BLV Đình Khải: World Cup cuối cùng ngồi cabin bình luận

11/06/2014 13:36 GMT+7 | World Cup ở Việt Nam

(Thethaovanhoa.vn) - Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới năm 2010 tại Nam Phi là lần thứ ba Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp, và cũng là World Cup cuối cùng tôi ngồi trong cabin bình luận.

Năm 2010, mặc dù đã có lực lượng bình luận viên hùng hậu, với Mạnh Thắng, Việt Anh và Hải Sơn từ Đà Nẵng ra, nhưng Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn tiếp tục mời tôi cộng tác, trong khi tôi đang làm cố vấn cho Đài VTC.

Tôi tự xét thấy mình tuy đã ở tuổi gần 70, nhưng thể lực và trí lực vẫn còn đủ cho những đêm thức trắng cùng World Cup nên đã nhận lời. Vậy là tôi vẫn được đắm say với sân cỏ thế giới, được mang hết tâm sức của mình để chuyển tải những cái hay, cái đẹp đến mê hồn của bóng đá tới hàng triệu người hâm mộ cả nước.

“Cám ơn nghệ sỹ Đình Khải đã vẽ lại trận đấu cho những người khiếm thị chúng tôi được xem World Cup” - Nghệ sĩ guitar Văn Vượng

Việc tôi tiếp tục trở về cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam để tường thuật World Cup 2010 còn bắt nguồn từ một lý do nữa. Kể từ sau khi nghỉ hưu, tôi vẫn nhận được lời mời cộng tác của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam tham gia bình luận bóng đá. Theo đó, tôi vẫn thường xuyên song hành cùng các bình luận viên của Đài trong tất cả các cuộc tường thuật các giải bóng đá trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, kể từ sau chuyến đi cùng Đài VTC tham dự Olympic 2008, tôi đã xin thôi cộng tác bình luận bóng đá cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng là lẽ thường tình, bởi lực lượng bình luận viên của Đài đã có đủ, với Mạnh Thắng và Việt Anh. Các bình luận viên trẻ này đã trưởng thành, đã vững vàng về tay nghề, giỏi về kiến thức, ngoại ngữ và kỹ thuật, đủ sức thực hiện các cuộc tường thuật bóng đá trên sóng phát thanh.

Tuy vậy, những ngày sau khi tôi “tắt tiếng” trên Đài, tôi liên tiếp nhận được tin nhắn và điện thoại của người hâm mộ ở khắp mọi miền trong cả nước bày tỏ sự tiếc nuối. Thậm chí, có lẽ vì quá yêu mến giọng bình luận của tôi, khá nhiều người còn suy đoán việc tôi “tắt tiếng” có thể vì hai lý do: Hoặc là vì tôi đã được đề bạt làm cán bộ lãnh đạo, hoặc là vì tôi bị kỷ luật rất nặng.

Tôi đã trả lời người hâm mộ rằng: “Chẳng ai đề bạt cũng như kỷ luật một người đã nghỉ hưu như tôi cả!” Bạn nghe đài mới “ớ” ra, bởi theo họ: “Sao mà giọng anh còn trẻ thế, nghe trên đài cứ tưởng anh mới chỉ ngoài 50 tuổi thôi!” Quả là “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”. Mấy chục năm người hâm mộ chỉ nghe tiếng tôi qua radio, chứ có nhìn thấy mặt mũi tôi thế nào đâu. Đó cũng là một thua thiệt của người làm phát thanh so với người làm truyền hình.

Một người hâm mộ ở Hoà Bình nhiều lần gọi điện cho tôi, với giọng nói có phần gay gắt và yêu cầu tôi: “Với tư cách là một đảng viên thì anh phải tiếp tục phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng chứ”. Tôi phải cố gắng giải thích mới có thể làm bạn hâm mộ này “hạ hoả”.

Có lẽ cũng vì thế mà ngay đêm đầu tiên lên sóng bình luận World Cup 2010, tôi đã nhận được tin nhắn và điện thoại của rất nhiều bạn hâm mộ gửi đến bày tỏ niềm vui gặp lại, sau hai năm tôi vắng tiếng trên sóng phát thanh quốc gia.

Vào những ngày diễn ra World Cup 2010, nhiều tờ báo đã đến 41-43 Bà Triệu để phản ánh công việc của các bình luận viên bóng đá của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là nguồn động viên lớn, góp phần giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, vất vả cả tháng trời để phục vụ người hâm mộ cả nước.

Tạm biệt World Cup 2010. Tôi thầm nghĩ đây sẽ là lần cuối cùng tôi tham gia tường thuật bóng đá, sẽ thật sự “tắt tiếng” trên sóng phát thanh chứ không như ý nghĩ thoáng qua khi tôi nhận quyết định nghỉ hưu. Tôi biết, sẽ có nhiều bạn hâm mộ sẽ nhớ và luôn luôn mong được nghe tiếng bình luận của tôi trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhưng cũng đã đến lúc phải nghỉ ngơi thôi. Bởi tôi đã nghỉ hưu vài năm rồi. Và bởi, tôi cũng đã gần tới tuổi 70 rồi. Âu đó cũng là quy luật muôn thuở của thời gian. Chợt nhớ tới lời của nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, trong lời tựa cuốn sách “Vào...lại không vào” của tôi. Ông viết:

“Cho dù trong tương lai, dưới sức ép của “ông thời gian lạnh lùng” chẳng vì nể ai cũng chẳng thiên vị ai, nhà báo thể thao Đình Khải buộc phải xa rời hẳn nghề nghiệp yêu quý của mình, thì anh có thể yên tâm mình đã có riêng cho mình những người bạn chí cốt, hình thành nên công chúng mến mộ, thủy chung”.

Nhà báo Đình Khải
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link