11/10/2021 20:57 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Y tế cho biết, tính từ 17 giờ ngày 10/10 đến 17 giờ ngày 11/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.619 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 3.617 ca ghi nhận trong nước (tăng 104 ca so với ngày trước đó) tại 44 tỉnh, thành phố; có 1.726 ca trong cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Thành phố Hồ Chí Minh (1.527 ca), Đồng Nai (499 ca), Bình Dương (446 ca), An Giang (142 ca), Đắk Lắk (119 ca)…
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 843.281 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.565 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 838.653 ca, trong đó có 781.931 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 2.549 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 784.748 ca.
Trong ngày ghi nhận 115 ca tử vong, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.670 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
Trong ngày 10/10 có 879.949 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 54.279.564 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 38.698.136 liều, tiêm mũi 2 là 15.581.428 liều.
Hiểu đúng nghĩa "pháo đài chống dịch" để không xảy ra ngăn sông, cấm chợ
Tại các buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi của Đơn vị số 10, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 11/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Xác định "Xã, phường là pháo đài chống dịch" là khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của địa bàn cơ sở, không phải để các địa phương biệt lập, ngăn sông cấm chợ, ngăn cản sự lưu thông hàng hóa, dịch vụ và dịch chuyển lao động.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nói đến "xã, phường là pháo đài chống dịch" thực chất là khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của địa bàn cơ sở và đề cao vị trí quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Khái niệm "pháo đài" không phải để các địa phương biệt lập, ra các quyết định trái với quy định của Trung ương, của thành phố để ngăn sông cấm chợ, ngăn cản lưu thông hàng hóa, dịch vụ và dịch chuyển lao động.
"Nếu chúng ta không thực hiện tốt sẽ ảnh hưởng đến phát triển của đất nước. Nếu không kiểm soát tốt việc này, mỗi nơi làm một kiểu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, gây ắc tách lưu thông, đứt gãy cung ứng, không thể phục hồi kinh tế nhanh chóng. Tôi nhấn mạnh điều này để cả nước nói chung và địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng hiểu về thực chất "pháo đài chống dịch" là như thế nào, để tăng cường phối hợp với nhau, không để tình trạng ngăn sông cấm chợ xảy ra", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Về ý kiến đề nghị tiêm vaccine cho trẻ em dưới 18 tuổi của cử tri huyện Hóc Môn và Củ Chi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là vấn đề Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hiện Bộ Y tế và Hội đồng chuyên môn về vaccine đã đưa ra khuyến cáo, phấn đấu tiêm vaccine cho trẻ từ 12-18 tuổi trong tháng 10, tháng 11 tới. Pfizer đã cam kết cung ứng 20 triệu liều vaccine cho Việt Nam để tiêm cho trẻ em và nếu vaccine về sớm, cuối tháng 10 có thể tiêm vaccine cho trẻ, đẩy quá trình để trẻ em sớm được đến trường.
Nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc trong phòng, chống COVID-19 được tặng bằng khen
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký các Quyết định tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho một số tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, Quyết định số 1698/QĐ-TTg nêu rõ: Tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 31 tập thể, 23 cá nhân thuộc Bộ Công an đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Quyết định số 1692/QĐ-TTg, tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 3 tập thể, 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Theo Quyết định số 1700/QĐ-TTg, tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 6 cá nhân được tỉnh Bình Dương đề nghị khen thưởng do đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Nhiều bệnh viện phục hồi công năng ban đầu
Sau khi có hai Bệnh viện Quận 7 và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi trở về công năng tiếp nhận người bệnh không mắc COVID-19, Sở Y tế Thành phố đang lên lộ trình đến 31/12/2021 đưa toàn bộ các bệnh viện trên địa bàn phục hồi công năng ban đầu. Tuy nhiên, dù phục hồi công năng ban đầu, các cơ sở y tế phải luôn ở trong trạng thái "bình thường mới". Thông tin được lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ ngày 11/10.
Theo đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng lộ trình phục hồi công năng các bệnh viện trở về trạng thái "bình thường mới" với mục đích đảm bảo cho các bệnh viện thực hiện 2 chức năng vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc COVID-19, vừa đảm bảo chức năng khám bệnh, chữa bệnh thông thường và điều trị chuyên khoa cho người dân Thành phố và các tỉnh thuộc khu vực phía Nam.
