15/04/2014 10:07 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Đà Nẵng từng cưu mang 3 cầu thủ “dính chàm” trong vụ bê bối của U23 Việt Nam tại SEA Game 2005 là Phước Vĩnh, Quốc Anh và Hải Lâm để giúp họ sớm đứng lên sau sa ngã. Bởi thế, lãnh đạo đội bóng sông Hàn thấu hiểu và chia sẻ nỗi đau với CLB V.Ninh Bình hiện tại, khi hàng loạt cầu thủ của CLB này bị phát hiện tham gia cá độ và dàn xếp tỷ số, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự đội bóng.
Trong cuộc trao đổi với Thể thao & Văn hóa, Tổng GĐ Cty CP thể thao SHB.Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa đã chia sẻ những kinh nghiệm về cách giáo dục, quản lý cầu thủ, đặc biệt trong quá trình cưu mang và cảm hóa 3 cầu thủ Phước Vĩnh, Quốc Anh và Hải Lâm.
“Đà Nẵng khác những CLB khác ở cách cư xử”!
3 trong 7 cầu thủ là bị can trong vụ tiêu cực ở ĐT U23 Việt Nam năm 2005 là Quốc Anh, Hải Lâm, Phước Vĩnh của SHB.Đà Nẵng giờ vẫn chơi tốt ở V-League. Thậm chí năm ngoái Quốc Anh còn đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng.
Trong khi đó, 4 cầu thủ khác thì hoặc rất lận đận như Văn Quyến, Văn Trương, Bật Hiếu, hoặc đã giải nghệ như Quốc Vượng.
Điều đó nói lên rằng, SHB.Đà Nẵng đã làm tốt hơn các đội bóng khác trong việc tạo điều kiện cho các cầu thủ “dính chàm” biết cách đứng dậy. Chia sẻ về điều này, ông Bùi Xuân Hòa cho biết: “Thực ra, môi trường ở Đà Nẵng sạch hơn nhiều nơi khác, nhưng việc Quốc Anh, Hải Lâm, Phước Vĩnh đứng dậy được và thành công như bây giờ nhờ vào bản thân họ. Họ có ý chí, nghị lực ghê gớm mới vượt qua nỗi mặc cảm của một cầu thủ mang trong mình tội bán độ”.
“Tôi còn nhớ trận đầu tiên 3 cầu thủ này trở lại thi đấu chính thức trong màu áo SHB.Đà Nẵng là ở mùa giải 2008. Trận đó, chúng tôi làm khách sân Lạch Tray của Hải Phòng.
Quốc Anh, Hải Lâm, Phước Vĩnh cóng chân có đá được đâu vì khán giả Hải Phòng la ó họ là những cầu thủ bán rẻ màu cờ sắc áo. Nói vậy để thấy, để được như bây giờ, họ từng vượt qua rất nhiều khó khăn, mặc cảm bản thân”, ông Hòa chia sẻ.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận lãnh đạo SHB.Đà Nẵng đã có một cách làm đầy tình người để giúp Phước Vĩnh, Hải Lâm tự tin đứng dậy.
“Thực ra hồi đó Hải Lâm chưa phải là cầu thủ thuộc sở hữu của Đà Nẵng. Thế nhưng, cùng với Phước Vĩnh, Quốc Anh, Hải Lâm được CLB tạo điều kiện cho tập luyện chung trong thời gian họ hưởng án treo.
Ngoài ra, chúng tôi còn chu cấp cho họ những khoản tiền tiêu xài cá nhân cần thiết. Lãnh đạo Đà Nẵng cũng có những động thái để giúp họ được giảm án.
Đáng mừng khi VFF ủng hộ điều đó. Tôi nghĩ Đà Nẵng khác những nơi khác là ở chỗ đó: cách cư xử. Chúng tôi có thể tự hào vì tin rằng cách cư xử đầy tình người này đã giúp những cầu thủ sa ngã sớm trở lại với đời sống bóng đá đỉnh cao. Và quan trọng nhất, bây giờ, họ đang là những cầu thủ trụ cột của SHB.Đà Nẵng”, ông Bùi Xuân Hòa tâm sự.
Ủng hộ V.Ninh Bình và VFF làm quyết liệt
Đề cập đến vụ việc hàng loạt cầu thủ V.Ninh Bình tham gia cá độ và dàn xếp tỷ số đang gây rúng động dư luận, ông Bùi Xuân Hòa nói: “Thời điểm năm 2005, bóng đá chúng ta mới vào chuyên nghiệp nên ở góc độ nào đó, người hâm mộ dễ châm chước cho những hành vì sai trái của cầu thủ. Hơn nữa, ngày đó, chúng tôi tạo điều kiện cho anh em vì họ còn quá trẻ lại bị lôi kéo vì chưa có những bài học nhãn tiền. Còn bây giờ, cầu thủ “dính chàm” chắc chắn không ai cứu, kể cả SHB.Đà Nẵng.
Tôi ủng hộ V.Ninh Bình làm đến nơi đến chốn vụ này. Quan điểm của chúng tôi rất mong muốn VFF mạnh mẽ, quyết liệt để cùng phối hợp với các cơ quan chức năng loại bỏ tiêu cực ra khỏi đời sống bóng đá.
Chúng tôi hoan hô quan điểm của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng là sẽ loại những cầu thủ bán độ ra khỏi đời sống bóng đá. Xa hơn, cần phải đưa họ đối diện với pháp luật, với những bản án để làm gương”.
Luôn luôn giáo dục pháp luật cho cầu thủ
Từ câu chuyện của 3 cầu thủ SHB.Đà Nẵng “dính chàm” năm 2005 đến vụ hàng loạt cầu thủ V.Ninh Bình tham gia làm độ bây giờ, ông Bùi Xuân Hòa chia sẻ: “Kinh nghiệm quản lý tốt của đội bóng sông Hàn là luôn luôn giáo dục pháp luật cho cầu thủ”.
“Ở SHB.Đà Nẵng, chúng tôi luôn luôn đề cao công tác giáo dục pháp luật cho các cầu thủ. Trong mỗi buổi tập, bên cạnh chuyên môn, HLV và lãnh đạo CLB chú trọng đến công tác giáo dục các em.
Chúng tôi muốn cầu thủ biết được hậu quả của việc vi phạm pháp luật là như thế nào. Chúng tôi càng muốn cầu thủ hiểu họ đang được ưu ái, hưởng thụ cái gì để có ý thức bản thân cũng như bảo vệ danh dự của đội bóng.
Với các lứa cầu thủ trẻ đều phải chào cờ hát Quốc ca đầu tuần để ý thức về tình yêu Tổ quốc. Với nhiều người, những điều này có lẽ sẽ sáo rỗng, rập khuôn nhưng chúng tôi luôn coi trọng và coi đó là cách tốt để giáo dục cầu thủ.
Tất nhiên, SHB.Đà Nẵng có thuận lợi hơn nhiều đội bóng khác là cầu thủ chúng tôi chủ yếu nguồn từ địa phương nên dễ quản lý.
Mặt khác, tôi nghĩ thành công trong cách quản lý của SHB.Đà Nẵng thời gian qua nhờ vào cái mà người ta gọi “bàn tay sắt” của HLV Lê Huỳnh Đức. Cầu thủ cảm thấy gò bó nhưng tất cả sự nghiêm khắc của Đức đã mang đến nhiều điều tốt đẹp cho họ”.
Phạm Tâm
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất