Vụ Mỹ và đồng minh không kích Syria: Một toan tính sai lầm

15/04/2018 13:45 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng đã chọn một giải pháp quân sự khi cùng hai đồng minh Anh và Pháp phát động cuộc tấn công nhằm vào một số cơ sở của Syria, bất chấp nhiều cảnh báo trước đó rằng hành động này sẽ chỉ làm leo thang căng thẳng và gây bất ổn thêm cho khu vực Trung Đông.

Có thể nói vụ tấn công của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria  ngày 14/4 cũng không quá bất ngờ bởi Tổng thống Trump đã liên tục đưa ra những lời đe dọa về hành động quân sự ngay sau khi có thông tin đầu tiên về "nghi án" sử dụng vũ khí hóa học tại Syria mà phương Tây khăng khăng đổ cho quân đội chính phủ Syria dù chưa có bằng chứng cụ thể, còn Damascus liên tục bác bỏ và yêu cầu điều tra quốc tế. 

Chú thích ảnh
21h ngày 13/4/2018 theo giờ Washington, từ Phòng Ngoại giao của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công các mục tiêu liên quan đến năng lực vũ khí hoá học của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chiến dịch của Mỹ phối hợp với hai đồng minh Anh và Pháp, nhằm vào ba mục tiêu được cho là cơ sở vũ khí hoá học của chính quyền Syria ở Damascus và Homs. Ảnh: THX, AFP/TTXVN

Năm ngoái, cũng với một lý do tương tự, ông Trump đã ra lệnh cho quân đội Mỹ bắn tổng cộng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân của Syria, nơi cả binh sĩ Syria và Nga đóng quân. Vụ tấn công năm nay thêm sự tham gia của hai đồng minh Anh, Pháp, có mức độ quyết liệt hơn, nhằm vào nhiều mục tiêu hơn với trên 100 quả tên lửa, song mức độ thiệt hại của Syria không lớn bằng năm ngoái. Những thông báo của phía Syria về thiệt hại sau cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh ngày 14/4 cho thấy có vẻ Damascus có đủ thời gian chuẩn bị để đối phó và hạn chế thiệt hại. Diễn biến của cuộc tấn công cho rằng Mỹ, Anh và Pháp dường như cũng không muốn đi quá xa tới mức có thể dẫn tới một cuộc đụng độ trực tiếp với Nga tại Syria, nên các mục tiêu tấn công đã được tính toán cụ thể.

Trên thực tế, cái gọi là vụ tấn công hóa học tại thị trấn Douma gần thủ đô Damascus của Syria cho tới nay vẫn chưa có một tổ chức uy tín nào tiến hành một cuộc điều tra độc lập và khách quan. Tổng thống Syria Bashar Al-Assad còn khẳng định rằng những cáo buộc của Mỹ về một vụ tấn công hóa học “dựa trên những thực tế được thêu dệt”, Nga cũng công bố bằng chứng đã có sự “ngụy tạo” trong vụ việc này với ý đồ đổ lỗi cho quân đội Syria. Do đó, việc Mỹ và phương Tây vội vàng lên tiếng cáo buộc Chính phủ Syria vượt qua “lằn ranh đỏ” về việc sử dụng vũ khí hóa học mà Mỹ đặt ra chỉ là cái cớ để Washington và đồng minh có hành động phiêu lưu quân sự. 

Cũng phải nhắc lại cảnh báo của giới chức Nga trước đó khi Mỹ đe dọa tấn công quân sự Syria, rằng Mỹ đang tìm cách làm suy yếu nỗ lực tiến hành điều tra trên thực địa ở Syria về cuộc tấn công hóa học khi dùng tên lửa thông minh để hủy diệt tất cả các chứng cứ trên thực địa, khiến cộng đồng quốc tế không tìm ra được bằng chứng nào. Dư luận cho rằng với cuộc tấn công chớp nhoáng lần này, Mỹ và đồng minh có lẽ muốn hỗ trợ lực lượng đối lập Syria được phương Tây hậu thuẫn, vốn đang bị suy yếu sau những thắng lợi liên tiếp của các lực lượng ủng hộ chính quyền Syria, đồng thời kiềm chế tầm ảnh hưởng của Nga trong khu vực. 

