13/10/2022 16:10 GMT+7
FIBA Asia Cup là giải đấu cao cấp nhất dành cho các đội tuyển bóng rổ ở châu Á, thường diễn ra 2 năm 1 lần. Vào tháng 11 năm nay, đội tuyển bóng rổ Việt Nam sẽ có một cuộc hành trình ở sân chơi châu lục, khi tham dự vòng sơ loại FIBA châu Á (FIBA Asia Cup Pre-Qualifiers).
Sự quay trở lại thể thức 5x5 này phần nào cho thấy bóng rổ Việt Nam đã có sự phát triển tích cực trong những năm đã qua.
Tuy nhiên khác với các sự kiện của FIBA mà Việt Nam từng tham gia, vòng sơ loại 1 của FIBA Asia Cup 2025 tới đây sẽ là thử thách khó khăn nhất dành cho các chiến binh “Cờ đỏ sao vàng”.
Địa điểm thi đấu khắc nghiệt
Đối với tuyển Việt Nam, đây sẽ là chuyến du đấu quốc tế nhiều thử thách nhất trong suốt những sự kiện đã từng tham dự. Địa điểm thi đấu của vòng sơ loại 1 FIBA Asia Cup 2025 nằm tại thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ.
Thủ đô xinh đẹp này nằm trên cao nguyên với độ cao trung bình 1.300 mét, độ cao này cùng nhiều điều kiện khác xung quanh khiến cho khí hậu của Ulaanbaatar luôn lạnh giá, nơi đây còn được biết tới là một trong 20 thành phố lạnh giá nhất thế giới.
Ở thời điểm giải đấu diễn ra từ 10-14/11, khí hậu trung bình tại Ulaanbaatar sẽ giao động trong khoảng -15 độ C tới -40 độ C.
Tuy nhiên với mức độ khắc nghiệt từ yếu tố địa lý, nền nhiệt độ sẽ luôn thay đổi và khiến việc làm quen với nó sẽ là một thử thách không hề dễ dàng với các tuyển thủ, những người sinh sống ở khu vực khí hậu nhiệt đới như Việt Nam.
Tuy nhiên trong quãng thời gian khắc nghiệt nhất này, bầu trời của Mông Cổ vẫn luôn trong xanh và có nắng, phần nào giúp cho không khí được ấm áp hơn.
Đây cũng là điểm cộng tới từ mảnh đất có biệt danh “Vùng đất của bầu trời xanh vĩnh cữu”. Nếu không có mưa và tuyết, nhiệt độ sẽ phần nào dễ chịu hơn để các tuyển thủ làm quen.
Khác với những thể thức 3x3 trước đó từng tham dự, vòng sơ loại 1 FIBA Asia Cup 2025 sẽ diễn ra trong nhà, thay vì tổ chức ở ngoài trời cũng như trong các trung tâm thương mại.
Theo lịch thi đấu đăng tải trên trang chủ FIBA, vòng sơ loại 1 ở Mông Cổ sẽ diễn ra trong khu phức hợp thể thao UG Arena. Nhà thi đấu của UG Arena có sức chứa lên tới 3.000 người cùng hệ thống điều hoà, ánh sáng và sàn đấu tiêu chuẩn quốc tế.
Lịch trình di chuyển và thi đấu dày đặc
Theo chia sẻ từ phía Liên đoàn bóng rổ Việt Nam, đội tuyển sẽ lên đường di chuyển sang Mông Cổ từ ngày mùng 8/11.
Vì Việt Nam và Mông Cổ chưa có đường bay thẳng nên toàn đoàn sẽ phải quá cảnh ở một trong hai sân bay Incheon (Hàn Quốc) hoặc Hong Kong (Trung Quốc). Tổng thời gian của chặng bay vào khoảng 10-11 tiếng, chưa kể thời gian chờ đợi và làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Với lịch trình bay dự kiến như trên, tuyển Việt Nam mất gần trọn một ngày cho việc di chuyển tới mảnh đất cao nguyên lạnh giá.
Nếu thể lực và thời gian cho phép, toàn đội có thể tham gia tập luyện làm quen địa điểm thi đấu vào buổi tối cùng ngày hoặc sẽ phải đợi ít nhất sang tới ngày hôm sau để có mặt ở nhà thi đấu UG Arena. Như vậy các chiến binh “Cờ đỏ sao vàng” sẽ chỉ có tối thiểu một ngày để tập luyện làm quen với bảng rổ, sân bãi cũng như khí hậu tại thủ đô Utaanbaatar.
Tại bảng D, Việt Nam nằm chung bảng với Tahiti, Thái Lan, Malaysia và nước chủ nhà Mông Cổ. Các chiến binh “Cờ đỏ sao vàng” có mục tiêu phải thắng ít nhất 2 trận, qua đó đảm bảo một vị trí trong nhớm 3 đội dẫn đầu bảng D, điều kiện đủ để góp mặt ở vòng sơ loại thứ 2, diễn ra vào đầu năm 2023.
Ở bảng đấu này, Mông Cổ là đội bóng duy nhất không có tên trên BXH FIBA ở nội dung 5x5. Thế nhưng đây vẫn là một đối thủ đáng gờm bởi sự phát triển mạnh mẽ ở nội dung 3x3 cũng như sự đầu tư của nước nhà dành cho bộ môn trái bóng cam. Trong số 4 đội bóng còn lại, Việt Nam là đội bóng có thứ hạng thấp nhất khi chỉ xếp thứ 139 trên BXH, các đổi thủ còn lại lần lượt là Tahiti (93), Thái Lan (102) và Malaysia (117).
Qua vị trí trên BXH, có thể thấy vòng sơ loại 1 FIBA Asia Cup 2025 là một thử thách lớn dành cho đội tuyển Việt Nam. Bên cạnh quy định chỉ cho sử dụng 1 cầu thủ nhập tịch (naturalized player), lịch thi đấu dày đặc cũng để lại nhiều nỗi lo cho NHM cùng Liên đoàn bóng rổ Việt Nam.
Theo lịch thi đấu từ ngày 10-14/11, ngoại trừ ngày thi đấu thứ 2, các ngày còn lại Việt Nam sẽ đều phải thi đấu, 3 trong số 4 trận đấu sẽ diễn ra vào khung giờ sớm trong ngày. Đây là một mật độ thi đấu khủng khiếp, đặc biệt khi nó diễn ra ở thể thức 5x5 cùng một địa điểm lạnh giá như Mông Cổ. Chắc chắn Liên đoàn bóng rổ Việt Nam sẽ phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng về mặt nhân sự trong lần tham dự giải đấu này nếu muốn bóng rổ Việt Nam tạo nên dấu ấn ở đấu trường châu lục.
Ở thời điểm hiện tại, mọi thông tin tới từ Liên đoàn bóng rổ Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ ràng. Theo nguồn tin của Sport5, thời điểm tập trung của toàn đoàn sẽ bắt đầu từ ngày 17/10, địa điểm tập trung sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Như vậy tuyển Việt Nam sẽ chỉ có khoảng gần 1 tháng để hội quân chuẩn bị cho giải đấu, đây cũng là một thử thách khó khăn đối với đội tuyển vì thời gian tập luyện cùng nhau không quá nhiều.
Tổng quan về mọi mặt, cơ hội để tuyển bóng rổ Việt Nam đi tiếp tới vòng sơ loại thứ 2 là không lớn. Tuy nhiên thể thao chuyên nghiệp luôn chứa đựng rất nhiều yếu tố bất ngờ. Nếu đội hình của đoàn quân “Cờ đỏ sao vàng” có được những cầu thủ tốt nhất tại VBA và thi đấu đúng sức thì chúng ta vẫn có thể làm nên chuyện trong lần đầu tiên trở lại biển lớn sau nhiều năm vắng bóng.
Huy Phạm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất