(Thethaovanhoa.vn) - Barcelona đã chi tới 163 triệu euro để mua cầu thủ của Arsenal từ năm 2000 đến nay. Điều đáng buồn là họ rời nước Anh như những ngôi sao nhưng lại trở thành gánh nặng hoặc đánh mất mình trong màu áo đội bóng xứ Catalunya.
Những vấn đề trong khâu chuyển nhượng của Barca là không hề mới. Nhưng giải quyết được không thì lại là chuyện khác.
Cứ ngôi sao Arsenal là thành "hàng thải"
Mùa Hè năm 2000, Barcelona thực hiện một phi vụ khổng lồ trên thị trường chuyển nhượng. Họ đưa Emanuel Petit và Marc Overmars từ Arsenal về sân Camp Nou với giá 40 triệu euro. Nhưng Petit chỉ chơi được 1 mùa bóng. Chấn thương, không được sử dụng đúng vị trí (từng phải đá hậu vệ ở Barca) đã khiến anh không thể tỏa sáng. Một năm sau, Petit rời Barca tới Chelsea.
Overmars bám trụ lại Camp Nou 4 năm và cũng thất bại trong việc khẳng định mình. Số bàn thắng của anh ở mỗi mùa chỉ đếm trên đầu ngón tay (lần lượt là 8, 1, 7 và 3). Năm cuối cùng tại Barca (2004), Overmars tuyên bố giải nghệ do bị chấn thương hành hạ.
Barca vẫn không từ bỏ kế hoạch mua sao từ Arsenal. Năm 2007, họ chiêu mộ Thierry Henry với giá 24 triệu euro. Dù cùng Barca đoạt nhiều danh hiệu cao quý, Henry không còn bùng nổ dữ dội như thời khoác áo Arsenal. Henry khoác áo Barca tới năm 2010 và sang Mỹ thi đấu. Sau tiền đạo người Pháp, Alexandre Hleb đến Barca từ năm 2008 và đã liên tục phải đi "đánh thuê" cho các CLB khác nhau theo dạng cho mượn.
Năm 2010, Barca mua Fabregas với giá 29 triệu euro. Đó đang là năm đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của cầu thủ trưởng thành từ lò La Masia. Nhưng như số phận của những ngôi sao khác, Cesc không thể khẳng định ở Camp Nou. Sau 3 năm không được thừa nhận, anh bị bán sang Chelsea và hiện tại Cesc đang là cầu thủ làm bóng tốt nhất ở Premier League. Một đồng đội cũ của Cesc là Alex Song, tới Barca từ năm 2012 với giá 19 triệu euro, cũng đang phải chơi cho West Ham theo dạng cho mượn.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ngay sau khi Barca thông báo vụ Thomas Vermaelen phải tiến hành phẫu thuật và nghỉ 5 tháng, nhà báo Lluis Mascaro đã chỉ trích Giám đốc thể thao Andoni Zubizarreta trên tờ Sport (thân Barca): "Ai đáng bị kết tội trong thương vụ Vermaelen? Rõ ràng, những vấn đề tồn tại xuất phát từ chính bộ máy làm việc của Barca. Chúng ta phải truy cứu trách nhiệm. Nếu Zubizarreta thiếu trách nhiệm trong kế hoạch chiêu mộ Vermaelen dù đã biết vấn đề sức khỏe của cậu ta, thì rõ ràng ông ấy phải ra đi. Nếu các bác sĩ cố tình bỏ qua khâu kiểm tra sức khỏe, họ cũng nên đi nốt."
Zubizarreta là người phụ trách trực tiếp các kế hoạch chuyển nhượng của Barca. Trước khi ông giữ vai trò Giám đốc thể thao của Barca vào năm 2010 thay cho Txiki Begiristain (sang Man City), việc Barca thất bại nhiều hơn thành công trong chuyển nhượng đã xuất hiện (vụ Ibrahimovic và Hleb là điển hình). Nhưng với Zubizarreta, số thất bại trong các bản hợp đồng của Barca tăng đáng kể. Họ đã mua Alex Sanchez và Cesc Fabregas vào năm 2011 và giờ bộ đôi này không còn ở Camp Nou. Họ mua Alex Song vào năm 2012 chỉ để ngồi dự bị. Ngay cả việc mua Suarez trong mùa Hè này cũng gây tranh cãi bởi tiền đạo người Uruguay có tới 4 tháng bị treo giò.
Trong thương vụ Thomas Vermaelen, lỗi lớn nhất thuộc về Zubizarreta. Nhưng nói như thế không có nghĩa phần còn lại trong bộ máy lãnh đạo của Barca không có trách nhiệm. Nó xuất phát từ cả một bộ máy, từ các nhân viên tuyển trạch cho tới đội ngũ y tế. Dường như, tất cả đều quá "dễ dãi" với mỗi bản hợp đồng mới. Thành ra, mỗi năm Barca lại tiêu một lượng tiền lớn trên TTCN nhưng số tân binh chơi tốt lại không được bao nhiêu.
"Tất cả đều không phải là những bản hợp đồng thành công... Phải chăng, đã đến lúc ai đó phải từ chức?", trích câu cuối của Lluis Mascaro trong bài viết của ông.
5 Với việc phải tiến hành phẫu thuật, Thomas Vermaelen sẽ phải nghỉ 5 tháng, đồng nghĩa anh không thể chơi một phút nào cho Barca trong mùa này.
163 Từ năm 2000 trở lại đây, Barca đã chi 163 triệu euro để mua các cầu thủ từ Arsenal.
29 Cesc Fabregas là ngôi sao đắt nhất mà Barca mua từ Arsenal. Họ trả 29 triệu euro tiền mặt, kèm theo 5 triệu tiền trả thêm phụ thuộc vào thành tích. |
Trần Giáp
Thể thao & Văn hóa