Dự kiến của Sở Y tế, đến ngày 30/11/2021 sẽ có thêm 28 bệnh viện công lập phục hồi trở lại công năng ban đầu để tiếp nhận điều trị các bệnh thông thường cho người dân và đến ngày 31/12/2021 sẽ đưa toàn bộ các bệnh viện trên địa bàn phục hồi công năng ban đầu. Riêng các bệnh viện tư nhân, căn cứ vào tình hình thực tế tại các bệnh viện để chủ động đề xuất và thông báo lộ trình phục hồi công năng cho ngành Y tế.
Khu điều trị người bệnh COVID-19 tư nhân đầu tiên
Ngày 11/10, Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu bắt đầu tiếp nhận, đưa vào điều trị cho 14 bệnh nhân COVID-19, tại Khu điều trị và hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của bệnh viện. Đây là cơ sở y tế tư nhân đầu tiên của tỉnh góp sức phòng, chống dịch COVID-19.
Theo lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, trong đợt dịch lần thứ 4, Bộ Y tế đã kêu gọi khối y tế tư nhân cùng góp sức phòng, chống dịch, hưởng ứng lời kêu gọi trên, bệnh viện đã chủ động đề xuất với Sở Y tế và UBND tỉnh Bạc Liêu xin được tham gia vào hệ thống điều trị COVID-19, góp phần giảm tải áp lực tại các bệnh viện công lập trong tỉnh.
Ngay sau khi được sự chấp thuận của UBND tỉnh Bạc Liêu, Bệnh viện đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây mới một khu điều trị nằm tách biệt hoàn toàn và có cổng ra vào riêng với khu vực khám chữa bệnh nội, ngoại trú thông thường. Khu này đảm bảo đáp ứng các tiêu chí an toàn của Bộ Y tế hướng dẫn khi điều trị cho bệnh nhân F0 và không ảnh hưởng đến khu vực khám chữa bệnh, cấp cứu bệnh lý thông thường khác. Với quy mô 40 giường bệnh, khu điều trị COVID-19 đáp ứng đủ điều kiện của tháp tầng 3 theo Quyết định của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng.
Người bệnh không phải chi trả khi được chỉ định xét nghiệm
Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 6665/VPCP-KGVX ngày 20/9/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, có thông tin rõ ràng, đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện chưa đúng quy định (nếu có) của các cơ sở y tế, ngày 28/9/2021, Bộ Y tế tiếp tục có công văn số 8157/BYT-KHTC đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố thuộc Trung ương; các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế; Y tế các Bộ, ngành; các cơ sở y tế tư nhân nghiêm túc chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID – 19.
Trước đó ngay đầu tháng 5 khi đợt dich thứ 4 bùng phát, tại Công điện số 615 ngày 7/5/2021 và Công điện số 628 ngày 10/5/2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã quy định đối với người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế công lập nếu nghi ngờ mắc COVID-19 và được chỉ định xét nghiệm thì thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Công văn số 1126/BHXH ngày 29/4/2021; các đối tượng còn lại và phần đồng chi trả của người có thẻ bảo hiểm y tế chi từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 được cấp có thẩm quyền giao và theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Như vậy, người bệnh không phải chi trả bất kỳ khoản kinh phí nào khi được chỉ định xét nghiệm COVID-19.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế tư nhân; xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn. Trường hợp cần thiết báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Thành phố Hồ Chí Minh làm rõ phản ánh về "đường dây tiêm vaccine thu phí"
Ngày 11/10, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị xác minh, điều tra, làm rõ việc tiêm vaccine COVID-19 thu phí mà báo chí phản ánh.
Theo văn bản của Bộ Y tế, ngày 11/10/2021, trên phương tiện thông tin đại chúng có bài viết "Xâm nhập đường dây tiêm vaccine thu phí". Theo đó, tại phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh có nhóm tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch của UBNDphường Thảo Điền nhận tiền của người dân để sắp xếp việc tiêm vaccine phòng COVID-19.
Theo Bộ Y tế, đây là việc làm không đúng với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, vi phạm nghiêm trọng quy định về tiêm miễn phí vaccine phòng COVID-19.
Bộ Y tế đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tiến hành ngay việc xác minh, điều tra để làm rõ nội dung báo chí nêu.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát ở tất cả các điểm tiêm trên toàn địa bàn Thành phố; nếu có vi phạm yêu cầu xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hoặc chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan Công an để xem xét, xử lý.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất