức phản cảm, các ca khúc cách mạng lại không đưa vào...”.Lãnh đạo HTV cũng đưa ra kiến nghị mong muốn Bộ VHTTDL hằng năm tổ chức hội chợ phim trong nước và nước ngoài để các đài có điều kiện giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm... Cục NTBD nên cung cấp thông tin các bài hát được và chưa được cấp phép để không bị động trong việc tổ chức các chương trình ca nhạc của Đài... Tác động đến báo chí, quản lí báo chí tham gia vào việc tuyên truyền các chương trình nghệ thuật truyền thống để không khập khiễng quá mức so với các chương trình giải trí, scandal... Rất nhiều những chia sẻ, kinh nghiệm cũng như những hạn chế trong công tác tổ chức phát sóng được lãnh đạo HTV chia sẻ thẳng thắn tại buổi làm việc.

Trong năm qua, nhiều chương trình giải trí lớn như Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ Đài đều không nhận dẫn đến doanh thu của HTV giảm sút nhưng HTV vẫn cương quyết với nạn hát nhép, trang phục phản cảm... (Đại diện UBND TP)

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và vai trò của HTV trong việc phối hợp với Bộ VHTTDL chấn chỉnh các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang thời gian qua. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị Cục NTBD lưu ý những điểm còn chưa phù hợp với thực tế đang rất sôi động trong BDNT, trong đó NĐ 103 của Chính phủ, NĐ 75 về xử phạt hành chính... gần như không đề cập đến các hoạt động của các Đài truyền hình. Thứ trưởng cũng đề nghị HTV rà soát các chương trình trò chơi, cuộc thi âm nhạc, hài hòa thời lượng quảng cáo. Tiếp tục tác động các chương trình ca nhạc, thời trang, đặc biệt các chương trình truyền hình trực tiếp đảm bảo hành vi ca sĩ, diễn viên đúng thuần phong mĩ tục của Việt Nam. HTV thời gian qua đã làm rất tốt “cảnh sát trang phục”, cần được phổ biến rộng rãi cho các nơi khác làm theo. Đối với Chỉ thị 65, đề nghị Đài tiếp tục phối hợp thực hiện nghiêm cùng Bộ không để xảy ra hát nhép, đàn nhái... không để các người mẫu, ca sĩ có trang phục phản cảm lên sân khấu biểu diễn...

Về phía Bộ, Thứ trưởng yêu cầu Cục NTBD nghiên cứu, bổ sung các quy định biểu diễn ca nhạc, thời trang trên sóng truyền hình. Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục NTBD, Cục Điện ảnh bàn với các đài truyền hình có cơ chế cung cấp thông tin, trao đổi nhiệm vụ thường xuyên hơn nữa. Thanh tra Bộ 3 tháng một lần cung cấp thông tin cho đài các trường hợp cá nhân ca sĩ, người mẫu vi phạm để các đài không mời tham gia...

Trong các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp, chúng tôi luôn cử “cảnh sát trang phục” đứng ở cánh gà, nếu thấy ca sĩ ăn mặc không đúng quy định sẽ mời xuống ngay lập tức. Đã có trường hợp, ca sĩ khi đến biểu diễn ăn mặc lịch sự nhưng khi lên tới cánh gà sân khấu thì cởi ngay lớp áo khoác bên ngoài, hiện nguyên bộ đồ diễn bên trong cực kì phản cảm. Ngay lập tức, “cảnh sát” từ cánh gà xuất hiện để ngăn chặn, chúng tôi thà mất lòng ca sĩ chứ không thể để xảy ra vấn đề phản cảm trên sân khấu... Thậm chí, chúng tôi còn trang bị sẵn áo để ứng phó với các tình huống bất ngờ để chặt chẽ hơn trong trang phục biểu diễn của nghệ sĩ.

(Đại diện HTV)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link