Cuối năm “đinh tặc” hoành hành trên đường Pháp Vân

14/12/2011 10:39 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Sau một thời gian “bặt tiếng”, gần đây trên đường cao tốc Pháp Vân (Hà Nội), bọn đinh tặc lại xuất hiện. Chúng rải các miếng kim loại mài nhọn để bẫy người đi đường, sau đó ép nạn nhân sửa xe với giá “cắt cổ”.

Phóng viên TT&VH đã mất nhiều ngày trên tuyến đường để theo dõi hiện tượng này.

Sửa xe cũng đòi... bồi dưỡng

Ngày 4/12 có mặt trên đường cao tốc Pháp Vân (theo hướng Pháp Vân - Cầu Giẽ) chúng tôi bắt gặp nhiều nạn nhân lếch thếch dắt xe vì thủng săm. Cách Pháp Vân khoảng 4km, anh Nguyễn Văn N. (quê ở Kiến Thụy, Hải Phòng) bực bội: “Tôi đang trên đường về quê đến đoạn này, bánh xe bỗng đảo mạnh, tay lái loạng choạng biết ngay là dính đinh, vừa phải vá xe hết 50 nghìn”.

Vừa chằng lại đống  đồ, anh N. kể: “Bực nhất là thợ sửa xe, tôi gọi điện theo số ghi trên dải phân cách, thỏa thuận 30 nghìn tiền vá xe. Ai ngờ sửa xong, họ còn đòi tôi 20 nghìn tiền bồi dưỡng... xăng xe”.

Đây không phải là lần đầu tiên anh N. dính đinh trên đoạn đường này, tháng trước đi qua địa phận xã Đỗ Xã (Thường Tín) xe anh cũng bị thủng săm do cán phải đinh. Anh N. cho biết: “Bọn đinh tặc thường rải đinh sát lề đường, không chỉ dùng những loại đinh dài, mà chúng còn cưa nhỏ đinh, rải thủy tinh nên rất khó phát hiện”.

Đi tiếp khoảng 3km, chúng tôi gặp gia đình anh Bùi Văn Hải (Thường Tín – Hà Nội) đang thỏa thuận giá cả với một thợ sửa xe. Anh Hải phân trần: “Tôi vừa đi thay săm xe tuần trước, giá một chiếc săm còn mới nguyên mà chỉ có 50 nghìn. Vẫn biết là gọi thợ cơ động để thay săm thì đắt hơn nhưng làm gì mà chèn ép người ta đến 130 nghìn một cái săm”.

Thợ sửa xe đang thay săm cho anh Bùi Văn Hải trên đường cao tốc Pháp Vân

Chiếc bánh xe Angel của anh Hải xẹp lép, chiếc săm bị rách khá to vứt chỏng chơ ngay cạnh. Một người đàn ông chừng 50 tuổi, hông đeo chiếc túi da rắn đựng đồ lỉnh kỉnh hạ giọng: “Săm của tôi là săm Sao vàng “xịn” chứ chú lên đoạn trên chúng nó thay cho chú săm Tàu mà vẫn giá thế thôi. 100 nghìn thì tôi sửa chứ thấp hơn thì tôi chịu”. Vừa nói người đàn ông này vừa móc trong chiếc túi da rắn một chiếc săm xe mới và chỉ lên nhãn hiệu SCR để chứng minh.

Không chỉ có xe máy mới dính đinh mà rất nhiều ô tô cũng trở thành nạn nhân của nạn đinh tặc. Chỉ đi từ cầu Pháp Vân đến xã Hà Hồi (Thường Tín) chúng tôi đã ghi nhận ba chiếc ô tô thủng săm do cán phải miếng sắt nhọn trên đường.

Theo phản ánh người dân, bọn đinh tặc này hoạt động có tổ chức chứ không đơn lẻ. Vá xe hoặc thay săm đều có giá chung (50 nghìn tiền vá xe, 100 đến 200 nghìn tiền thay săm), thậm chí vào buổi tối hoặc những hôm trời mưa giá còn cao gấp đôi. Tại đoạn cầu vượt Khê Hồi (Thường Tín), anh Nguyễn Hải Minh (Phúc Xá, Thường Tín) làm nghề lái xe ôm ở khu vực này cho biết: “Ngày nào ở đoạn đường này cũng có người cán phải đinh. Đông nhất là vào cuối tuần hoặc những dịp lễ tết. Nhiều trường hợp, miếng vá rất nhỏ nhưng bị bọn đinh tặc cố tình rạch to, rồi bắt thay săm mà những chiếc săm của chúng chủ yếu là săm Tàu nên rất nguy hiểm”.

Nhận diện đinh tặc

Trên hai lan can phòng hộ bên đường dày đặc các số điện thoại được sơn màu trắng, đỏ rất to. Mỗi một số điện thoại được ghi lại nhiều lần, sát nhau trên một đoạn đường nhất định. Gọi điện đến số điện thoại 0987756xxx... ghi trên lan can, một người đàn ông bắt máy. Sau khi nghe tôi trình bày xe dính đinh cần thợ sửa đến vá, người đàn ông này đưa ra giá ngay, 30 nghìn một miếng vá và 100 nghìn thay săm. Thấy tôi chần chừ, người này trấn an: “Giá như vậy là em phá giá đấy, nếu ai hỏi chị cứ bảo là vá hết 50 nghìn, đảm bảo em không tăng giá như người khác”.

Chỉ chưa đầy 300m tại xã Liên Phương - Thường Tín, chúng tôi
đã thu nhặt được hàng chục mẩu sắt các loại

Tôi vờ nói có thợ sửa xe gần đó rồi, lập tức người đàn ông này thay đổi giọng và văng tục. Thử dắt bộ một đoạn từ khu vực cầu Khê Hồi – Thường Tín (theo hướng Cầu Giẽ - Pháp Vân), ngay lập tức có đến ba thanh niên khác nhau đến tiếp cận. Điều đáng nói là trên đường cao tốc nhưng các đối tượng này đều đi ngược chiều, đầu không đội mũ bảo hiểm và rú ga lạng lách trên đường. Khi thấy tôi không có ý định sửa xe, tất cả đều tỏ thái độ khó chịu và văng tục.

Quan sát trên đường, chỉ chưa đầy 300m (tại địa phận xã Liên Phương – Thường Tín) tôi đã thu nhặt được hàng chục chiếc đinh đủ loại, nhiều nhất là loại đinh dài 7cm, hầu hết đều nằm ở sát mép đường. Những chiếc đinh này đều được dải cách quãng, thậm chí có cả những miếng sắt dẹt được mài nhọn nên nếu không để ý kỹ rất khó nhận diện.

Lập đường dây nóng đối phó với “đinh tặc”

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hữu Tuấn (Đội trưởng đội Cảnh sát hình sự CA huyện Thường Tín – Hà Nội) cho biết: “Khoảng 2 đến 3 năm trước hiện tượng rải đinh khá nhức nhối và chúng tôi đã bắt giữ nhiều đối tượng, phạt hành chính và có đối tượng bị giam giữ, khởi tố trước pháp luật. Hiện tại đơn vị chúng tôi chưa nhận được đơn thư phản ánh của công dân về vấn đề này. Tuy nhiên, qua quá trình cử cán bộ thị sát phối hợp với đơn vị 236 (đơn vị quản lý đường bộ) thì có phát hiện thỉnh thoảng rải rác có những chiếc đinh gỉ trên đường cao tốc. Qua xác minh hiện nay trên tuyến đường này có rất nhiều các xe tải quá khổ, quá tải chở phế liệu cho nên những mảnh sắt, đinh và đầu thép có khả năng bị văng vãi ra đường. Trong khi đó, đơn vị 236 lại chỉ quét vào buổi sáng hoặc chiều, chính vì thế thời điểm giữa giờ có thể còn sót lại”.

Ông Tuấn cũng khẳng định, nếu như phát hiện có đối tượng rải đinh thì chắc chắn sẽ xử lý quyết liệt, nghiêm minh.

Về hiện tượng một số người dân phản ánh bị các đối tượng sửa xe “chặt chém”, ông Tuấn ghi nhận: “Chúng tôi cũng có nghe phản ánh và đã có nhiều biện pháp xử lý. Cái khó ở đây là những hiện tượng này đều do người dân thỏa thuận giá cả, đồng ý chứ không mang tính cưỡng đoạt hay lừa đảo. Với những trường hợp này khi phát hiện chúng tôi đều mang về cơ quan để kiểm điểm, răn đe và lập hồ sơ để giáo dục. Trong trường hợp người dân khi phát hiện có hiện tượng bị chặt chém cần phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý”.

Ông Tuấn cũng đưa ra các biện pháp để giải quyết các vấn đề này: “Năm nào chúng tôi cũng có kế hoạch cụ thể, chi tiết. Mục tiêu là nâng cao công tác phòng ngừa kể cả chỉ mới có biểu hiện hành vi. Mặt khác chúng tôi chuẩn bị sẵn các bài tuyên truyền cho toàn bộ các xã ven đê và sẽ thành lập đường dây nóng để những người dân ở các tỉnh khác đi qua địa phận có thể thông báo nếu phát hiện vi phạm.

Tới đây trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ cấm xe máy, chúng tôi cũng phối hợp với nhiều đơn vị để ngăn chặn đề phòng các đối tượng rải đinh chuyển sang QL1 A cũ”.

Hà Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link