10/07/2018 14:05 GMT+7 | World Cup 2018
(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi các đội bóng lớn như Tây Ban Nha, Đức, Argentina và Brazil dừng bước tại World Cup và xác định xong bốn đội vào bán kết, có rất nhiều người cho rằng thứ bóng đá lấy nguyên tắc cầm và giữ bóng làm chủ đạo để tạo ra các cơ hội tấn công và củng cố khả năng phòng thủ coi như đã chết và thua cuộc rõ ràng trước lối chơi thực dụng và khoa học, tận dụng tốt các cú sút phạt bóng chết, tạt cánh đánh đầu, phòng thủ chặt như bóng rổ.
Có thể nhìn thấy các đội vào bán kết, cả Bỉ, Pháp, Anh và Croatia đều không phải là những đội bóng lấy khả năng cầm bóng và giữ bóng là bảo bối cho chiến thắng của mình, trong khi các ông lớn ngã ngựa đã nêu ở trên đều là những đội bóng luôn chiếm thời lượng giữ bóng cao hơn hẳn các đội khác (đặc biệt là Tây Ban Nha và Đức). Nhiều khi, các đội bóng này còn chơi ngẫu hứng, sáng tạo, trình diễn đẹp mắt.
Trong khi đó, cả bốn đội vào bán kết đều chơi rất khoa học, chặt chẽ, tận dụng tốt các quả phạt góc, sút phạt bóng chết, không chiến và phòng thủ có chiều sâu, nhiều tầng lớp, theo khu vực. Cả ba đội Bỉ, Pháp và Croatia, bên cạnh sự khoa học và hiệu quả, còn biết kết hợp những ưu điểm của lối chơi cầm bóng. Riêng đội tuyển Anh luôn trung thành với lối chơi truyền thống, vậy mà sự hiện diện của các cầu thủ chơi ở Premier League tại World Cup lại đông nhất, với 40 người tại vòng tứ kết.
Nhưng nếu khẳng định “lối chơi cầm bóng đã chết” thì có lẽ hơi vội vã, bởi vì những ông lớn bại trận đều có những vấn đề khác chi phối, kể cả sự may rủi. Tây Ban Nha thay HLV ngay trước World Cup do sự ngạo mạn của Chủ tịch CLB Real Madrid, Florentino Perez, là một cú sốc lớn đối với đội tuyển của xứ đấu bò tót, chưa kể thủ môn mắc một sai lầm chết người.
Bộ máy của “Cỗ xe tăng Đức” cũng trục trặc không kém với vụ bê bối của Ozil và Gundogan, hai cầu thủ gốc Thổ chụp ảnh với tổng thống Erdogan, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nội bộ đội bóng. Không thể lấy đó làm cái cớ cho sự thua trận, nhưng ít nhiều nó cũng tác động đến tâm lý thi đấu của các cầu thủ.
Argentina cũng không ít vấn đề khi HLV có rất ít quyền lực thực sự. Mọi gánh nặng đều trút lên vai Messi trong khi thành công của một đội bóng luôn thuộc về tập thể, chứ không phải chỉ một người. Đây cũng là đội bóng già nhất World Cup lần này nên họ thua ngay từ nền tảng thể lực.
Vả lại có một thực tế là để thực hiện được lối chơi cầm bóng, bật nhả, chọc khe qua háng, chạy chỗ không bóng liên tục, thay đổi tốc độ trận đấu đột ngột, đột phá cá nhân, ngẫu hứng và trình diễn phải có những cầu thủ giỏi đồng đều. Tây Ban Nha thiếu Xavi, trong khi Iniesta, Busquets đã qua thời kỳ đỉnh cao, các cầu thủ từ các CLB khác lên tuyển có lối chơi phòng thủ phản công là chính như Atletico và Real Madrid. Vậy nên tuyển Tây Ban Nha đã khác hẳn thời kỳ họ vô địch thế giới và châu Âu với nền tảng của Barca là chính.
Tương tự như vậy là các đội mạnh như Brazil, Argentina, Đức, mỗi đội với những vấn đề riêng của mình.
Mặt khác, ở cấp quốc gia, lối chơi cầm bóng vẫn đang thắng thế. Manchester City của Pep Guardiola tại Premier League và Barca của Valverde tại Liga là những thí dụ cụ thể. Họ là hai nhà vô địch của hai giải đấu lớn nhất của châu Âu, có cùng lối chơi tiki-taca, dù đã được cải tiến ở cấp độ khác nhau
Bởi thế, cho dù ở World Cup lần này, lối chơi của các võ sỹ và công nhân có thắng thế so với lối chơi của các nghệ sỹ thì cũng chưa thể nói: Lối chơi cầm bóng đã chết.
Bóng đá là một cuộc trình diễn nên nếu chiến thắng có thêm cái đẹp thì tuyệt vời biết chừng nào.
Lưu Vạn Kha
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất