Mối lo bắt cóc trẻ sơ sinh

07/11/2011 09:00 GMT+7 | Thế giới

Sáng 6-11, qua điện thoại, ông Nguyễn Viết Tiến - thứ trưởng Bộ Y tế kiêm giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư - cho rằng sau vụ mất trẻ sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản T.Ư đã triển khai nhiều phương án để bảo vệ trẻ.

Nhưng thực tế cho thấy quy trình ra viện của sản phụ vẫn chưa có gì thay đổi. Tại một số bệnh viện khác vẫn còn nhiều sơ hở trong việc quản lý trẻ sơ sinh.



Một sản phụ cùng em bé trình giấy ra viện cho bảo vệ Bệnh viện phụ sản Từ Dũ chiều 6-11 - Ảnh: T.T.D.

Chiều qua là chủ nhật, ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư vẫn có sản phụ bế con ra viện. Dưới sân bệnh viện, gần chục chiếc taxi đang đợi khách.

Thoải mái ra về

Một gia đình sản phụ bế một bé gái ra viện về Thường Tín (Hà Nội), người mẹ trẻ cho hay gia đình đã tạm nộp viện phí 3,5 triệu đồng nên hôm nay ra viện không phải trình bất kỳ giấy tờ gì. Cùng thời điểm này, một gia đình khác với bốn người nhà và sản phụ cũng bế em bé mới sinh đi ra cổng phía đường Tràng Thi, nơi chiếc xe bảy chỗ đang đợi sẵn. Người bố trẻ cho hay bé sinh hôm 2-11 và hôm nay đợi đến “giờ đẹp” là ra về, hai ngày nữa mới quay lại làm thủ tục ra viện. “Từ tầng 5 bệnh viện ra đến đây không thấy ai hỏi gì” - ông bố trẻ nói.

Trong khi đó tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bất cứ ai bế trẻ ra khỏi viện đều bị chặn lại trước trạm bảo vệ ngoài cổng và phải trình đủ giấy ra viện, giấy chứng sinh. Trường hợp muốn ra viện sớm “theo giờ thầy xem” chỉ được chấp nhận khi sức khỏe cả mẹ con đảm bảo, được khoa cấp cho một tờ “giấy ra cổng” có chữ ký của đại diện khoa. “Bảo vệ sẽ giữ lại tờ giấy này, nếu không may có chuyện, người ký trên giấy sẽ chịu trách nhiệm” - TS Nguyễn Huy Bạo, giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết.

Trả lời về việc có thể có người mặc áo blouse vào bệnh viện để bắt trộm trẻ, ông Bạo nói: “Đây là mối lo có thật. Không chỉ là chuyện trà trộn để bắt cóc trẻ em. Không kiểm soát chặt, đối tượng xấu có thể mặc trang phục ngành y để lừa đảo, cò mồi và làm đủ chuyện. Từ khi hay tin về vụ bắt cóc tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, chúng tôi rất lo lắng và tăng cường giám sát chặt quy trình cho trẻ xuất viện.

Các sản phụ và gia đình cũng nên để ý đến thẻ tên trên ngực áo bác sĩ. Danh sách trực được cập nhật hằng ngày, bảng tên trên áo sẽ cho người nhà biết đó có phải chính nhân viên y tế thật sự hay không”.



Người nhà sản phụ đưa trẻ sơ sinh đi khám trong khuôn viên Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM).


Người lạ dễ dàng đến gần trẻ sơ sinh

"Đây là loại tội phạm mới, có ý đồ rõ ràng vào bắt cóc trẻ. Các bệnh viện cần rút kinh nghiệm về quy trình để quản lý trẻ sơ sinh chặt chẽ hơn. Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ có văn bản thông báo để các bệnh viện có quy trình phù hợp, vừa giảm thủ tục hành chính, vừa chặt chẽ"

Ông Lương Ngọc Khuê (cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế)

Tại khu sinh dịch vụ (khu A) Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), trong các ngày cuối tuần có rất nhiều sản phụ cùng trẻ sơ sinh phải nằm trên các giường kê dọc hành lang các khoa hậu sản, hậu phẫu. Có nhiều giường, bà mẹ và người thân đều ngủ say đến nỗi chúng tôi dừng lại bàn tán ngay bên cạnh trong thời gian khá lâu mà chẳng ai hay biết.

Ở đây, những “người lạ mặt” như chúng tôi có thể vào khu vực các khoa phòng nhưng không một lần bị “hỏi thăm”. Chúng tôi cũng dễ dàng đến sát các giường bệnh của sản phụ và trẻ sơ sinh trong các phòng hay các giường tại hành lang. Tại khu sinh bảo hiểm y tế (khu B) cũng như vậy.

Theo các điều dưỡng, về nguyên tắc luôn có bảo vệ và nữ hộ sinh đi vòng hành lang các khoa, thấy bà mẹ và người nhà nào ngủ, không có ai trông trẻ sơ sinh thì phải đánh thức thân nhân dậy.

Theo ghi nhận, sau khi hoàn tất các khoản thu viện phí, người nhà được nhận hai giấy tờ quan trọng là giấy chứng sinh và giấy ra viện.

Trưa 5-11, chúng tôi thấy đa số các trường hợp sau khi nhận được đầy đủ giấy tờ, sản phụ và trẻ sơ sinh cùng người nhà được phép thoải mái ra về. Không có hộ lý hay bất cứ nhân viên nào của bệnh viện giám sát trong suốt quá trình từ giường bệnh ra đến cổng. Tại cổng bệnh viện ở phía đường Hồng Bàng (Q.5), bảo vệ chỉ yêu cầu người nhà trình giấy ra viện, thậm chí có bảo vệ không hề đọc những gì ghi trên giấy như tên tuổi sản phụ, địa chỉ, ngày giờ vào - ra viện, chỉ làm một động tác nhanh như chớp là bấm lỗ ở một góc giấy ra viện rồi cho taxi ra cổng.

Theo các bảo vệ, sản phụ và em bé có thể xuất viện ở bất cứ cổng nào, ở đâu cũng có người kiểm tra giấy ra viện. Tuy nhiên trong chiều 6-11, chúng tôi thấy có nhiều trẻ quấn khăn kín được người lớn bồng từ các khoa trại đi ra cổng bệnh viện không hề bị bảo vệ hỏi bất cứ giấy tờ nào. Khi hỏi thăm người nhà, chúng tôi mới được biết các trẻ này đi chích ngừa hoặc đi khám theo lịch hẹn tại khoa phụ nội - nội tiết. Tại khoa này có khá nhiều trẻ 1 tháng tuổi được người nhà bồng bế ra vào.

Trả lời về việc làm sao bảo vệ phân biệt được trẻ sơ sinh xuất viện với các trường hợp trẻ đến khám, chích ngừa tại khoa phụ nội - nội tiết, bác sĩ Trần Thiện Vĩnh Quân - phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - nói đa số các trẻ đến khoa phụ nội - nội tiết đều đã lớn tháng và rất khác so với trẻ sơ sinh. Trường hợp đưa trẻ đi chích ngừa, khám bệnh chỉ có thân nhân, khác với trẻ sơ sinh xuất viện lúc nào cũng phải có sản phụ đi cùng.

Không có chuyện mất trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Hùng Vương

Trả lời thông tin từ đường dây nóng báo Tuổi Trẻ nhận được từ bạn đọc cho biết cách đây khoảng năm ngày có một sản phụ sinh mổ nằm giường ngoài hành lang Bệnh viện Hùng Vương, khi tỉnh lại thì không thấy con đâu nữa. Bác sĩ Trần Thiện Vĩnh Quân, phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, khẳng định không có vụ việc này. “Tôi không hề nghe có bất cứ trường hợp nào như vậy. Đây là việc chấn động, cả bệnh viện phải biết, nếu có thì tôi đã được báo cáo ngay rồi” - bác sĩ Quân nói. Bác sĩ Quân cũng khẳng định từ trước đến nay ở Bệnh viện Hùng Vương chưa bao giờ để xảy ra sự cố mất trẻ sơ sinh.

Quy trình kiểm soát trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ

“Từ trước đến nay, Bệnh viện phụ sản Từ Dũ TP.HCM đã có những quy trình quản lý trẻ sơ sinh chặt chẽ để ngăn chặn việc bắt cóc trẻ sơ sinh” - bác sĩ Lê Quang Thanh, phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết.

Theo bác sĩ Quang Thanh, với những bà mẹ sinh thường, nhân viên y tế sẽ bồng em bé đến để mẹ nhìn mặt bé, khi mẹ được chuyển đến khoa hậu sản, bé được giao tận tay cho mẹ và gia đình. Trong trường hợp sau khi sinh người mẹ phải cấp cứu hoặc điều trị tiếp, nhân viên y tế cho gia đình nhìn mặt bé rồi đưa bé vào khu dưỡng nhi - khoa sơ sinh chăm sóc.

Khi mẹ ổn định, bé được chuyển giao tận tay mẹ và gia đình. Nếu bé có bệnh lý hoặc non tháng sẽ được chuyển sang phòng sơ sinh, sẽ giao lại cho mẹ và gia đình khi bé trở lại bình thường.Trong trường hợp cần di chuyển bé để khám hoặc xét nghiệm, người nhà của bé luôn đi cùng nhân viên y tế.

Khi sản phụ xuất viện đều phải ra bằng cổng chính của bệnh viện và phải trình giấy xuất viện hoặc giấy tờ liên quan tại bảo vệ. Với những bé được thân nhân bồng vào bệnh viện khám, chích ngừa khi trở ra cũng được kiểm soát kỹ theo quy trình này.

Tuy nhiên theo bác sĩ Quang Thanh, nếu gặp đối tượng bắt cóc trẻ em chuyên nghiệp, lợi dụng sự mất cảnh giác của gia đình và sử dụng các biện pháp che giấu tinh vi cũng có thể đưa bé ra khỏi bệnh viện. Cho nên sản phụ và thân nhân bệnh nhân cần đề cao cảnh giác với người lạ mặt, phối hợp với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc và điều trị cho trẻ.


Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link