12/06/2018 06:47 GMT+7 | Bảng F
(Thethaovanhoa.vn) - Brazil đã từng bảo vệ được chức vô địch của mình vào năm 1962, sau khi đăng quang 4 năm trước đó. Và giờ thì người Đức bắt đầu đánh cược với quá khứ cho hi vọng lặp lại kì công này.
Theo Công ty chuyên phân tích chỉ số Gracenote, Brazil và Đức là hai đội bóng dẫn đầu về cơ hội để giành chiếc cúp Vàng thế giới tại Nga mùa Hè này với 21%, các đội bóng tiếp theo là Tây Ban Nha và Argentina. Các nhà cái, trong khi đó, cũng đặt cửa cho khả năng vô địch của Brazil là 4 ăn 1, Đức xếp thứ hai với tỉ lệ 9 ăn 2. Những chi tiết bên lề này cho thấy, để có thể tiếp bước đội bóng áo vàng xanh, Đức phải đánh bại chính đối thủ, nếu như hai đội gặp nhau ở trận đấu cuối cùng. Nhưng bóng đá không chỉ nằm ở các chỉ số thống kê.
Những quyết định tranh cãi
Joachim Loew, một trong những yếu nhân của cuộc cách mạng bóng đá Đức, bắt đầu cho hành trình bảo vệ danh hiệu tại nước Nga bằng những quyết định gây tranh cãi. Ông trao vị trí số 1 trong khung gỗ cho Manuel Neuer sau 8 tháng không chơi đỉnh cao vì chấn thương, và gạt Ter Stegen sang một bên. Loại Leroy Sane để lấy chỗ cho Julian Draxler, người dành phần lớn thời gian mùa bóng vừa rồi trên ghế dự bị ở Parc des Princes, bất chấp việc tiền vệ của Manchester City gây ấn tượng như thế nào.
Và Marco Reus, người có tiền sử chấn thương, cũng như đang bắt nhịp trở lại với bóng đá đỉnh cao có thể sẽ mang tới những lo ngại cho nhà đương kim vô địch thế giới, dù anh đã ghi bàn liên tục trong những trận đấu cuối cùng của Borussia Dortmund tại Bundesliga mùa vừa rồi.
Nhưng chúng ta không phải là những nhà thông thái để phê phán HLV 58 tuổi này, vì ông chính là mắt xích cuối cùng cho chức vô địch của Đức tại Brazil 4 năm trước. Người đã nằm trong cuộc cách mạng bóng đá triệt để mà Đức đã thực hiện sau thảm họa tại EURO 2000, bắt đầu từ việc mở ra những học viện bóng đá trẻ năm 2001, tạo ra một hệ thống kĩ thuật chuẩn mực trong đào tạo, phát triển năng khiếu của trẻ nhỏ trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, và biến họ trở thành những cầu thủ xuất chúng.
Joachim Loew không trực tiếp tham gia vào quá trình chăm bẵm đấy, nhưng là người gắn bó lâu nhất với những tài năng của hệ thống 2001, với những ngôi sao vẫn đang đóng vai trò trụ cột của nhà đương kim vô địch đó là Mesut Oezil, Mats Hummels, Thomas Mueller, Toni Kroos, Joshua Kimmich, Marco Reus. Và 14 trong số 23 người đã lên ngôi ở Brazil 4 năm trước đều xuất thân từ các câu lạc bộ Bundesliga, quan trọng hơn, hầu hết họ đều ở độ tuổi trên dưới 25, cũng như đang ở độ chín của sự nghiệp.
Và dù đã phải cân nhắc rất nhiều khi loại bỏ Mario Goetze hay Leroy Sane, và phần nào đó là Ter Stegen. Joachim Loew biết chắc phần việc của mình sẽ phát triển theo hướng nào, dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ. Một HLV đã ở đây đến 10 năm, giành chức vô địch thế giới, á quân châu Âu và đứng thứ 3 tại Nam Phi. Ông hẳn là một kho tri thức về chiến thuật, khả năng ứng biến với tình thế, về những sự thay đổi của bóng đá hiện đại trong một thập kỉ qua.
