Wimbledon 2012: Lần cuối cho anh đấy, Federer

30/06/2012 07:05 GMT+7 | Tennis

(TT&VH Cuối tuần) - Roger Federer chưa từng nghĩ đến chuyện gác vợt, nhưng đây có thể sẽ là cơ hội cuối để anh giành được thêm một chức vô địch nữa ở Wimbledon.

Một giải đấu đặc biệt

Lần đầu tiên và cũng là duy nhất anh giành được một Grand Slam trẻ là ở Wimbledon khi 18 tuổi. Lần đầu tiên anh được đối diện với Pete Sampras và đánh bại thần tượng của mình trong trận đấu duy nhất họ gặp nhau cũng là tại Wimbledon. Lần đầu tiên Federer lên ngôi tại một Grand Slam ở đẳng cấp chuyên nghiệp cũng lại là Wimbledon. Và trên hết, nơi ấy, anh đã vô địch sáu lần, trong khi anh “chỉ” mới vươn tới đỉnh cao US Open năm lần. Wimbledon với Federer thực sự là một giải đấu đặc biệt. 



Roger Federer - Ảnh Getty

Nó cũng có thể là cơ hội cuối cùng của bản thân anh, dù anh chưa bao giờ tuyên bố thời điểm anh sẽ dừng lại sự nghiệp đầy rẫy những vinh quang của mình. Wimbledon khắc nghiệt với lịch sử từng chứng minh rằng, kể từ năm 1975 với Arthur Ashe (người Mỹ da màu), không còn ai ở tuổi 30 trở đi mà vẫn đủ sức để chinh phục nó một lần nữa.

Nhân nói về tuổi tác, cũng phải nhắc tới những trường hợp vô địch Grand Slam ở tuổi ngoài 31 là rất hiếm. Trong mười năm qua chỉ có Andre Agassi vô địch ở 32 tuổi và tám tháng. Trong suốt 20 năm qua, cũng chỉ có thêm ba trường hợp khác vô địch Grand Slam sau khi đã bước qua tuổi 30 (Agassi thêm một lần, còn Sampras đăng quang US Open 2002 khi 31 tuổi, và Petr Kodra chiến thắng tại Australian Open 1998 ở tuổi 30 có lẻ vài ngày).

Chúng ta từng nói vấn đề thể lực trong tennis đương đại đã trở nên quan trọng hơn bất cứ giai đoạn nào. Hãy cập nhật thêm một vài ví dụ nữa. Grigor Dimitrov, tài năng trẻ người Bulgaria gặp Richard Gasquet, gương mặt kỳ cựu của tennis Pháp, chỉ vì nền tảng thể lực mỏng hơn mà Dimotrov thua ngược ở Roland Garros mới đây dù cho đã thắng set 1 và dẫn 5-4, cầm giao bóng set 2. Ở bán kết cũng tại Paris mới đây, Federer đã không guồng nổi đôi chân và cây vợt theo tốc độ của Novak Djokovic, và đó là lần thứ hai anh thất bại  trước đàn em mà không thắng nổi một set. Đó cũng là điều vô cùng hiếm hoi trong sự nghiệp của một Federer thời còn sung sức: suốt bảy năm, anh chỉ một lần thất bại với tỷ số 0-3 trong khuôn khổ Grand Slam, khi đụng phải Rafael Nadal tại chung kết Roland Garros 2008.

Vì thế, nếu phải chờ tới Wimbledon 2013 để cân bằng kỷ lục bảy danh hiệu tại giải đấu này sẽ là quá muộn và quá khó với Federer. Các đối thủ của anh vẫn như những chàng thanh niên trong độ sung sức mà lại đầy bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc. Cả Nadal, Djokovic, Andy Murray hay Jo-Wilfried Tsonga, Tomas Berdych, Juan M.del Potro lúc đó sẽ chỉ ở độ tuổi 25-28, quãng thời gian chín muồi của sự nghiệp dù họ thành công từ rất sớm.

Cơ hội cuối cùng

Lần đầu tiên trong suốt giai đoạn khủng hoảng kéo dài hai năm, đánh mất vị trí số 1 vào tay Nadal, rồi bị đẩy xuống vị trí thứ ba khi Djokovic thăng tiến như vũ bão, Federer thú nhận rằng, việc giành ngôi vị số 1 ATP với anh giờ không còn quá quan trọng nữa. Đó là sự thay đổi rất lớn, bởi mới chỉ năm ngoái, Federer còn nhắc đi nhắc lại một quan niệm rất giản đơn của anh rằng, “đứng ở vị trí hàng đầu bảng xếp hạng cũng đồng nghĩa với việc cả thế giới thừa nhận anh là tay vợt xuất sắc nhất thế giới ở thời điểm đó, nên tôi muốn trở lại vị trí số 1”.

Mục tiêu ưu tiên của Federer giờ đây là Grand Slam như anh khẳng định khi đặt chân tới London. Điều này có thể làm thay đổi cách tiếp cận với các giải Grand Slam, xây dựng lịch thi đấu và tính toán điểm rơi phong độ của anh. Hai năm qua, một Federer luôn tự tin rằng anh đủ khỏe và dẻo dai để chơi gần 20 giải mỗi mùa, nhưng thực tế anh chỉ đăng quang tại bốn Masters 1.000 và hàng loạt ATP 500 khác, còn tới Grand Slam thì đuối sức ở các vòng trong.

Hiểu theo một cách khác, khi Federer biết rằng mình không thể chơi trò săn hai thỏ, không thể cạnh tranh vị trí số 1 ATP, thì anh có thể nhẹ nhàng thua và chỉ giành số điểm hạn chế ở các giải 1.000, 500 và 250 mà không phải chịu quá nhiều áp lực. Duy trì vị trí số 3 (hơn Murray gần 2.500 điểm) đủ để anh không bất lợi trong các cuộc bốc thăm xếp hạt giống, tập trung sức cho những trận đấu quyết định.

Tuy nhiên, khi những đổi thay sẽ chỉ được kiểm chứng trong tương lai, thì cơ hội để làm một cú đúp vẫn có thể đến với Federer ngay tại Wimbledon này. Nếu anh vô địch, Djokovic lúc đó đương nhiên không thể lọt vào tới trận chung kết (họ cùng nhánh bốc thăm), Federer sẽ trở lại vị trí số 1.

Lại thêm một bằng chứng nữa cho thấy Wimbledon này là cơ hội lớn nhất để Federer bên kia sườn dốc của sự nghiệp được rực sáng, ngự trị trên đỉnh vinh quang một lần nữa. Vấn đề còn lại chỉ là anh diễn ở sô này thế nào thôi, Federer!

Federer là hạt giống số 3, cùng nhánh bốc thăm với Djokovic (1). Trong khi Murray và Nadal có thể gặp nhau ở bán kết. Huyền thoại người Mỹ, John McEnroe đánh giá cao nhất khả năng vô địch của Federer, bởi đây là mặt sân phù hợp nhất với tay vợt Thụy Sĩ. Người từng giành 18 Grand Slam nữ, Chris Evert, khuyên Federer phải tấn công quyết liệt hơn, lên lưới nhiều hơn nếu muốn thành công vì gần đây, anh chơi cuối sân đều thua nhanh Nadal và Djokovic.

Phạm Tấn


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link