Sự hỗ trợ tích cực về quân sự và ngoại giao của Nga thời gian qua đã làm thay đổi cục diện xung đột tại Syria, ngăn chặn hiệu quả sự can thiệp từ bên ngoài nhằm lật đổ Tổng thống Assad. Các sáng kiến của Nga trong việc tổ chức các hội nghị quốc tế nhằm hướng tới giải pháp chính trị xác định tương lai của Syria, càng giúp tăng cường vị thế của Moskva trong khu vực. Trong khi đó, vai trò của Washington tại Trung Đông đang ngày càng mờ nhạt, không chỉ bởi chiến lược không rõ ràng trong vấn đề Syria mà còn bởi những hành động gây tranh cãi, như việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, làm dấy lên làn sóng phản đối gay gắt. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà trong tuyên bố phát động tấn công, ngoài những lời lẽ cảnh báo Syria, ông Trump còn đề cập tới vai trò của Nga và Iran trong “nghi án” sử dụng vũ khí hóa học tại Gouma.

Hơn thế nữa, những tuyên bố “mạnh miệng” về tấn công quân sự “đáp trả vụ sử dụng sử dụng vũ khí hoá học ở Douma” hay “đã có bằng chứng trong tay” ngay cả khi các chuyên gia của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học được cử đến Syria để làm rõ vụ việc còn chưa kịp đặt chân tới Douma, đã khiến lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp không còn đường lùi. Thậm chí, có thể hiểu rằng vụ tấn công tên lửa nhằm vào Syria là cách để Tổng thống Mỹ Trump cùng Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thể hiện vai trò và “lấy lại uy danh”, trong bối cảnh hình ảnh của họ đã có phần sa sút sau những rắc rối vừa qua, kể cả về đối nội lẫn đối ngoại.

Lãnh đạo Anh, Pháp, Đức biện minh cho hành động không kích Syria

Lãnh đạo Anh, Pháp, Đức biện minh cho hành động không kích Syria

Ngày 14/4, lãnh đạo các quốc gia đồng minh của Mỹ là Đức, Anh và Pháp đã lên tiếng biện minh cho hành động không kích Syria nhằm đáp trả cái gọi là các vụ tấn công bị tình nghi sử dụng vũ khí hóa học.

Trong bối cảnh như vậy, những tính toán của Mỹ và đồng minh khi triển khai tấn công Syria có vẻ không phải “vì người dân Syria” như Washington vẫn tuyên bố. Ngay tại Mỹ, quyết định của Tổng thống Trump đã hứng chịu nhiều chỉ trích gay gắt. Nhiều nghị sĩ Mỹ chỉ trích quyết định của ông Trump là "liều lĩnh", đi ngược lại quy định của hiến pháp vì theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội mới có quyền phát động chiến tranh. Hạ nghị sĩ Dân chủ Jerry Nadler còn chia sẻ chính những phát biểu của ông Trump năm 2013 khi đề cập tới khả năng Tổng thống Mỹ lúc đó Barack Obama phát động tấn công Syria: "Tổng thống phải có sự phê chuẩn của Quốc hội trước khi tấn công Syria. Sai lầm lớn nếu ông ấy không làm việc đó". Chính giới Mỹ còn nghi ngờ rằng Tổng thống Trump chưa có một chiến lược toàn diện trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Việc Tổng thống Trump quyết định tấn công Syria còn được đánh giá là “tự mâu thuẫn” với quan điểm được chính ông nhiều lần thể hiện trước đây, thường lên giọng phê phán việc Mỹ đổ công của ra tiến hành chiến tranh ở nước ngoài và đòi rút hết binh lính Mỹ về nước. Ông Trum từng tuyên bố sẽ không can dự vào các cuộc chiến ở nước ngoài sau khi Mỹ “sa lầy” trong hai cuộc chiến, tiêu tốn 751 tỷ USD và sinh mạng của hơn 4.400 binh sĩ tại Iraq, cùng khoảng 3.000 binh sĩ Mỹ tử vong và phí tổn trên 700 tỷ USD tại Afghanistan. Trong khi đó, nước Mỹ hiện nay đang vướng vào quá nhiều vấn đề cần giải quyết, từ nội bộ chia rẽ, tâm lý thù hằn gia tăng tới các vụ bạo lực súng đạn ngày càng nhức nhối. Nếu coi hành động tấn công Syria là phương pháp tạo lợi thế trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới thì ông Trump có vẻ đã đi sai nước cờ.

Cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh được đánh giá khó có thể gây tác động tới tương quan lực lượng trên chính trường Syria hiện nay khi quân đội Syria đã củng cố sức mạnh và giành quyền kiểm soát hầu hết các thành phố lớn. Sau chiến thắng quyết định trước lực lượng khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, quân đội Syria mới đây đã kiểm soát khu vực Đông Ghouta, được coi là thành trì của lực lượng đối lập. Cục diện này đang tạo đà cho tiến trình chính trị giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.

Trong khi đó, nguy cơ dẫn tới cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa các lực lượng nước ngoài tại Syria, vẫn hiện hữu. Dù các bên hiện dường như đều tránh kịch bản leo thang không mong muốn này, song trong bối cảnh xung đột tại Syria đã trở thành một vấn đề quốc tế quan trọng, không chỉ tác động tới tương lai khu vực mà còn phản ánh cả vị thế của các cường quốc liên quan, mọi diễn biến tại Syria đều có thể “kích hoạt” những căng thẳng mới.

Nhất là khi bất đồng giữa Nga và phương Tây không chỉ giới hạn trong cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông mà còn thể hiện trên trường quốc tế và kéo theo sự tham gia của cả Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Ngay tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ diễn ra rạng sáng 15/4 giờ Hà Nội, một dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất lên án cuộc không kích của Mỹ, Anh, Pháp vào Syria đã không được thông qua do Mỹ, Anh và Pháp là 3 ủy viên thường trực HĐBA có quyền phủ quyết, trong khi cả 3 nước này đều đe dọa sẽ tiếp tục tấn công Syria.

Điều này cho thấy Mỹ và đồng minh chưa từ bỏ hành động quân sự chống Syria và hậu quả tiếp theo sẽ rất khó lường. Theo giới phân tích khu vực, trong vụ tấn công ngày 14/4, Nga có thể “ngó lơ” khi thiệt hại đối với  chính quyền Syria ở mức giới hạn. Nhưng nếu Mỹ và đồng minh tiếp tục tấn công thì mọi chuyện có thể đi theo chiều hướng khác. Các bên có thể nhanh chóng “sa chân” vào cuộc xung đột trực tiếp. Chưa kể Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran cũng đang có sự hiện diện quân sự tại Syria. Chính Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng cảnh báo về mối đe dọa từ nguy cơ leo thang xung đột giữa các cường quốc tại Syria khi các cơ chế và biện pháp bảo vệ để kiểm soát rủi ro leo thang từng tồn tại trước đây giờ đây dường như không còn tồn tại nữa.

Trong bối cảnh quốc tế đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria, hành động quân sự của Mỹ và các đồng minh càng gây phức tạp thêm tình hình tại quốc gia Trung Đông này và toàn bộ khu vực. Toan tính của Mỹ và đồng minh đã một lần nữa đặt tình hình khu vực Trung Đông, vốn đã nóng bỏng với một loạt các cuộc xung đột và mâu thuẫn chưa có lời giải, vào một mối đe doạ thực sự khác, nhất là nguy cơ xung đột leo thang vượt khỏi tầm kiểm soát thành một cuộc chiến khu vực. Hơn thế nữa, vụ tấn công đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm mà nếu không được kiên quyết ngăn chặn, các mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế sẽ nhanh chóng bị biến thành “cái cớ” cho những toan tính lợi ích cá nhân.

Tại sao Mỹ chọn tên lửa Tomahawk để không kích Syria?

Tại sao Mỹ chọn tên lửa Tomahawk để không kích Syria?

Được mệnh danh là "sứ giả chiến tranh", tên lửa Tomahawk luôn giữ vai trò mở màn khi Mỹ tham chiến. Tên lửa này có khả năng bắn trúng mục tiêu quan trọng có giá trị cao của đối phương với sai số cực nhỏ.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link