Cơ hội nào của Đức
Đức chắn chắn không đi vào vết xe đổ của Pháp (2002), Italy (2010) hay Tây Ban Nha (2014), những nhà đương kim vô địch đã bị loại sớm ngay từ vòng bảng, ở các giải đấu mà họ được đánh giá là ứng cử viên lớn cho chiếc cúp Vàng, với những gì đã diễn ra.
Vô địch năm 2014 là kết quả cuối cùng cho cuộc cách mạng bóng đá mà họ đã tạo ra gần 20 năm trước. Cuộc thay máu đấy tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian và tâm huyết để trở lại với đỉnh cao của thế giới. Và nó mới chỉ là sự bắt đầu của việc gặt hái thành quả của người Đức.
Tới nước Nga lần này, bên cạnh thế hệ đầu tiên của cuộc cách mạng, Joachim Loew còn có sự phát triển mạnh mẽ từ thế hệ thứ hai với Timo Werner, Sebastian Rudy, Julian Brandt, Leon Goretzka, Joshua Kimmich, Ter Stegen, Niklas Süle, Jonathan Tah, tất cả những người này đều dưới 23 tuổi. Một đội hình có sự pha trộn hợp lý giữa những người đang ở đỉnh cao phong độ như Toni Kroos, Mesut Oezil, Mats Hummels và Thomas Mueller.
Tất cả đều đảm bảo cho sự vận hành trơn tru của hệ thống chiến thuật 4-2-3-1 đã hoạt động hiệu quả nhiều năm qua. Họ kết thúc vòng bảng khu vực châu Âu với 10 trận thắng tuyệt đối, và đạt đến sự cân bằng hoàn hảo ở số lượng cầu thủ tham gia vòng loại, cũng như không có quá nhiều xáo trộn ở đội hình chính.
Đặc biệt hơn, khi Đức giành Confederations Cup 2017, công lớn thuộc thế hệ thứ hai với Timo Werner dẫn dắt hàng công. Và liệu dòng máu trẻ này có thể trỗi dậy mạnh mẽ như năm 2014 để giúp Đức lần thứ hai liên tiếp giành chức vô địch thế giới hay không, sẽ trở thành câu chuyện thú vị nhất mùa Hè này.
Châu Âu đang thắng thế World Cup giống như tấm chăn hẹp cho những ước mơ, lịch sử giải đấu lớn nhất hành tinh này mới chỉ ghi nhận 8 nhà vô địch đó là Brazil, Italy, Đức, Uruguay, Argentina, Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Và những vũ công Samba là những người đăng quang nhiều nhất với 5 danh hiệu vào các năm 1958, 1962, 1970, 1994 và 2002. Italy và Đức xếp liền sau đó với mỗi đội tuyển 4 lần giành chức vô địch. Nếu như đội bóng có biệt danh Cỗ xe tăng lên ngôi vào các năm 2014, 1990, 1974 và 1954, thì đội bóng áo màu thiên thanh vô địch vào các năm 1934, 1938, 1982 và 2006. Uruguay và Argentina, hai đội bóng Nam Mỹ sau Brazil đều hai lần giành chiếc cúp Vàng thế giới. Trong đó, Mexico 1986 có lẽ là giải đấu không bao giờ phai mờ trong tâm trí người yêu bóng đá trên toàn thế giới vì màn trình diễn siêu đẳng của Diego Maradona. Người Anh một lần lên ngôi vào năm 1966, khi World Cup được tổ chức trên sân nhà, điều tương tự đến với Pháp 32 năm sau. Trong khi Tây Ban Nha là đội bóng châu Âu đầu tiên đăng quang ở giải đấu ngoài châu lục, và Đức tiếp nối điều đó với chức vô địch tại Brazil năm 2014. Và trong cuộc chiến với bóng đá Nam Mỹ, châu Âu đang nhỉnh hơn các đối thủ 2 danh hiệu (11 chiếc cúp so với 9). |
Nhật Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất