27/03/2014 08:45 GMT+7 | Văn hoá
“Thời của tôi là thời của những danh ca Út Trà Ôn, Thành Ðược, Hữu Phước, Minh Cảnh... Tôi mê cải lương nhưng biết mình không có khả năng đóng kép mùi nên chọn theo hướng hề. Thành công của tôi có một phần đóng góp rất lớn của soạn giả Viễn Châu. Ông chỉ cần nghe qua giọng ca của một người là nắm được sở trường của người đó. Từ đó ông viết theo kiểu “đo ni đóng giày”, chỉ cần vài bài ca đã có thể lăng-xê một giọng ca, một tên tuổi trở thành nổi tiếng. Riêng với sự nổi tiếng của tôi, tài năng riêng cùng với nội dung bài vọng cổ, và tấm lòng người viết bài vọng cổ là những cái không thể tách rời”, trong một cuộc trò chuyện trước đây, Văn Hường tâm sự.
Nguyễn Văn Hường sinh năm 1932 (giấy tờ ghi 1934) tại Mỹ Thành, Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức (nay thuộc quận 9, TP.HCM), trong một gia đình nông dân, không có ai theo nghệ thuật cải lương, ca cổ… Khoảng 15 tuổi, Văn Hường lên Sài Gòn bán hạt dưa ở rạp cải lương nổi tiếng thời bấy giờ là Nguyễn Văn Hảo (nay là Nhà hát Kịch TP.HCM, 30 Trần Hưng Đạo, quận 1), suốt ngày nghe loa mà hát theo ca cổ. Tại đây, ông được nghệ sĩ Lệ Liễu phát hiện và rủ về hát ở giải trí trường Thị Nghè; rồi ông bầu Bảy Cao (gánh hát Hoa Sen) qua đây chơi nghe thấy mà kết rơ; rồi soạn giả Viễn Châu đoán được tài mà “đo ni”, chỉ vài năm sau, Văn Hường đã thành vua vọng cổ hề, dù không đẹp trai, miệng móm, thiếu chiều cao.
“Tôi sống nhờ giọng ca, chứ diễn thì chẳng bằng ai đâu, thua xa lớp trẻ bây giờ”, Văn Hường tâm sự. Với chất hề đặc trưng, đặc biệt là âm “ự” và cách phát âm chữ “r”, Văn Hường đã khai phóng một lối ca riêng, không những để lại nhiều dấu ấn trong lòng người xem, mà còn ảnh hưởng đến nhiều nghệ sĩ khác. Soạn giả Nguyễn Phương từng nhận định: “Văn Hường biết sáng tạo, khai thác thêm ở giọng ca và cách ca cho khác lạ và phù hợp với vọng cổ hài. Đó là cách luyến láy, nhấn nhá và kéo dài phụ âm “r”, hoặc lên giọng thật cao ở những chữ mang dấu sắc, dấu hỏi, đặc biệt vô vọng cổ với chữ ự… ự… ự… lên xuống trước khi xuống hò, hoặc chữ ư… ư… khi dứt câu 2, nghe rất độc đáo, mang nhãn hiệu riêng biệt của Văn Hường mà nghệ sĩ khác khó bắt chước theo”.
Từ ngày ông xuôi về quê cũ “cắm câu” (như lời ông nói) đã ngót nghét 10 năm, nhiều nghệ sĩ đứt mất liên lạc, tưởng ông định cư nước ngoài, thậm chí tưởng đã chết. Khi biết tin ông vẫn ở quận 9, cuộc viếng thăm lại bắt đầu. Gần như tháng nào ông cũng được các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng ghé thăm, từ các đồng nghiệp cao niên đến thế hệ cùng thời, hậu bối. Có người còn đủ hơi thì lên sân khấu hát vài câu, có người chỉ bia rượu, có người chỉ còn sức uống nước suối. Rồi khán giả mộ điệu xa gần tuần nào cũng tìm đến quán, bia rượu chỉ là cái cớ phụ, chính yếu vẫn là được “song ca” và quay phim, chụp hình cùng Văn Hường.
Vì tính tình vui vẻ, dễ mến nên Văn Hường cũng thuộc diện đào hoa, ông từ chối bình luận về điều này, vì “chuyện gì qua rồi thì cho nó qua đi. Với lại hồi đi hát, nhiều khi mới bước xuống cánh gà, mình chưa kịp để ý đến ai thì đã có vài cô để ý đến mình, thân lang bạt kỳ hồ, tuổi trẻ dễ xiêu lòng lắm”. Có người cho biết ông từng sống với 5 phụ nữ và có khoảng 13 người con. Để yên bề tứ phía và an ổn khi tuổi già, ông bán miếng đất chừng 3.000 mét vuông (ngay siêu thị Co.op Mart, ngã tư Thủ Đức, quận 9 ngày nay) để chia đều. Những bài vọng cổ về vợ nổi tiếng của ông như Văn Hường năm vợ, Văn Hường thương vợ nhỏ, Vợ tôi đẹp ác, Vợ tôi tôi sợ, Văn Hường sợ nữ sắc… phần nào phác họa được đời ông.
Sống lại, tui vẫn làm hề
Hồi sinh nhật 78 tuổi, Văn Hường chia sẻ: “Đã qua tuổi cổ lai hy, còn có người nhớ, mến, đêm đêm còn được đứng phục vụ theo yêu cầu của dân mộ điệu trên sân khấu quán nhà, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của một nghệ sĩ về chiều như tui. Còn “ự” được tui cứ “ự”, cho đến khi nào “ợ” thì... nghỉ!”.
Văn Hường tâm sự đời ông lên xe xuống ngựa, từ tay ngang thành nghệ sĩ, rồi làm bầu gánh hát này kia, tuổi già không còn tiền, nhưng kể ra cũng không quá bi đát. Vì ông được lui về quê cũ, sống trên mảnh đất chừng 200 mét vuông, tuy nhỏ hẹp hơn xưa rất nhiều lần, nhưng cũng là nhà của mình. Vì ông còn có vợ hiền, người đã nhẫn nại, chịu đựng đợi chồng “lá rụng về cội”. Vì ông còn có nhiều con cháu, đứa ở xa đứa ở gần, “nhìn tụi nó biết mình còn tương lai”. Vì ông còn có sự ngưỡng mộ của khán giả, sự nể trọng của đồng nghiệp, và căn bản nhất, vẫn còn yêu đời. “Nếu trở lại từ đầu để sống cuộc đời này một lần nữa, tôi vẫn làm hề, vẫn muốn đem niềm vui đến với mọi người”.
Hiện ông sống với người vợ đầu cùng 5 con và các cháu. Trong gia đình, chỉ có con trai Thanh Tùng là theo nhạc, chơi organ, vợ anh này là Thanh Trúc, HCV Giọng ca cải lương của Đài Truyền hình Bình Dương, nhưng không theo đoàn chuyên nghiệp. Nhiều nơi vẫn gọi ông đi diễn, đi thâu âm, ví dụ Vầng trăng cổ nhạc, nhưng ông một mực từ chối, vì sợ mình lớn tuổi, già và xấu rồi, lên sân khấu lại phụ lòng người mộ điệu lâu nay.
Từ bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác năm 1919 đến những chặng đường thăng trầm của sân khấu cải lương, bài ca vọng cổ đã dung nạp đủ tính chất hỉ, nộ, ái, ố. Tôi tự hỏi: Tại sao bài ca vọng cổ có thể làm người ta khóc mà không khiến họ cười? Quá trình nghiên cứu đã giúp tôi định vị bài vọng cổ hài khi thành một tác phẩm phải trải qua ba công đoạn: Sáng tác mang yếu tố hài, giọng ca thể hiện chất hài và nhạc cổ đệm phải biết nhấn nhá chữ đờn hài. Ráp 3 công đoạn này lại sẽ có một trường phái. Thời đó, nhật báo Tiếng dội nhận xét: “Đệ nhất thập lục huyền cầm Bảy Bá đã khai sáng trường phái vọng cổ hài qua việc phát hiện nghệ sĩ Văn Hường” - NSND Viễn Châu (tức danh cầm Bảy Bá). |
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất