05/04/2011 07:29 GMT+7 | Phim
Phim cảm giác - vài lát cắt Khi Rừng Na Uy chiếu tại Việt Nam, không ít khán giả… ngáp ngay trong rạp. Có người xem xong tóm tắt phim như sau: Các nhân vật đi lại, gặp nhau và làm tình, chấm hết! Đạo diễn Trần Anh Hùng không quan tâm tới điều ấy, bởi với anh “Cái tôi quan tâm với bộ phim này chính là việc tạo ra cảm xúc”, nói một cách khác, với Trần Anh Hùng “câu chuyện là vứt đi, là rác, là đồ bỏ, bởi một đứa trẻ cũng có thể kể được một câu chuyện. Nhân vật cũng chỉ là mượn. Khán giả có thể ghét, có thể không hiểu câu chuyện, có thể chối bỏ nhân vật… nhưng quan trọng là khi họ xem, họ có cảm giác và nó đi thẳng vào con người mình” (theo tạp chí TT&VH và Đàn ông). Từ tác phẩm đầu tiên, Mùi đu đủ xanh, Trần Anh Hùng đã đến với khán giả Việt Nam bằng dòng phim cảm giác mà anh theo đuổi. Phim Mùi đu đủ xanh Sẽ có rất nhiều điều để nói về dòng phim này. Tuy nhiên, chuyên đề đầu tiên về dòng phim cảm giác sẽ chỉ là vài lát cắt mỏng về xu hướng làm phim cảm giác trên thế giới hiện nay và về hai tác giả khá gần gũi với khán giả Việt Nam của dòng phim này. Tổ chức chuyên đề:TT&VH CUỐI TUẦN
(TT&VH Cuối tuần) - Dòng phim cảm giác đa phần xuất phát từ những nhà làm phim tác giả, có thể nói đây là cách định nghĩa tương đối dễ hiểu, so với cách gọi dòng phim cảm giác mà những cây bút phê bình phim đặt tên.
Những bậc thầy
Luis Bunuel của Tây Ban Nha phải được nhắc đến đầu tiên như là cha đẻ của chủ nghĩa siêu thực, khởi nguồn của dòng phim cảm giác sau này. Trong các phim của Bunuel, yếu tố giấc mơ và sự vô thức luôn được sắp đặt cẩn thận, thậm chí nhiều hơn là tinh thần của cốt truyện. Luis không đi theo các trật tự logic mà đi theo cảm giác, thứ cảm giác sợ hãi và lo lắng luôn bao vây lấy những ai lần đầu tiên xem Un Chien Andalou (1929), Los olvidados (1950)…
Cùng chung màu sắc dàn dựng hiện đại (không để khán giả nhận biết được đâu là thật và đâu là mơ trong phim), nhiều tác phẩm của huyền thoại người Thụy Điển Ingmar Bergman là khía cạnh nào đó của dòng phim cảm giác, nơi tác giả từ chối sức mạnh hấp dẫn trong việc mở rộng không gian, mà tập trung dàn dựng hầu hết các cảnh “phim trong phòng” nhằm giúp cho ông tập trung vào diễn biến tâm lý phức tạp, đa đoan, nhiều u ẩn bức bối của các nhân vật. Một dạng phim cảm giác khá căng thẳng và nhức nhối mà Persona là ví dụ điển hình. Trong khi đó, bậc thầy quá cố Michelangelo Antonioni - người theo chủ nghĩa hiện sinh thường day dứt trong cách miêu tả bi kịch của con người hiện đại. Sự cô đơn trống trải, nỗi niềm không biết bày tỏ cùng ai và càng không nhận được sự đồng cảm của thế giới chung quanh. Có một giai đoạn Michelangelo làm phim theo dòng cảm giác và những tác phẩm này của ông: La Notte (1961) hay Eclipse (1962)…đều mang một màu sắc đặc trưng rất riêng biệt.
Les Amants Reguliers của đạo diễn Philippe Garrel
Trên bình diện điện ảnh đương đại, “đứa con bất trị” François Ozon tuy không hẳn là “chuyên gia” phim cảm giác song bản thân Sous le Sable của anh được cho là thể nghiệm riêng của tác giả sau một loạt phim mang tính chất bốc đồng và “khoác lác” mà báo giới trong nước lẫn quốc tế đặt cho anh. Trong Sous le Sable, Ozon loại bỏ nhiều yếu tố làm nên tính hấp dẫn ở một bộ phim: không kịch tính, không thút nắt và không có ràng buộc cụ thể điểm kết.
Ở một khía cạnh khá tiêu cực và độc đoán, Philippe Garrel là một trong số rất ít những đạo diễn đương đại còn giữ được bản ngã. Hầu hết các tác phẩm của nhà làm phim 53 tuổi này đều được dựng đen trắng và rất khó tìm thấy DVD hay các link download trên mạng, cả kể việc tìm một suất chiếu để xem phim của ông. Chính vì thế, với số đông khán giả thì Philippe Garrel là một cái tên xa lạ, ông không dễ thỏa hiệp với các luật lệ mà tôn sùng những “điều răn” chính ông đặt ra. Điện ảnh của Philippe tối giản: âm nhạc bao giờ cũng không liền mạch và luôn trong tình trạng… phát sóng radio với chất lượng mono. Trong khi đó, phần hình ảnh đen trắng tạo cảm giác cũ xưa đến mỏi mệt không phải là cách lôi cuốn người xem trực tiếp. Thậm chí, cốt truyện cũng chỉ là lát cắt rất thật của thế hệ mà ông đã đánh mất hoặc quá già để theo đuổi. Năm 2005, sau rất nhiều giai đoạn thăng trầm, Philippe được LHP Venice vinh danh với Les Amants Reguliers, trong đó con trai ông (nam diễn viên Louis Garrel) đóng vai chính.
Dòng phim cảm giác đa phần xuất phát từ những nhà làm phim tác giả, có thể nói đây là cách định nghĩa tương đối dễ hiểu, so với cách gọi dòng phim cảm giác mà những cây bút phê bình phim đặt tên.
Điện ảnh độc lập và dư âm phương Đông
Sau khởi đầu suôn sẻ và nhiều dư vị từ Âu châu, một vài cái tên phương Đông đã được nhiều LHP quốc tế “điểm mặt chỉ tên” bằng các giải thưởng giá trị, thông qua dòng phim cảm giác mà ở đó, họ chia sẻ thứ ngôn ngữ rất vô định: ngôn ngữ của xúc cảm. Đang ở thời kỳ sung mãn sau Cành cọ Vàng 2010 với một triết lý làm phim vừa ly kỳ vừa hài hước, đại diện Thái Lan Apichatpong Weerasethakul là cái tên ấn tượng hơn cả. 39 tuổi, các phim của anh đều trình chiếu tại những LHP hàng đầu, ngay trong bộ phim dài đầu tay, Apichatpong đã chọn một kịch bản không có đường dây rõ ràng, Mysterious Object At Noon (2000). Bộ phim semi-doc (giả tài liệu) là quá trình ghi lại những hình ảnh trên các chuyến đi, ở đó anh và nhóm làm phim độc lập “mượn” các câu chuyện của người dân bản xứ để chắp vá nên bộ phim dài 83 phút. Rõ ràng đây là một cách tiếp cận đầy cảm tính của tác giả, có chắt lọc và tự do trong sáng tạo. Tuy nhiên, không phải ai cũng liều mạng mang máy quay vô định như Apichatpong, trong khi anh ngày càng bộc lộ rõ dòng phim cảm giác mà anh theo đuổi. Blissfully Yours (chiếu ở Cannes 2002), Tropical Malady (giải của Ban giám khảo Cannes 2004) và quan trọng nhất là Syndromes And A Century (2006), bộ phim bộc lộ rõ hiện thực huyền ảo mà anh bị ảnh hưởng. Apichatpong rất thích làm việc với dàn diễn viên vô danh, ít kinh nghiệm. Anh theo đuổi sự chân thật một cách tinh khiết và trần trụi cùng các câu chuyện xoay quanh những giấc mơ, ký ức, oan hồn, thần thoại, tình dục, thiên nhiên…
Syndromes And A Century của Apichatpong
Tại Đài Loan, Hầu Hiếu Hiền là đạo diễn tạo được tiếng vang mạnh mẽ qua các chủ đề về gia đình, những mối tình tri kỷ hay những tiếc nuối cho thế hệ trẻ… Phim của Hầu có một kịch bản đủ tốt nhưng ông lại “giản dị hóa” để thay vào đó là những mảng miếng của cảm xúc và nét buồn tĩnh lặng. Trái ngược với Hầu, sự phá cách gây thích thú của Thái Minh Lượng đem đến diện mạo mới của phim cảm giác. Không thoại, tập trung chủ yếu vào sự cô đơn, âm nhạc và hành động là điểm nhấn tạo cảm xúc rất mạnh cho người xem I Don’t Want To Sleep Alone (2006)…
Giống như Apichatpong Weerasethakul và một số nhà làm phim có xu hướng “theo dòng cảm giác”, phim của Thái Minh Lượng thường bị “hắt hủi” tại các rạp trong nước, thậm chí còn bị cấm chiếu. Điện ảnh Trung Quốc thì có Giả Chương Kha và Lâu Diệp, cũng gặp rắc rối về bộ máy kiểm duyệt gắt gao. Phim của hai tên tuổi trẻ này khá dài dòng, chậm rãi và tràn đầy tự sự, giải tỏa cảm xúc bản thân. Lâu Diệp từng phát biểu rằng “Xem phim là phải xem ở trong rạp chiếu thì mới thật sự là thưởng thức điện ảnh” nhưng cũng cần phải nói thêm bởi dòng phim cảm giác không thể thưởng thức trọn vẹn trong một rạp chiếu bóng đông nghẹt người, tiếng nói cười ồn ã, hoặc có ai đó bên cạnh bạn bỏ về giữa chừng, thậm chí ngủ gật đến độ… rớt xuống ghế.
Trong khi giới trẻ đang vẫn lục tìm Rừng Na Uy phiên bản điện ảnh để xem thì có lẽ cũng cần phải nhắc đến Trần Anh Hùng, đại diện và là điển hình của dòng phim cảm giác mang âm hưởng chung của châu Á và thế giới. Giống như Vương Gia Vệ, phim của Trần Anh Hùng là những chắt lọc khúc chiết từ âm nhạc, giai điệu, màu sắc và các góc máy… các nhân vật của ông riêng biệt nhưng theo một chuẩn mực chung: một chút vụng về trẻ con và một chút sầu muộn người lớn.
Thế hệ trẻ hơn, như Bùi Thạc Chuyên đã từng có thời gian “vật lộn” với sự khờ khạo của một bộ phận khán giả đến rạp xem Chơi vơi và… chửi bới thì Phan Đăng Di cũng nên coi là một tiềm lực mới, dù Bi, đừng sợ! của anh chịu ảnh hưởng khá mạnh từ dòng phim cảm giác châu Á. Những người trẻ với tinh thần độc lập, chọn dòng phim cảm giác vì họ tin rằng dòng phim cảm giác đậm chất tác giả sẽ sản sinh ra những tựa đề phim hoặc là bị bỏ quên, hoặc là sẽ ở lại trong lòng công chúng mãi mãi…
Bài 2: Vương Gia Vệ - tinh thần riêng của dòng phim cảm giác
P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất