Đổi chủ ở Anfield: Cứu Liverpool khó cứu như tàu Titanic?

11/10/2010 11:56 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Sự sụp đổ toàn diện đã cận kề với Liverpool, theo lời doanh nhân nổi tiếng tài ba Martin Broughton, người đã được mời tới Anfield vào tháng 4 năm ngoái, ngồi vào chiếc ghế chủ tịch và nhận mức lương hơn nửa triệu bảng mỗi năm chỉ để tìm cách bán CLB đi.

Vụ bán lại CLB: Vẫn chưa xong


Liverpool của Gerrard đang khủng hoảng trầm trọng, Ảnh Getty
Những tin tức mấy ngày qua tại Merseyside tưởng chừng như đầy lạc quan. Tập đoàn thể thao Mỹ New England Sports Ventures, do nhà tài phiệt John W Henry đứng đầu, tuyên bố đã mua lại đội bóng áo đỏ với giá 300 triệu bảng từ tay bộ đôi Tom Hicks và George Gillett. Tuy nhiên, một số diễn biến mới nhất cho thấy tình hình phức tạp hơn thế rất nhiều.

Bất chấp việc cả bên mua lẫn Broughton bày tỏ sự tự tin tưởng chừng như chắc chắn, các nguồn thạo tin cho hay trên thực tế, thỏa thuận vẫn ở trong tình trạng 50-50 khi Hicks, đã đưa vụ việc lên Tòa án tối cao Anh, quyết tâm ngăn cản việc bán lại CLB với lập luận cuộc bỏ phiếu trong ban quản trị đội bóng là không hợp lệ.

Theo lý, tuần trước, nếu Broughton không thể thắng được mong muốn của bộ đôi người Mỹ và không thể tìm một ông chủ mới cho Liverpool thì ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS), chủ nợ chính của đội bóng áo đỏ với khoản nợ 237 triệu bảng, sẽ tiếp quản CLB và chấm dứt hợp đồng với NESV. Nhưng giả định đó giờ cũng gặp nhiều vấn đề phức tạp, bởi lẽ nếu điều đó xảy ra, Liverpool có thể bị ban ban tổ chức Premier League trừ 9 điểm, hình phạt tối thiểu với bất cứ CLB nào lâm vào vỡ nợ.

Tình hình thêm rối rắm khi NESV cho hay nếu đội bóng áo đỏ phải nhận hình phạt đó, họ sẽ chấm dứt mọi cuộc thương lượng mua lại và không chỉ NESV, những pháp nhân khác từng quan tâm đến việc sở hữu Liverpool cũng sẽ chùn bước, tức viễn cảnh đen tối nhất: rớt hạng, là hoàn toàn có thể xảy ra với đội chủ sân Anfield. RBS trước đó đã khẳng định họ không có ý định điều hành Liverpool và nếu ngân hàng này quyết định siết nợ, đội bóng áo đỏ sẽ phải viện đến sự trợ giúp của nhà nước Anh. Khi đó, ban tổ chức Premier League không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trừ điểm CLB có truyền thống lâu đời nhất giải.

Kịch bản ác mộng

Bản thân RBS thừa nhận để CLB cho nhà nước tiếp quản là một kịch bản ác mộng. Nếu điều đó trở thành hiện thực, khi khoản nợ 237 triệu bảng đáo hạn vào thứ sáu này, Liverpool sẽ xếp bét bảng Premier League với -3 điểm đúng vào tuần lễ họ có trận derby Merseyside với Everton. Còn về phía NESV, họ đang rất lo lắng trước diễn biến mới này. Trong quá trình thương lượng, công ty Mỹ đã cảm thấy cái giá 300 triệu bảng là quá đắt, chưa kể khả năng xoay chuyển được tình thế ở Anfield lúc này không phải là thật sự rõ ràng.

Đổi lại, những CĐV lâu đời của Liverpool, những người đến Anfield hàng tuần trong suốt nhiều thế hệ qua, thay vì chỉ mới 6 tháng như Broughton, cũng tỏ ra thận trọng về tương lai trong tay Henry, một người Mỹ khác. Xuất hiện tâm lý đó không chỉ là do những gì họ từng trải qua với Hicks và Gillett trong 3 năm qua, mà còn vì chính những CĐV áo đỏ lạc quan nhất cũng hiểu rằng tình thế hiện tại, sự thống trị của M.U và Chelsea, những sự vươn lên mạnh mẽ của Man City và Tottenham, không phải là xu thế có thể đảo ngược trong một sớm một chiều chỉ bằng các lời tuyên bố.

Những sai lầm trong quản lý và tầm nhìn hạn hẹp của những người lãnh đạo Liverpool trong suốt 20 năm qua không thể thay đổi chỉ trong một mùa giải, khi mà ở Emirates và Old Trafford, những nhà quản lý đã mất hàng thập kỷ xây dựng và thực hiện các kế hoạch thành công. Theo các số liệu mới nhất, trong mùa giải 2008-2009, M.U kiếm được 108,8 triệu bảng từ những ngày diễn ra trận đấu tại sân nhà của họ, con số đó ở Anfield là 42,7 triệu bảng.

Keith Harris, Chủ tịch ngân hàng đầu tư Seymour Pierce và là người môi giới chính cho các vụ mua lại Chelsea, Aston Villa, Manchester City và West Ham, bình luận: “Ai cũng thấy rằng Liverpool không có sân bóng mới chỉ là một chú vịt què. Một vấn đề nữa là tôi không tin Hicks và Gillett chịu nhượng bộ. Những tổn hại với CLB, do đó, sẽ là rất lớn”. Thật vậy, Liverpool đang chìm sâu và nhanh như tàu Titanic trong thảm họa của nó. Các khoản thua lỗ tính đến tháng 7/2009 đã là 54,9 triệu bảng và dù nợ có giảm bớt, việc không được tham dự Champions League mùa này sẽ khiến đội bóng áo đỏ mất thêm khoảng 20 triệu bảng nữa.

Việc bớt được gánh nặng lãi suất từ các khoản nợ, khoảng 40 triệu bảng vào năm 2009, như kế hoạch của NESV, sẽ là bước tiến lớn giúp ổn định tình hình tài chính tại CLB, nhưng bấy nhiêu vẫn là chưa đủ. Nếu không có một sân bóng mới, Liverpool vô phương cạnh tranh được với những M.U, Chelsea, Arsenal hay Man City. Để hoàn tất được sân Stanley Park dự kiến có sức chứa 60.000 chỗ, hiện đã được đầu tư khoảng 30 triệu bảng, các ông chủ mới sẽ phải bỏ ra 400 triệu bảng chi phí xây dựng, phần lớn là tiền đi vay và trong thời buổi này, đó là một sự rủi ro quá lớn. Ví dụ từ Arsenal cho thấy theo đuổi sự ổn định về tài chính đồng nghĩa với việc hy sinh những danh hiệu ra sao. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ đội chủ sân Emirates mới phải chờ đợi 6 năm, còn Liverpool đã 20 năm qua không vô địch Premier League.

Tuần lễ quyết định

+ Vụ kiện Phía nguyên đơn là Tom Hicks và George Gillett. Họ cố gắng ngăn cản vụ bán CLB cho NESV với giá 300 triệu bảng. Phiên điều trần trước xét xử sẽ diễn ra tại Tòa án tối cao Anh tuần này. Chủ tịch Martin Broughton, bên bị đơn, nói quyết định bán CLB đã được đa số trong hội đồng quản trị thông qua.

+ Nếu Broughton thắng kiện NESV, do ông chủ đội bóng chày Boston Red Sox John W Henry đứng đầu, sẽ trở thành chủ nhân mới của Liverpool và sẽ bắt tay ngay vào việc giải quyết khoản nợ 237 triệu bảng.

+ Nếu Hicks thắng kiện Ông và Gillett sẽ phải trả khoản nợ 280 triệu bảng cho ngân hàng RBS trước thứ sáu. Nếu ông không thể, ngân hàng sẽ siết nợ và Liverpool có thể phải được nhà nước Anh cứu, đồng nghĩa với việc họ chắc chắn bị trừ 9 điểm.

+ Hodgson và các cầu thủ Hiện đã ở vị trí thứ ba từ dưới lên, các CĐV không muốn HLV và các cầu thủ lấy cớ tình hình rối loạn ngoài sân để giải thích cho những trận đấu kém cỏi. Nếu họ thua cuộc tại Everton chủ nhật này, sức ép sẽ càng lớn.

+ Kịch bản tốt nhất Quyền sở hữu CLB được định đoạt trước thứ sau và các khoản đầu tư mới giúp trả nợ và tăng cường đội hình cho tháng 1 sẽ được rót vào.

+ Kịch bản tồi tệ nhất CLB bị nhà nước Anh tiếp quản và Liverpool đối mặt khả năng xuống hạng, giống như Leeds trước kia.


Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link