22/03/2014 13:58 GMT+7 | Arsenal
(Thethaovanhoa.vn) - Trận đấu thứ 1000 của HLV người Pháp có thể là thêm một lần nữa ông bại trận dưới tay Jose Mourinho, có thể không phải vì trình độ, mà đơn giản là vì triết lý trái ngược của hai người.
1. Arsene Wenger nhìn bóng đá từ góc độ rất “con người”: HLV chỉ là người định hướng, còn các cầu thủ quyết định tất cả. Cụ thể, ông từng tuyên bố: “Một HLV là người hướng dẫn, nhận một tập thể và nói với mọi người: “Với các bạn, tôi có thể giúp chúng ta đi đến thành công. Tôi sẽ chỉ cho các bạn con đường.”
HLV là người chỉ lối, nhưng các cầu thủ được nắm quyền tự chủ, tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với mỗi quyết định của mình, từ khi còn là những cầu thủ trẻ: “Các cầu thủ trẻ cần được tự do thể hiện để phát triển sự sáng tạo, họ cần được khuyến khích thử những kỹ thuật mới mà không e sợ.” – Wenger nói. Với ông, bóng đá là “việc của các cầu thủ, không phải HLV”.
Chính vì nhìn bóng đá trên khía cạnh lấy sự tự chủ của con người làm trung tâm, Wenger xây dựng một hệ thống hỗ trợ điều đó, không áp đặt các cầu thủ phải nhất nhất làm theo ý ông. Đó là một công việc khó khăn, nhưng khi có kết quả, thành tựu là rất lớn: Thế hệ bất bại 49 trận của họ một thập kỷ trước chính là sản phẩm của phương pháp huấn luyện ấy. Khi các cầu thủ gắn kết một cách tự nhiên theo đúng lối chơi họ ưa thích, không gì có thể cản được họ.
2. HLV Jose Mourinho nhìn bóng đá theo một lăng kính khác, kỷ luật và chi tiết hơn: “Điều duy nhất không thể kiểm soát được (trong bóng đá) là các CĐV.” Ông đề ra các phương án chiến thuật cụ thể cho từng trận đấu, là mẫu HLV có thể lao ra ngoài đường piste hò hét chỉ để một cầu thủ phải di chuyển vài bước chân về hướng nào theo ý ông muốn.
Mourinho coi mỗi trận đấu là một ván cờ, và thắng thua phụ thuộc vào người chơi cờ. HLV người Bồ đặc biệt quan tâm đến chuyện khích lệ các cầu thủ, nhưng ông vẫn chỉ coi họ là những quân cờ cần phải được chỉ bảo thật chi tiết và sáng suốt. Mourinho trao cho cầu thủ quyền tự chủ tương đối, thay vì tuyệt đối như ông Wenger.
Vì khác biệt ấy, Wenger cần thời gian thậm chí rất dài để tạo ra được một đội bóng tốt, còn Mourinho có thể gắn kết các cầu thủ mới rất nhanh và giành thành công trong ngắn hạn. HLV người Bồ từng dè bỉu phương pháp của Wenger: “Chuyện các cầu thủ cần thời gian để gắn kết với nhau là vớ vẩn.”
3. Kết quả là Wenger thường bị Mourinho “bắt vía” trong từng trận cầu cụ thể. Vì có xu hướng ít đi vào chi tiết, Wenger không theo kịp những diễn biến rất nhanh trên sân. Mourinho thì khác: Ông chuẩn bị rất kỹ cho từng tình huống phát sinh và giải pháp đối phó. Mourinho không bao giờ bị bất ngờ.
Nếu Wenger có thể đem thế hệ bất bại ông đã xây dựng hơn 10 năm trước đối đầu với Mourinho, thì ông mới hy vọng đẩy HLV người Bồ vào thế bối rối, vì đó là thế hệ đỉnh cao của thứ bóng đá tự chủ theo triết lý Wenger. Còn trong một ván cờ, thì Mourinho vẫn sẽ đi trước Wenger vài nước, vì triết lý của ông phục vụ cho việc đánh cờ, còn Wenger thích để cho các quân cờ của ông tự chơi hơn.
Việc cho phép các cầu thủ tự chủ hoàn toàn đôi khi đem lại những pha bóng ngẫu hứng tuyệt vời (hãy nhớ lại những bàn thắng từ phối hợp tuyệt đẹp của Arsenal mùa này), nhưng trong một trận đấu căng thẳng như cuộc đối đầu với Chelsea, thì kỷ luật và sự áp đặt ý chí của Mourinho có lợi thế hơn. Và có lẽ, ông Wenger vẫn sẽ phải đi tìm chiến thắng đầu tiên trước “khắc tinh” người Bồ.
Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất